Sau 3 năm Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) có hiệu lực, bên cạnh những mặt tích cực cũng bộc lộ những bất cập. Mới đây, Bộ TN-MT đã khảo sát thực tế việc triển khai tại nhiều địa phương, ghi nhận ý kiến cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân… Cuối tuần qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) Lê Quang Lịch đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp BĐS TPHCM.
Liên quan việc định giá đất, nhiều doanh nghiệp cho rằng còn nhiều bất cập. Theo luật, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm chủ tịch hội đồng khi thẩm định giá đất của một dự án nào đó; còn 2 sở tài chính và TN-MT làm phó chủ tịch, riêng sở tài chính làm phó chủ tịch thường trực.
Đề nghị cho doanh nghiệp được tham gia và có ý kiến tại cuộc họp của sở tài chính khi xem xét khấu trừ chi phí mặt bằng vào tiền sử dụng đất. Thực tiễn, doanh nghiệp chỉ được trừ tối đa 20-30% chi phí giải phóng mặt bằng thực tế. Với đơn vị thẩm định giá, đề nghị bỏ tiêu chí “chào thầu giá thấp nhất” được trúng thầu, thay bằng cơ chế đấu thầu rộng rãi và chọn đơn vị có năng lực, có phương án xác định giá tối ưu.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM
|
Vậy nhưng, có khi chủ tịch UBND lại ủy quyền cho sở tài chính làm chủ tịch, do đó sở TN-MT là “cấp dưới” trong vấn đề này nên không công bằng. Các doanh nghiệp kiến nghị giao cho một mình sở tài chính định giá, thay vì thêm sở TN-MT như hiện nay để “quy về một mối” cho đỡ phiền phức về thủ tục.
Hiện nay, tại TPHCM nhiều doanh nghiệp vướng tiền sử dụng đất, bởi tiền sử dụng đất luôn là ẩn số, thiếu minh bạch. Nhiều doanh nghiệp có dự án sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong khi chờ thẩm định giá đất đã ứng trước cho nhanh, nhưng những thủ tục sau đó cũng không rút ngắn được.
“Vướng mắc lớn nhất vẫn là tiền sử dụng đất. Nó vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp, không minh bạch, tạo cơ chế xin cho. Nguồn thu ngân sách rất cần nhưng doanh nghiệp muốn nộp lại không dễ” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, nhận xét.
Theo quy định mới của Luật Đất đai 2013, quy trình xác định tiền sử dụng đất phải nộp của doanh nghiệp phải thực hiện qua 2 sở: sở TN-MT xác định phương án giá đất và sở tài chính thẩm định giá đất. “Muốn xác định giá đất, sở TN-MT phải tổ chức đấu thầu và chọn đơn vị thẩm định giá có chi phí thấp nhất. Từ đó dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thẩm định đưa giá thấp nhất để được chọn, nhưng sau đó làm tình làm tội doanh nghiệp chúng tôi” - ông Châu cho hay.
Thí dụ, có dự án ở khu Nam Sài Gòn doanh nghiệp tính toán tiền sử dụng khoảng hơn 10 tỷ đồng, nhưng đơn vị thẩm định giá đưa con số đến… 80 tỷ đồng! “Cuối cùng doanh nghiệp cũng nộp mười mấy tỷ. Phải chăng có tình trạng chia 2 chia 3 để hưởng lợi?” - ông Châu đặt câu hỏi.
Ông Châu đề nghị, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lãnh đạo TP có chủ trương cho doanh nghiệp tạm nộp tiền sử dụng đất ngay khi có thông báo của Sở TN-MT để xin phép xây dựng. “Nhưng đồng thời Bộ TN-MT có văn bản thống nhất chủ trương này để các tỉnh thành thực hiện”.
Ảnh minh họa: Long Thanh
Tại buổi họp, Hiệp hội BĐS TP còn kiến nghị cần có cơ chế miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án nhà ở thương mại giá rẻ hoặc cho thuê giá rẻ. Theo ông, tại TP có những doanh nghiệp đầu tư dòng sản phẩm này và cho ra thị trường sản phẩm với giá tương đương hoặc thậm chí thấp hơn nhà ở xã hội, nhưng không được chính sách ưu đãi nào như dự án nhà ở xã hội.
“Mặc dù Bộ Xây dựng đã nhiều lần bác, nhưng chúng tôi kiên trì theo đuổi đề xuất này để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện dự án nhà giá thấp cho người dân” - ông Châu nói. Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh, Nghị quyết 43 của Chính phủ cũng công bố sẽ rút ngắn 40% thủ tục liên quan đến lĩnh vực đầu tư dự án BĐS, nhưng thực tế thời gian qua chưa được cải tiến nhiều.
Ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Cục Quản lý đất đai, cho biết Chính phủ đã có Nghị quyết 63, khảo sát tìm giải pháp phát triển thị trường BĐS, do đó chuyến khảo sát này ngoài việc ghi nhận Luật Đất đai sau 3 năm có hiệu lực cũng còn nhiệm vụ khảo sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp BĐS để tìm kiếm giải pháp cho thị trường phát triển ổn định, bền vững.
Riêng Luật Đất đai, trong tháng 5-2017 Bộ TN-MT sẽ tiếp tục khảo sát về vấn đề tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp và vấn đề phát triển BĐS ở khu vực đô thị. Những kiến nghị sẽ được Tổng cục báo cáo, đề xuất với Bộ TN-MT.
Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính