SearchNews

Cập nhật thông tin quy hoạch huyện Gia Lâm, Hà Nội

12/01/2022 14:24

Quy hoạch huyện Gia Lâm - một huyện ngoại thành nằm ở phía Đông Thủ đô Hà Nội hiện thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là các nhà đầu tư bất động sản. Bài viết dưới đây chia sẻ bản đồ quy hoạch huyện Gia Lâm mới nhất, giúp bạn nắm bắt thông tin quy hoạch đầu đủ và chính xác về huyện này.

Theo quyết định phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì của TP. Hà Nội dự kiến sẽ lên quận trong giai đoạn này. Đáng chú ý, UBND TP. Hà Nội chủ trương quy hoạch huyện Gia Lâm trở thành một vùng kinh tế trọng điểm của khu vực. Chính bởi vậy, nhà đất Gia Lâm trở nên hấp dẫn giới đầu tư trong những năm gần đây.

Với những thông tin mà chúng tôi chia sẻ trong bài viết này, bạn đọc sẽ có cái nhìn tổng quan về huyện Gia Lâm gồm vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, phát triển đô thị... và góp phần giúp nhà đầu tư địa ốc trong việc quyết định có xuống tiền mua bất động sản Gia Lâm hay không.

1. Vị trí địa lý của huyện Gia Lâm

Huyện Gia Lâm cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 8km. Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Gia Lâm là 117,71 km2, quy mô dân số khoảng 286.130 người (thống kê năm 2019). Mật độ dân số 2.756 người/km2.

Phạm vi, ranh giới của huyện Gia Lâm như sau:

  • Phía Đông giáp huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
  • Phía Tây giáp quận Hoàng Mai, ranh giới là sông Hồng
  • Phía Nam giáp huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên
  • Hướng Bắc giáp huyện Đông Anh, TP. Hà Nội và thị xã Từ Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh)
  • Hướng Đông Nam giáp huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên
  • Hướng Tây Nam giáp huyện Thanh Trì, ranh giới là sông Hồng
  • Hướng Tây Bắc giáp quận Long Biên, ranh giới là sông Đuống và Quốc lộ 1A mới.

Về mặt địa lý, huyện Gia Lâm được chia ra làm 03 khu vực, được ngăn cách bởi dòng sông Đuống gồm:

  • Cụm Bắc Đuống gồm thị trấn Yên Viên và các xã Yên Viên, Trung Mầu, Phù Đổng, Đình Xuyên, Ninh Hiệp, Dương Hà, Yên Thường.

  • Cụm Nam Đuống gồm thị trấn Trâu Quỳ và các xã Lệ Chi, Kim Sơn, Dương Quang, Dương Xá, Đặng Xá, Cổ Bi, Phú Thị.

  • Cụm sông Hồng gồm Văn Đức, Kim Lan, Kiêu Kỵ, Bát Tràng, Đa Tốn, Đông Dư.

Bản đồ huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội
Bản đồ huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội

2. Hành chính

Trước năm 1945, huyện Gia Lâm thuộc phủ Thuận An, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 28/11/1948, Chủ tịch nước ra Sắc lệnh đưa huyện Gia Lâm sáp nhập vào Hưng Yên. Ngày 07/11/1949, Chủ tịch nước ra Sắc lệnh đưa toàn bộ huyện Gia Lâm trở lại Bắc Ninh.

Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, kỳ họp thứ 2 ngày 20/04/1961 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 31/05/1961 quy định địa dư hành chính huyện Gia Lâm và sáp nhập huyện Gia Lâm về Hà Nội.

Ngày 13/10/1982, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập 2 thị trấn là Sài Đồng và Đức Giang. Huyện Gia Lâm có 31 xã và 04 thị trấn. Từ ngày 01/01/2004, một phần đất và dân số huyện Gia Lâm (13 xã, thị trấn) được tách ra để thành lập quận mới Long Biên.

