SearchNews

Đề xuất thu thuế chuyển mục đích sử dụng đất

22/04/2017 10:56

Ngày 20-4, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đã đề xuất như trên tại buổi làm việc với Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên - môi trường về những kiến nghị sửa đổi Luật đất đai 2013 của HoreA.

Theo ông Châu, quy định thu tiền sử dụng đất hiện nay là một “ẩn số” không minh bạch, nhà đầu tư không thể tiên lượng khi đầu tư. Đây là gánh nặng mà doanh nghiệp và người mua phải gánh chịu khi mua nhà.

Ông Châu kiến nghị thay vì thu tiền sử dụng đất một lần, Nhà nước nên quy định thu thuế đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, với mức thu bằng 10% hoặc 15% bảng giá đất (bao gồm hệ số điều chỉnh giá đất K) do UBND cấp tỉnh ban hành.

Theo ông Châu, việc áp dụng thuế sử dụng đất sẽ hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn, đồng thời duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước.

“Về lâu dài, Luật đất đai cần sửa đổi theo hướng thu thuế bất động sản thấp, nhưng thu hằng năm để đảm bảo có nguồn thu về đất đai bền vững, không tạo gánh nặng, áp lực cho nhà đầu tư và người tiêu dùng” - ông Châu nói.

Ngoài ra, HoREA còn kiến nghị sửa đổi điều 18, điều 113, điều 114 Luật đất đai 2013 theo hướng Chính phủ không ban hành khung giá đất. Giao cấp tỉnh căn cứ giá thị trường mà ban hành bảng giá đất để đảm bảo nguyên tắc giá đất Nhà nước quy định phải phù hợp với giá đất thị trường.

Lý giải kiến nghị này, ông Châu cho hay Luật đất đai 2013 và các nghị định hướng dẫn, quy định Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng.

Căn cứ theo khung giá đất, cấp tỉnh ban hành bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần, trong đó được quy định mức giá đất cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.

Trường hợp quy định mức giá đất cao hơn 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất thì phải báo cáo Bộ Tài nguyên - môi trường xem xét, quyết định.

Ông Châu nêu dẫn chứng là sau khi UBND TP.HCM đã ban hành bảng giá đất thì giá đất cao nhất thuộc về các đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (Q.1) sau khi đã vận dụng tột khung thì chỉ có giá 162 triệu đồng/m2.

Nếu áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất khu vực 1 (cao nhất) là 1,2 lần, giá đất ở của ba tuyến đường này cũng chỉ là 194,4 triệu đồng/m2, thấp hơn rất nhiều so với giá đất thị trường (trên 1 tỉ đồng/m2).

Còn nhìn chung thì bảng giá đất thành phố chỉ tương đương 30 - 40% giá đất thực tế trên thị trường. Theo ông Châu, dẫn chứng trên cho thấy sự bất cập của chế định Chính phủ ban hành khung giá đất.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Lê Văn Lịch, phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của HoREA và các doanh nghiệp để tham mưu cho Bộ Tài nguyên - môi trường, trình Chính phủ nghiên cứu, xem xét sửa đổi Luật đất đai phù hợp, sát với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu