Tuy thị trường địa ốc đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng theo danh sách các doanh nghiệp còn nợ thuế tính đến ngày 31/10/2015 do Cục Thuế TP Hà Nội công bố công khai mới đây cho thấy, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản và xây dựng chiếm một phần đáng kể.
Theo đó, các doanh nghiệp có số thuế nợ lớn nhất cũng nằm trong số này, đơn cử như Công ty cổ phần Thương mại - Xây dựng Vietracimex Hà Nội (3,7 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý bất động sản Thăng Long (2,1 tỷ đồng), Công ty cổ phần Lắp máy - Điện nước và Xây dựng (7 tỷ đồng),Công ty cổ phần Lideco 6 (1,1 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Long Việt (27,9 tỷ đồng),...
Đáng chú ý là, trong số các chủ đầu tư dự án bất động sản còn nợ thuế nói trên, nhiều dự án đã làm xong phần cơ sở hạ tầng và bán hàng từ nhiều năm nay. Hơn nữa, có những dự án đã cơ bản bán hết hàng. Tiêu biểu là trường hợp của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Long Việt (Công ty Long Việt) với số tiền thuế còn nợ tính đến ngày 31/10/2015 là trên 27,9 tỷ đồng.
Vẫn đang nợ thuế nhưng nhà đầu tư KĐTM Quang Minh đã bán sản phẩm từ
nhiều năm nay. (Nguồn ảnh: Quang Hưng).
Các cổ đông chính của Công ty Long Việt là Tổng công ty Bảo Việt nhân thọ và Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Tân Đức. Công ty này là chủ đầu tư nhiều dự án BĐS lớn như Dự án KĐTM Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) với diện tích 45 ha; KĐT Thanh Minh - Trầm Sắt rộng 187,7 ha (thị xã Phú Thọ, Phú Thọ); Khu du lịch sinh Thái Long Việt rộng 5 ha tại thị trấn Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), Khu biệt thự nhà vườn Gia Tân rộng 5 ha tại thị trấn Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội);... những dự án như Khu du lịch sinh Thái Long Việt đã được Long Việt đầu tư xong, còn KĐTM Quang Minh đã cơ bản bán hết hàng.
Được biết, trước đó trong đợt công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế lần thứ 2 năm 2015 do Cục Thuế Hà Nội thực hiện, tính đến cuối tháng 6 năm nay, số thu đối với các chủ đầu tư dự án trên địa bàn Hà Nội đạt 3.274 tỷ đồng, tức tương đương 71,2% so với dự toán về tiền sử dụng đất.
Có những chủ đầu tư thực sự khó khăn với số tiền sử dụng đất lên đến hàng nghìn tỷ đồng, chẳng hạn như Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Việt là chủ đầu tư Dự án KĐTM Phú Lương (Kiến Hưng, Hà Đông). Báo cáo của đơn vị này cho biết, dự án KĐTM Phú Lương đình trệ suốt từ năm 2008 đến năm 2014 bởi TP Hà Nội điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 7256/QĐ-UBND ngày 30/12/2014 về việc phê duyệt giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất Dự án KĐTM Phú Lương. Khi dự án vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng thì số tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư phải nộp được Cục Thuế Hà Nội xác định là trên 1.544 tỷ đồng. Để có thể nộp đủ số tiền sử dụng đất dự án KĐTM Phú Lương trong khoảng thời gian 24 tháng quả thực là thách thức lớn với Trung Việt.
Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, với các dự án còn nợ tiền sử dụng đất, cơ quan này đã chỉ đạo các chi cục thuế tăng cường phân tích, rà soát nợ của từng dự án, nắm rõ tình hình thực hiện dự án, tìm hiểu nguyên nhân nợ, tình hình sản xuất - kinh doanh... từ đó để có biện pháp phù hợp. Nếu chủ đầu tư đã bán nhà song không xuất hóa đơn và không kê khai nộp thuế thì cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát xác định hành vi vi phạm, phối hợp với cơ quan công an TP Hà Nội điều tra và xử lý theo luật định.