SearchNews

Hà Nội: Không nộp phí dịch vụ, cư dân chung cư bị cắt nước

26/07/2019 11:28

Do không đóng phí dịch vụ trong thời gian dài, tại một số dự án chung cư tại TP. Hà Nội, gồm cả những tòa nhà cao cấp, không ít hộ dân đã bị cắt nước.

Hồi đầu tháng 7/2019, một số cư dân sinh sống tại chung cư MonCity (Khu đô thị Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) đã phản ánh về việc bị cắt nước. Có ý kiến cho rằng, chất lượng dịch vụ tại dự án và mức phí mà đơn vị quản lý đang thu của cư dân không tương xứng. Thậm chí, một số hộ dân còn mang theo xô, chậu xuống sảnh quay clip gội đầu.

Một thành viên của ban đại diện cư dân cho hay, vì không chịu đóng thuế dịch vụ nên có 10 hộ bị cắt nước. Chủ hộ được cấp nước trở lại sau khi đã đóng phí.

hộ dân chung cư bị cắt nước
Một số hộ dân sống tại chung cư MonCity đã bị cắt nước vì không đóng phí dịch vụ.

Theo thông tin từ đại diện chủ đầu tư dự án, chưa đến 10 hộ bị cắt nước vì không nộp phí dịch vụ 10-12 tháng. Sở dĩ các hộ này không nộp phí dịch vụ là vì họ cho rằng mức thu cao hơn so với chất lượng dịch vụ. Một số hộ vẫn không chịu nộp phí trong khi đơn vị quản lý đã giảm phí dịch vụ từ 10.000 đồng/m2 xuống còn 8.000 đồng/m2.

Đại diện chủ đầu tư cho biết: "Với những hộ nếu vì bận bịu, quên không đóng phí thì chúng tôi cũng có thông báo nhắc nhở. Tuy nhiên, các hộ cố tình không đóng thì chúng tôi mới cắt nước. Điều này cũng được quy định trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và cư dân".

Tương tự, tại chung cư Smile Building (Hoàng Mai) cũng xảy ra tình trạng hộ dân bị cắt nước do không đóng phí dịch vụ. Một số hộ lý giải, mức phí 5.000 đồng/m2 là quá cao, chưa tương xứng với chất lượng dịch vụ. Sau nhiều lần đối thoại song không đi đến thống nhất, khoảng chục hộ dân không chịu nộp phí đã bị cắt nước.

Theo đại diện chủ đầu tư (Công ty CP Đầu tư thương mại Trung Yên), hợp đồng mua bán căn hộ có điều khoản quy định rõ, trường hợp cư dân không đóng phí dịch vụ, doanh nghiệp có quyền cắt nước. Tuy nhiên, trước khi cắt nước, thông qua ban quản lý, trong 1 tháng, chủ đầu tư gửi thông báo 3 lần bằng văn bản hoặc qua phường về việc cắt nước trường hợp cư dân vẫn không chịu nộp tiền.

Được biết, tại chung cư Imperia Garden (Thanh Xuân) trước đó cũng đã xảy ra tình trạng như trên; tại TP.HCM là các chung cư như Hoàng Anh Gia Lai 2 (quận 7), chung cư 584 (Tân Phú)...

Ông Phùng Viết Vĩnh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) thông tin, quy định về mức phí quản lý nhà chung cư là quan hệ dân sự giữa bên sử dụng và bên cung cấp dịch vụ. Theo đó, hợp đồng ký kết giữa đơn vị quản lý và cư dân sẽ quy định về những điều khoản thực hiện. Chủ đầu tư được phép áp dụng chế tài đối với việc không nộp phí dịch vụ nêu trong hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư, đơn vị quản lý với cư dân trong trường hợp chưa có ban quản trị tòa nhà.

Trong khi đó, nếu dự án đã có ban quản trị thì khi tổ chức hội nghị nhà chung cư và các bên cần xây dựng, thống nhất cũng như công bố quy chế, bao gồm cả chế tài đối với việc không nộp phí dịch vụ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết, mô hình nhà chung cư tại các thành phố lớn của Việt Nam đã phát triển hàng chục năm nay. Tuy nhiên, điều đáng nói là, việc xây dựng, tuyên truyền văn hóa chung cư chưa thường xuyên được thực hiện. Theo ông Võ, nếu so với nhà thổ cư, các quy tắc khi sống ở chung cư rất khác. Điển hình là việc sống ở nhà chung cư sẽ có những khoản phí phát sinh mà nhà mặt đất thì không. Trên thực tế, các xung đột kéo dài giữa cư dân với chủ đầu tư và đơn vị quản lý hoặc giữa các cư dân với nhau bắt nguồn từ đây.

Vậy nên, ông Võ cho rằng, ngoài việc xây dựng các quy định, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương... còn phải tăng cường tuyên truyền, xây dựng văn hóa chung cư nhằm hạn chế tối đa những tranh chấp kéo dài và không đáng có.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu