Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, thực trạng hệ thống pháp lý về bất động sản còn nhiều bất cập.
- Ông có thể cho biết, những bất cập còn tồn tại trong pháp luật kinh doanh bất động sản hiện nay?
Trong kinh doanh BĐS hiện có nhiều bất cấp, rất nhiều văn bản quy phậm pháp luật hiện hành như Luật Đất đai, Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị, ngoài ra còn có Luật Dân sự... để hiểu biết được đầy đủ hệ thống pháp luật liên quan đến BĐS nhưng thực sự những luật cơ bản liên quan đến bất động sản thì có Luật nhà ở, Đất đai, kinh doanh BĐS là 3 luật điều tiết tương đối đầy đủ về kinh doanh BĐS. Nếu nói hệ thống pháp luật của VN đến thời điểm này thì cơ bản đầy đủ, có thể đáp ứng được mọi hoạt động khi tham gia vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực nhà ở và đất ở.
Tuy nhiên, vì các luật của Việt Nam ra không đồng thời, chính vì vậy có thể có những luật này chưa thực sự phù hợp đối với các luật khác. Chúng tôi đang từng bước điều chỉnh, ví dụ như việc điều chỉnh luật đất đai Bộ Xây dựng cũng tham gia rất tích cực trong việc điều chỉnh luật đất đai cho phù hợp.
Mặt khác, khi sửa đổi Luật Nhà ở thì Bộ TNMT, Bộ Tư pháp... cũng tham gia rất tích cực. Sắp tới chúng tôi cũng sẽ có sự điều chỉnh trong nghị định 153 của Luật Kinh doanh BĐS cho phù hợp vì pháp luật của mình thì trên thực tế khi ban hành cũng chưa giải quyết được triệt để những vấn đề liên quan và hiện đang từng bước tháo gỡ điều chỉnh cho phù hợp dần.
Chính phủ ban hành Nghị định 71 năm 2010, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16 tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị định 90 của Luật nhà ở về hướng dẫn sử dụng luật nhà ở. Theo đó Nghị định 90 có rất nhiều ưu điểm, trong gần một năm qua thực hiện qua phản hồi của doanh nghiệp, phương tiện truyền thông cho thấy Nghị định 71 và Thông tư 16 đã đi vào cuộc sống giải quyết được rất nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện kinh doanh bất động sản trong những năm vừa qua.
- Liệu có những trường hợp lách luật trong kinh doanh bất động sản?
Trước khi nghị định 71 và Thông tư 16 được ban hành thì việc lách luật trong hoạt động kinh doanh BĐS là có, như hợp đồng góp vốn, thoả thuận vay vốn, rồi mua bán hay chuyển nhượng hợp đồng.... nổi cộm.
Chính vì thế nghị định 71 đã tháo gỡ cơ bản rồi, tuy chắc chắn là không thực hiện được triệt để nhưng hiện gần như không xuất hiện nhiều trên báo chí như thời gian trước đây. Nghị định 71 và thông tư 16 đang giải quyết vấn đề cơ bản trong thủ tục pháp lý và thực hiện kinh doanh bất động sản kể cả đối với Nhà nước, chủ đầu tư hay đối với người dân khi tham gia thị trường bất động sản minh bạch hơn so với thời gian trước đây.
Do luật còn một số vướng mắc khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản còn gặp khó khăn. Về phía cơ quan Bộ Xây dựng, ông đánh giá thế nào?
Vướng về đất đai chủ yếu là về Luật đất đai, mà vấn đề này lại do Bộ Tài nguyên quản lý. Tuy nhiên thời gian tới chắc Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ có sự điều chỉnh, còn nếu nói vướng mắc khiến các chủ đầu tư bất động sản không làm được thì không hẳn là thế.
Vậy làm thế nào để cải tiến luật khi ban hành?
Hiện nay hầu hết các Bộ, ngành đều tham gia làm Luật, và quan trọng nhất khi làm luật hoặc sửa đổi điều chỉnh Luật là phải nghiên cứu quá trình thực tiễn đã nẩy sinh và cũng phải lấy ý kiến của người dân và các tổ chức chính trị xã hội để từ đó có nhiều nội dung chính xác hơn, đầy đủ hơn trong quá trình làm Luật.
Nghị định 71 và Thông tư 16 đã đi vào cuộc sống và được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế thì cũng còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện.
Duy Khánh (Thực hiện)