Ngày 02/01/2005, Chính phủ quyết định chuyển xã Trâu Quỳ thành thị trấn Trâu Quỳ.

Hiện tại, huyện Gia Lâm hiện có 22 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn Yên Viên, Trâu Quỳ và 20 xã. Đó là các xã: Kim Sơn, Yên Thường, Yên Viên, Trung Mầu, Đình Xuyên, Phù Đổng, Ninh Hiệp, Văn Đức, Lệ Chi, Kiêu Kỵ, Kim Lan, Dương Xá, Dương Quang, Dương Hà, Phú Thị, Đông Dư, Đặng Xá, Cổ Bi, Đa Tốn, Bát Tràng.

3. Thông tin quy hoạch huyện Gia Lâm mới nhất         

Mục đích của kế hoạch quy hoạch chung xây dựng huyện Gia Lâm năm 2022 là nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tới năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, huyện Gia Lâm sẽ trở thành một quận phía Đông của TP. Hà Nội với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư bài bản và đồng bộ.

Thông tin tại buổi giao ban báo chí hồi tháng 6/2020, ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho hay, Gia Lâm hiện đã đạt được 25/28 tiêu chí lên quận.

>>> Hà Nội: Thông tin mới nhất về đồ án đưa 5 huyện lên quận

Quy hoạch giao thông huyện Gia Lâm

Huyện Gia Lâm Huyện hiện có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đã được đầu tư xây dựng như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, Quốc lộ 5, 15, 17, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn.

Cùng với đó là hệ thống đường thủy qua sông Đuống, sông Hồng; ga Yên Viên và đường sắt kết nối lên phía Bắc, Đông Bắc và cảng biển Hải Phòng. Các tuyến đường liên tỉnh qua Gia Lâm cũng được đầu tư mở rộng.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện có 26 dự án giao thông sẽ được đưa vào triển khai trong kế hoạch quy hoạch Gia Lâm. Tiêu biểu như dự án đường đê từ cầu Đuống tới cầu Phù Đổng, đường nối tỉnh lộ 179 đến đường gom Hà Nội - Hải Phòng.

Hệ thống giao thông hiện hữu tại Gia Lâm gồm:

  • Quốc lộ 1A (mới)
  • Quốc lộ 1A (cũ)
  • Quốc lộ 3
  • Quốc lộ 5
  • Quốc lộ 17
  • Quốc lộ 18B
  • Đường vành đai 3
  • Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
  • Đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn
  • Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên
  • Ga Yên Viên
  • Đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng
  • Đường sắt Yên Viên - Cái Lân (dự án)
  • Đường sắt Hà Nội - Lào Cai
  • Ga Phú Thụy
  • Đường sắt Hà Nội - Hải Phòng
  • Các dự án đường sắt đô thị đi qua địa bàn huyện là các tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên), tuyến số 8 (An Khánh - Dương Xá)
  • Đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên mới
  • Đường Đông Dư - Dương Xá
  • Đường Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng
  • Đường Dốc Lã - Ninh Hiệp - Phù Đổng - Trung Mầu
  • Đường Dốc Hội - Trâu Quỳ
  • Đường đê Vàng
  • Đường Phú Thị - Dương Quang - Lạc Đạo (Hưng Yên)
  • Đường Bát Tràng - Đa Tốn - Kiêu Kỵ - Tân Quang (Hưng Yên)
  • Đường 271 Phù Đổng - Từ Sơn (Bắc Ninh)
  • Đường đê tả Đuống Yên Viên - Dương Hà - Trung Mầu
  • Đường Phố Keo - Lệ Chi - dốc Chi Đông (Lệ Chi)
  • Đường Viện Rau - Đông Dư (giao đường mới HN - HY)
  • Tỉnh lộ 179, 195, 378, 379...
  • Các đường liên thôn, đường ngắn, nội bộ trong xã, cụm dân cư, tổ dân phố,...

Các tuyến xe buýt nội thành kết nối với Gia Lâm gồm:

  • Tuyến 11, 59 tới Học viện Nông nghiệp Việt Nam
  • Tuyến 100, 158 tới Khu đô thị Đặng Xá
  • Tuyến E01, E03 tới Vinhomes Ocean Park
  • Tuyến 10B tới Trung Mầu
  • Tuyến 47A tới Bát Trang
  • Tuyến 47B tới Kiêu Kỵ
  • Tuyến 52A tới Lệ Chi
  • Tuyến 52B tới Đặng Xá
  • Tuyến 69 tới Dương Quang 

Nhìn chung, hạ tầng giao thông tại huyện Gia Lâm đã được đầu tư bài bản, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp kết nối trong và ngoài địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để hoàn thành được tiêu chí lên quận, huyện Gia Lâm đã đề xuất UBND TP. Hà Nội phê duyệt xây dựng thêm 42 tuyến đường từ nay đến 2025.

Huyện Gia Lâm hiện đã đạt được 25/28 tiêu chí lên quận
Huyện Gia Lâm hiện đã đạt được 25/28 tiêu chí lên quận. Ảnh minh họa

Phát triển đô thị

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn huyện Gia Lâm trong những năm gần đây với một loạt các khu đô thị mới thành hình như Khu đô thị Đặng Xá, Khu đô thị mới Trâu Quỳ, Vinhomes Ocean Park... Quy mô dân số và tỷ lệ dân thành thị của huyện Gia Lâm vì thế cũng gia tăng đáng kể.

Trên địa bàn huyện Gia Lâm hiện có một số khu đô thị mới tiêu biểu như:

  • Khu đô thị Vinhomes Ocean Park: Thuộc địa giới hành chính thị trấn Trâu Quỳ, xã Kiêu Kỵ, xã Dương Xá và xã Đa Tốn, khu đô thị này có tổng diện tích 420 ha, tọa lạc ở cửa ngõ phía Đông Thủ đô, giao của 2 tuyến đường Quốc lộ 54 và Quốc lộ 5E.

  • Khu đô thị mới Trâu Quỳ: Tọa lạc trên địa bàn xã Đặng Xá và Thị trấn Trâu Quỳ, khu đô thị có tổng diện tích 31,8 ha.

  • Khu đô thị Đặng Xá: Thuộc địa phận hai xã Cổ Bi và xã Đặng Xá, khu đô thị có quy mô diện tích 69,60 ha; dân số khoảng 20.000 người. Dự án tọa lạc trên đường Quốc lộ 5, gần Quốc lộ 1B, kết nối giao thông thuận lợi.

Quy hoạch chi tiết Cảng container Phù Đổng

Lãnh đạo TP. Hà Nội đã ký quyết định về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết Cảng container Phù Đổng với tỷ lệ 1/500. Công trình tọa lạc trên địa bàn xã Cổ Bi và xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Khu đất lập quy hoạch nằm về phía hạ lưu cầu Phù Đổng và trong vùng bãi sông Đuống - tương ứng khoảng Km11+200 đê hữu Đuống thuộc các xã Đặng Xá, Cổ Bi.

Về ranh giới, phía Đông giáp mương thủy lợi và trạm bơm Lời; phía Tây giáp cầu Phù Đổng; phía Nam giới hạn đến hết đê hữu Đuống; phía Bắc giới hạn đến mép nước sông Đuống.

Quy mô công suất cảng là 2,54 triệu tấn/năm; định hướng đến năm 2030 là 3,0 triệu tấn/năm.

Tổng diện tích khu đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 340.366m2. Trong đó, khoảng 230.381m2 đất nghiên cứu lập dự án cảng container;  khoảng 15.228m2 đất nằm ngoài phạm vi dự án, thuộc hành lang bảo vệ cầu Phù Đổng; khoảng 94.757m2 đất nằm ngoài phạm vi dự án, thuộc hành lang bảo vệ đê hữu Đuống.

Về nội dung quy hoạch, gồm: Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất; nhu cầu vận tải hàng hóa thông qua cảng Container Phù Đổng; thiết kế đô thị; chức không gian, kiến trúc, cảnh quan; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật.

Quy hoạch chung thị trấn Phù Đổng, thuộc quy hoạch huyện Gia Lâm đến năm 2030
Quy hoạch chung thị trấn Phù Đổng, thuộc quy hoạch huyện Gia Lâm đến năm 2030

Quy hoạch chung khu vực thị trấn Phù Đổng, huyện Gia Lâm đến năm 2030

Tổng diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 883,25 ha, gồm 181 ha diện tích khu vực phát triển đô thị; khoảng 702,25 ha diện tích khu vực đất ngoài đô thị và dự trữ phát triển. Quy mô dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 20.000 người, gồm dân số khu vực phát triển đô thị khoảng 16.500 người, dân số khu vực ngoài đô thị khoảng 3.500 người.

Về tính chất, thị trấn Phù Đổng là thị trấn thành lập mới ở phía Bắc huyện Gia Lâm; là đô thị loại V, thị trấn huyện lỵ phát triển mới; trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa lịch sử gắn với Khu di tích Đền Gióng, hành lang xanh, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Gia Lâm; là trung tâm dịch vụ công cộng, hỗ trợ sản xuất, đầu mối hạ tầng kỹ thuật vùng nông thôn.

Quy hoạch phân khu đô thị N9 tỷ lệ 1/5.000

Theo phê duyệt, khu vực nghiên cứu Phân khu đô thị N9 nằm ở phía Đông Bắc đô thị trung tâm Hà Nội thuộc địa giới hành chính thị trấn Yên Viên và các xã Đông Hội, Mai Lâm, Phù Đổng, Dương Hà, Ninh Hiệp, Đình Xuyên, Yên Thường, Yên Viên của huyện Gia Lâm và Đông Anh. 

Về ranh giới, phía Đông là đường vành đai 3, qua cầu Phù Đổng đi Lạng Sơn; phía Nam và Tây Nam là đường đê sông Đuống; phía Tây Bắc là tuyến đường nối cầu Tứ Liên với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; phía Đông Bắc là Phân khu đô thị GN khu vực huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm.

Khu vực lập quy hoạch có tổng diện tích 2.290 ha, trong đó diện tích thuộc địa giới hành chính huyện Gia Lâm khoảng 1482,5 ha; huyện Đông Anh khoảng 807,5 ha. Đất xây dựng trong phạm vi dân dụng khoảng 1969,05 ha, đất xây dựng ngoài phạm vi dân dụng khoảng 320,95 ha. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 là 180.000 người, đến năm 2050 là 200.000 người.

Về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan: Gồm 07 khu vực với 28 ô quy hoạch và đường giao thông. Tổ chức không gian cao tầng dọc các trục chính đô thị cùng một số vị trí điểm nhấn. Không gian thấp dần về phía sông Đuống, khu vực Cổ Loa. Cải tạo, chỉnh trang khu vực làng xóm giữ được đặc trưng truyền thống, bảo tồn công trình di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo.

Ưu tiên đầu tư một số dự án hạ tầng xã hội, đô thị như khu thương mại tài chính Dương Hà, cụm công trình công cộng thương mại dịch vụ ga Yên Viên, tổ hợp y tế đa chức năng và dự án khu giáo dục đào tạo,...

Quy hoạch phân khu đô thị N10, tỷ lệ 1/2.000

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị N10 tỷ lệ 1/2.000 thuộc địa bàn các xã, phường Ngọc Lâm, Ngọc Thụy, Bồ Đề, Thượng Thanh, Gia Thụy, Việt Hưng, Đức Giang, Phúc Đồng, Giang Biên, Sài Đồng, Cự Khối, Phúc Lợi, Thạch Bàn (Long Biên) và Đông Dư, Cổ Bi (Gia Lâm).

Khu vực quy hoạch có tổng diện tích khoảng 4.037,46 ha. Trong đó, đất xây dựng đô thị 101,72m2/người, đất dân dụng đô thị 81,01m2/người. Quy mô dân số dự báo đến năm 2030 là 350.000 người và tối đa đến năm 2050 là 397.000 người.

Theo phê duyệt, phân khu đô thị N10 được chia thành 7 khu quy hoạch, gồm 49 ô quy hoạch và đường giao thông để kiểm soát phát triển. Trung tâm hành chính, chính trị và thương mại bố trí theo cụm, tiếp giáp các trục đường đô thị, tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị theo khu vực.

Không gian đô thị phát triển theo nguyên tắc hình thành dọc theo tuyến đường đô thị tạo không gian lớn. Quy mô, độ cao công trình giảm dần về phía các công viên, di tích lịch sử văn hóa, làng xóm… tạo sự chuyển tiếp không gian đô thị hài hòa.

4. Thị trường nhà đất Gia Lâm những năm gần đây

Phối cảnh tổng thể một dự án khu đô thị tại huyện Gia Lâm
Phối cảnh tổng thể một dự án khu đô thị tại huyện Gia Lâm

Với cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ và hiện đại, nhà đất Gia Lâm trở nên sôi động hơn trong những năm gần đây, đặc biệt từ thời điểm giữa năm 2020. Khảo sát cho thấy, giá bất động sản Gia Lâm tăng bình quân khoảng 10 - 15% tại các dự án lớn và giá đất tăng 30% so với hồi đầu năm 2019.

Tùy khu vực và vị trí, giá nhà đất tại huyện Gia Lâm nằm trong khoảng từ 15 - 170 triệu đồng/m2. Đất nền tại các xã Đặng Xá, Dương Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn có giá dao động từ 50 - 60 triệu đồng/m2. Tại thị trấn Trâu Quỳ, giá nhà đất khoảng 150 - 170 triệu đồng/m2, đất thổ cư trong làng khoảng 15-25 triệu đồng/m2, đất nông nghiệp có giá 3-4 triệu đồng/m2.

Hàng loạt "ông lớn" bất động sản đã rót vốn vào Gia Lâm như Vingroup, Masterise Homes, Eurowindow Holding,... với các dự án đại đô thị theo mô hình sinh thái, thông minh. Ngoài ra còn có các công trình trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí được đầu tư, mở rộng để phục vụ nhu cầu của người dân trong khu vực cũng như các vùng kế cận.

Top dự án bất động sản điển hình tại Gia Lâm gồm Vinhomes Ocean Park quy mô 420 ha của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Gia Lâm - một thành viên của Vingroup làm chủ đầu tư; Khu căn hộ cao cấp Masteri Waterfront của Masteri Homes quy mô 37 ha; tổ hợp nhà phố, biệt thự liền kề Eurowindow Twin Parks 10 ha của Eurowindow Holding.

Một số dự án tiêu biển khác như Khu đô thị mới Đặng Xá của công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng - Viglacera với quy mô diện tích 69,6 ha; Gia Lâm Central Metropolitan quy mô 8.043m2; nhà ở liền kề Green Oasis Gia Lâm 3,2 ha của Công ty CP Xây lắp 1 - Petrolimex...

Cùng với đó là các công trình trình, dự án quy mô trong tương lai như sân golf Vinpearl Hà Nội 182,3 ha tại xã Phù Đổng và xã Dương Hà; Khu đô thị Yên Viên 26 ha; khu đô thị Gia Lâm 3 ha; trung tâm thương mại 9,3 ha tại xã Đa Tốn,...

Như vậy, với những ưu thế nổi trội về quy hoạch huyện Gia Lâm, hạ tầng, giao thông đồng bộ, thị trường bất động sản nơi đây ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư phát triển dự án, giới đầu tư địa ốc trên cả nước. 

 

Lam Giang (TH)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu