SearchNews

Đồng Nai: Dân khổ vì đất TĐC "ma"

03/10/2014 10:36

Nhiều hộ dân nằm trong vùng quy hoạch bị UBND huyện cưỡng chế, tháo dỡ nhà và cấp cho một lô đất có diện tích chỉ bằng 1/9 lô đất cũ. Thảm hại hơn, lô đất mới này lại nằm ở nơi hoang vắng, không làm ăn buôn bán được gì và cũng chẳng có giấy tờ pháp lý nào.

Ông Nguyễn Công Phúc, một cư dân nằm trong vùng quy hoạch giải phóng mặt bằng rất bức xúc kể: Tôi không hiểu vì lý do gì mà một số cán bộ thị xã Vĩnh An (nay là huyện Vĩnh Cửu) đã đến san ủi toàn bộ tài sản trên đất của gia đình tôi đang sinh sống. Đến tận 17 năm sau thì huyện Vĩnh Cửu mới cấp cho tôi một lô đất có diện tích chỉ bằng 1/9 lô đất cũ tại khu tái định cư (TĐC) tại một nơi không bóng người ở. Từ đó đến nay, ủy ban cũng không hỗ trợ tôi làm bất cứ giấy tờ nhà đất gì tại khu TĐC “ma” này.

 

Đồng Nai: Dân khổ vì đất TĐC "ma"
Căn nhà của gia đình ông Phúc đã bị tháo dỡ vô lý để nhượng cho người khác
sinh sống.

Bị "cướp" hết tài sản một cách trắng trợn

Ông Phúc cho biết thêm, ông có cha và anh trai đều là liệt sỹ. Hai người đã được Thủ tướng Chính phủ ký bằng Tổ quốc ghi công ngày 19/10/1977. UBND thị xã Vĩnh An cũng đã ký giấy phép cấp đất số 01/GPCĐ/VPUB theo diện chính sách cho gia đình ông vào ngày 30/10/1987. Theo đó, lô đất gia đình ông Phúc nhận được có diện tích 960m2, phía Đông giáp mặt đường Hố Nai 4, phía Tây giáp khu đồi của ông Ba Tân khai hoang, phía Nam giáp ranh bến xe khách thị xã Vĩnh An, phía Bắc giáp ranh nhà công Ba Tân. Ông cũng đã tiến hành hoàn thiện các thủ tục hợp thức hóa chủ quyền và sinh sống trên đất của mình.

Các thủ tục đất đai hoàn tất, gia đình ông Phúc đã xây nhà và mở quán nước gần bến xe để mưu sinh, cuộc sống dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, hơn mười năm sau đó, UBND huyện Vĩnh Cửu bỗng dưng hủy quyết định cấp đất trên. Qua đáng hơn, lợi dụng lúc gia đình ông đi vắng, một số cán bộ huyện đến tháo dỡ nhà cửa lấy lại đất.

Các cán bộ huyện giải thích với gia đình ông, huyện lấy đất để phục vụ dự án mở rộng bến xe. Song thực tế, mảnh đất bị thu hôi vô lý ấy đã được các cán bộ này phân lô, xẻ nền bán cho những hộ dân khác. Hành động tư lợi ấy của những người cán bộ đã khiến gia đình người dân khốn khổ này từ chỗ có tài sản, có cuộc sống ổn định, phút chốc trở thành những kẻ vô gia cư. Không có chỗ nương thân, gia đình ông đành dắt díu nhau lên Tp.HCM tìm kiếm kế sinh nhai. Sau đó, ông liên tục về địa phương xin giải quyết những thiệt hại về tài sản bị xâm hại, tháo dỡ nhưng vẫn không được giải quyết.

Người dân Đồng Nai khổ vì đất TĐC "ma"
UBND huyện Vĩnh Cửu đã phân sai phần đất cho người dân so với quyết định.

Cuối cùng, UBND huyện Vĩnh Cửu cũng chịu giao đất cho gia đình ông. Theo Quyết định 1310/QĐ.UBND ngày 2/7/2007 về việc giao đất cho ông Phúc, ông sẽ được nhận thửa 109, bản đồ số 63 khu TĐC di dân lòng hồ Trị An (khu phố 1, thị trấn Vĩnh An) với diện tích 162,5m2 để sử dụng vào mục đích đất ở. Tuy nhiên, trên thực tế, khi nhận đất lại là mảnh đất khác hoàn toàn so với quyết định cũng như mảnh đất mà cán bộ huyện đã chỉ cho ông.

Ông ngậm ngùi nói: "Gọi là khu TĐC chứ thật ra đó là mảnh đất hoang nằm ở nơi “khỉ ho, cò gáy” được các cán bộ “vẽ” ra để phân cho những người bị "cướp" đất oan như chúng tôi. Đây là nơi không có người ở thì làm sao chúng tôi tìm kế sinh nhai được? Không chỉ cấp đất sai vị trí, kể từ ngày nhận quyết định cấp đất đến nay đã 7 năm nhưng địa phương cũng không hề hỗ trợ cho chúng tôi làm sổ đỏ”. Đáng buồn hơn, trường hợp bị chính quyền địa phương san ủi nhà cửa, mất đất oan như hộ nhà ông Phúc có rất nhiều trên địa bàn huyện Vĩnh Cử.

Tham nhũng, nhiều cán bộ vướng vòng lao lý

Nhiều người dân mất oan tài sản đất đai, nhà cửa bởi sự hám lợi của những người cán bộ thiếu đạo đức chính trị. Cụ thể, trường hợp ông Nguyễn Hoàng Huynh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu là một điển hình cho những con "sâu" chính trị. Tại thời điểm đương nhiệm, ông đã lợi dụng chức quyền đã thu lợi trên 1,4 tỷ đồng từ việc cấp sai quy định 600m2 đất tại khu TĐC Quế Bằng cho con gái và cấp đất nhiều lần cho Nguyễn Minh Tuấn (nguyên trưởng Phòng Tài chính huyện Vĩnh Cửu) để bán. 

Ngoài ra, ông còn còn tạo điều kiện cho Thái Văn Nghĩa (nguyên trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Cửu), Nguyễn Ngọc Chiến (nguyên chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh An), Nguyễn Thành Sơn (nguyên cán bộ địa chính thị trấn Vĩnh An) tham nhũng đất đai trên 16.000m2, phân lô để bán nền cho người dân để chia chác.

Không chỉ vậy, ông Huynh còn cấu kết với Vũ Tuấn Ngọc (nguyên cán bộ phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện), Vũ Đình Ngôn (nguyên cán bộ Phòng Tài chính, tổ trưởng Tổ chuyên trách hội đồng bồi thường huyện Vĩnh Cửu), Lê Toàn Hiếu (nguyên trưởng Phòng Kinh tế huyện, ủy viên hội đồng bồi thường huyện) tiến hành thực hiện nhiều vụ tham nhũng đất đai.

Hành động tham nhũng của của ông Huỳnh đã bị đưa ra trước ánh sáng của luật pháp. Năm 2007, ông Huynh cùng bảy cán bộ chủ chốt trên bị bắt tạm giam. Đối với trường hợp ông Huynh đã bị truy cứu trách nhiệm với ba tội danh: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. TAND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra những hình phạt thích đáng đối với các cán bộ thiếu đạo đức này sau khi đã điều tra làm rõ.

Các cựu cán bộ sai phạm tại huyện Vĩnh Cửu đã phải chịu những hình phạt thích đáng theo pháp luật, song những dư hậu mà họ gây nên thì vẫn còn đó và những người dân xấu số vẫn phải sống trong cảnh ngậm ngùi chịu thiệt. Trong đó, trường hợp ông Phúc là một minh chứng rõ nét, rất cần được chính quyền địa phương hỗ trợ nhằm khắc phục những sai phạm mà các cựu cán bộ thích “ăn” đất của dân gây ra.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu