Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ giải ngân hết 30.000 tỷ đồng vào ngày 31/12. Như thế, chưa đầy chục ngày nữa, gói tín dụng hỗ trợ người thu nhập thấp có nhà để ở và đồng thời để phục hồi thị trường BĐS đóng băng chính thức khép lại.
Hiện không có bất kỳ một gia hạn nào về lãi suất cho những khoản vay
giải ngân sau ngày 31/12 (Ảnh: H.H)
Tất cả các khoản giải ngân vay mua nhà từ 1/1/2017 của khách hàng ký theo gói 30.000 tỷ đồng sẽ phải chịu lãi suất thương mại thỏa thuận. Lãi suất này có thể cao gấp 2 - 3 lần lãi suất ưu đãi. Đến nay, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trên 50.000 cá nhân, hộ gia đình đã cải thiện chỗ ở nhờ gói 30.000 tỷ này. Cơ quan này cũng tái khẳng định việc sẽ không hỗ trợ các khoản vay dù ký kết theo gói 30.000 tỷ đồng nhưng giải ngân sau ngày 31/12/2016 đối với khách vay là cá nhân, sau ngày 30/6/2016 với khách vay là doanh nghiệp.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước từng xin ý kiến Chính phủ để có biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho người mua nhà giải ngân sau ngày 30/6 để tiếp tục được tính theo lãi suất ưu đãi.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hết tháng 11, chương trình đã giải ngân 29.239 tỷ đồng. Trong đó, 82% nguồn vốn này dành cho các cá nhân mua, thuê mua hay đầu tư cải tạo nhà để ở. Dư nợ đến 30/11 đối với nhóm khách hàng cá nhân của gói 30.000 tỷ còn lại 20.650 tỷ đồng.
Năm 2013, gói 30.000 tỷ được đưa ra, giữa lúc thị trường BĐS đang ở đáy của cuộc khủng hoảng kéo dài từ giữa năm 2011. Sau 3 năm, gói tín dụng này liên tục phải điều chỉnh từ điều kiện, đối tượng vay vốn, lãi suất cho đến các thủ tục xác nhận... Ban đầu, chỉ có 4 ngân hàng cho vay. Sau đó, gói 30.000 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước mở rộng lên 19 nhà băng để tạo thuận tiện cho người dân.