Ông Lịch cho nêu rõ, vừa qua, Tổng cục đã tiến hành kiểm tra nhiều dự án nhà ở thuộc 2 thành phố lớn nhất cả nước, kết quả thu được là mới chỉ có trên 23% số căn hộ đã bán được cấp giấy chứng nhận. Vấn đề cấp sổ đỏ cho người mua nhà tại các dự án nhà ở trên địa bàn Tp.HCM và Hà Nội vẫn chậm, kết quả cấp giấy chứng nhận đạt thấp.
Trước thực trạng trên, Bộ TN&MT đã tiến hành rà soát việc cấp giấy chứng nhận cho nhà đất ở 14 dự án nhà ở trên địa bàn 2 thành phố này và dự kiến đến tháng 11 tới sẽ hoàn thành việc này.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được xác định là từ phía chủ đầu tư. Khi thực hiện dự án, các ông chủ này đã vướng một số vi phạm về xây dựng cần chờ xử lý như: Việc chủ đầu tư tự ý xây dựng và bán nhà ở trong khi thủ tục về đất đai chưa làm xong. Vì vậy, không đủ căn cứ để cấp giấy chứng nhận. Hoặc trường hợp chủ đầu tư nộp hồ sơ cho các cơ quan chức năng chậm trễ nên thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà cũng bị chậm theo.
|
Việc cấp giấy chứng nhận cho nhà đất ở tại Tp.HCM và Hà Nội còn nhiều bất cập. |
Bên cạnh đó, một phần trách nhiệm cũng thuộc về các cơ quan chức năng đã không coi trọng việc quản lý, kiểm tra, giám sát đối với quá trình thực hiện dự án nhà ở. Công tác xác định, tính tiền sử dụng đất tại nhiều dự án còn chưa kịp thời, đầy đủ hoặc chưa đúng quy định. Việc xử lý đối tượng được cấp giấy đỏ vẫn chậm, chưa linh hoạt dẫn đến một số trường hợp bị từ chối tiếp nhận hồ sơ hoặc chưa chấp thuận cấp giấy chứng nhận không hợp lý.
Không chỉ vậy, chính bản thân người mua nhà cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này. Bởi tình trạng mua đi bán lại nhà ở tại các dự án nhà ở thường chiếm 70% tổng số căn hộ nhưng quá trình trao đổi tài sản giữa các cá nhân này lại không được thực hiện đúng thủ tục, quy định. Thực tế đó đã hình thành một thị trường ngầm nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước, gây khó khăn, phức tạp cho việc cấp giấy chứng nhận. Và đây cũng chính là nguy cơ tiềm ẩm gây nên những vụ tranh chấp nhà ở sau này.
Cũng theo Bộ TN&M, trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo mà Bộ nhận được thì có đến 98% là về đất đai. Một trong các nguyên nhân dẫn đến điều này là do tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm đến quyền lợi chính đáng mà dân được hưởng của một số cán bộ làm nhiệm vụ tiếp dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực trạng quan liêu đó đã đưa đến sự thiếu khách quan, chính xác, không kịp thời hoặc chưa đảm bảo vụ việc được giải quyết hợp tình, hợp lý. Vậy nên, không nhận được sự đồng thuận của người dân và việc khiếu nại lại tiếp diễn.
Theo Bộ TN&MT nếu muốn hạn chế, tiến tới giải quyết tình trạng trên thì trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước đối với người dân cần phải đề cao. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng đảm bảo quyền và các điều kiện về an sinh cho người có đất bị thu hồi…cần tiếp tục đổi mới khoa học và phù hợp hơn.
Đồng thời, việc thanh kiểm tra, đặc biệt là thanh kiểm tra trách nhiệm quả lý nhà nước về đất đai cần được tăng cường hơn nữa. Đối với các trường hợp vi phạm luật đất đai phải kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời tiến tới ngăn ngừa việc tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai.