Với những kinh nghiệm của một chuyên gia lâu năm, khi được hỏi về việc tăng khung giá đất nên hay không, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường khẳng định: "Ai định khung giá đất thấp là tội nhân, có tội danh làm thất thu ngân sách nhà nước".
- Thưa ông, gần đây khung giá đất mới do Bộ Tài nguyên và môi trường đưa ra đã tăng lên gấp 2 lần so với mức giá đang thực thi đối với khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và Tp.HCM. Vậy liệu khung giá mới này đã được cho là hợp lý chưa ạ?
Theo tôi, nếu nói đúng quy định của pháp luật thì khung giá đất tối đa hiện nay cần phải nâng lên mức 500 triệu. Nếu mức giá mới không tương đương được với mức giá thực tế của thị trường thì cũng phải được tiệm cận với nó.
Theo đúng luật thì giá đất phải được định tương đương với giá thị trường. Vì vậy, việc Bộ Tài nguyên và môi trường dự thảo khung giá đất cao nhất khoảng hơn 160 triệu thực ra chỉ mang tính chất nửa vời. Mức giá mới tuy có cao hơn so với mức cũ nhưng so với thị trường vẫn là thấp.
Bởi vì, bảng giá chúng ta đưa ra không dùng để áp dụng cho việc bồi thường, giao đất và nhiều hình thức khác…mà chỉ áp dụng cho việc tính thuế và phí, Vì thế, để ngân sách Nhà nước không bị thất thu thì bảng giá khung giá đất phải ngang bằng với giá thực tế thị trường.
Tôi khẳng định rõ một điều rằng, ai định khung giá đất thấp thì người đó sẽ là tội nhân, tội làm ngân sách nhà nước bị thất thu.
- Vậy việc tăng giá đất liệu có ảnh hưởng gì đến giá cả của thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian tới không, thưa ông?
Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, việc định khung giá đất nhằm phục vụ cho việc tính thuế và tính phí thôi. Vậy nên nó sẽ không ảnh hưởng gì đến giá cả nhà ở hết.
|
Giá cả nhà ở không bị ảnh hưởng bởi khung giá đất mới. (Nguồn ảnh: news). |
- Nhưng hiện nay lại có nhiều luồng ý kiến cho rằng, khi giá đất tăng, các chủ đầu tư cũng sẽ tăng giá bán sản phẩm BĐS dựa vào giá đất bị thu tăng lên?
Tôi nghĩ, một khi chúng ta đã tham gia vào thị trường thì tốt nhất hãy tôn trọng quy luật cung cầu của thị trường. Nếu đã là quy luật thì không có vấn đề gì.
Khi anh nâng giá lên gấp 2 hoặc 3 lần nhưng sản phẩm của anh không được thị trường tiếp nhận thì buộc anh phải hạ xuống. Mức giá này không phải cứ thích là tự nâng lên được đâu.
- Vậy liệu giá BĐS có tăng hay không khi mà nguồn cầu bị hạn chế vì các dự án nhà ở thương mại trong khu vực nội đô đã tạm dừng trển khai theo quyết định của Chính phủ?
So với trước đây, giá BĐS vẫn đang có xu hướng giảm không chỉ ở các quận cũ mà ngay cả những quận mới.
Trước đây, giá nhà đất tăng cao đã tạo ra sức mạnh rất lớn đối với nền kinh tế mà chúng ta không thể làm gì được. Đó đã trở thành bào học xương máu cho tất thảy chúng ta mà đến nay vẫn chưa giải quyết hết hậu quả. Vậy nên, tôi nghĩ, về quy luật, giá cả nhà đất phải giảm chứ không thể tăng được.
Một khi mức giá được xã hội chấp nhận thì bản thân các mâu thuẫn trong cơ chế thị trường nó sẽ tạo ra điều kiện để giá phải giảm là điều tất yếu.
Trước đây, sở dĩ giá nhà ở cao là vì cơ chế quản lý của chúng ta còn quá lỏng lẻo nên đầu cơ có cơ hội xâm nhập quá sâu vào thị trường BĐS, làm lũng đoạn thị trường suốt cả quãng thời gian dài.
Vậy thì, cơ chế quản lý phải được thực hiện cho tốt, ngăn chặn sự tái xuất hiện của đầu cơ thì quy luật cung cầu ắt sẽ được bình thường, giá BĐS từ đó cũng sẽ phù hợp với thực tế của thị trường.
- Vậy theo ông trong giai đoạn cuối năm 2014, giá BĐS sẽ có những biến động như thế nào ạ?
Tôi cho rằng, những tháng cuối năm nay, và ngay cả giai đoạn đầu năm sau nữa, giá BĐS sẽ không có bất kì biến động nào.
Dù chính phủ hay các bộ ngành có ra bất kì quyết định gì thì giá BĐS chỉ có giảm chứ không thể tăng lên được nữa, nói gì là tăng mạnh như ý kiến củamột số người.
Dựa theo những báo cáo thống kê cả trong và ngoài nước trong thời gian gần đây cho thấy, các doanh nghiệp BĐS đều đưa giá BĐS về dần với giá trị thực.
Bên cạnh đó, trong thời gian này, chúng ta đang chứng kiến một làn sóng các nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam một cách mạnh mẽ theo nhiều hình thức từ mua lại dự án đến đầu tư mới.
Nhờ vào tiềm lực tài chính vững chắc, các nhà đầu tư ngoại hứa hẹn sẽ mang lại một nguồn cung lớn cho thị trường BĐS, từ đó, giá cả ắt sẽ giảm.
Thêm vào đó, các chính sách liên quan đến BĐS thời gian gần đây cũng có tác động khá mạnh tới giá BĐS. Điển hình là việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đang có chuyển biến mạnh hơn và được các cơ quan có liên quan sát sao hơn.
Đối với chủ đầu tư, 2 quý cuối năm cũng là thời điểm họ đẩy mạnh việc phân phối sản phẩm nhằm đạt được mục tiêu doanh thu và tài chính của năm.
Vì vậy, tôi tin chắc rằng giai đoạn sắp tới sẽ có làn sóng hạ giá, bán cắt lỗ tại nhiều dự án BĐS ở nhiều phân khúc.