SearchNews

Sửa 32 luật liên quan đến quy hoạch: Cuộc “đại thu gom”

18/04/2017 09:37

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất bổ sung quy hoạch vùng trời vào phạm vi điều chỉnh và sửa đổi, bổ sung 32 luật liên quan đến quy hoạch để phù hợp với Dự án (D.A) Luật Quy hoạch...

thông qua Luật Quy hoạch
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Khi thông qua Luật Quy hoạch, tiếp tục chỉnh sửa các luật liên quan đến quy hoạch và đây là cuộc “đại thu gom”. Ảnh: TN

Ngày 17/4, tại phiên họp thứ 9, UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý D.A Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); D.A Luật Quy hoạch.

Tranh luận gay gắt về quyền hiệp hội trong Dự luật hỗ trợ DNNVV

Điều 30 Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV quy định trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các hiệp hội, ngành nghề. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, điều này sẽ góp phần lựa chọn đối tượng hỗ trợ cho trúng và đúng, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, quy định như tại Điều 30 là không đúng với vai trò của VCCI là đại diện cho toàn bộ cộng đồng DN Việt Nam theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Cho nên, không nên tách biệt 3 nhóm như hiện nay mà nên quy định chung tất cả các chủ thể đại diện DN.

Nhìn chung cả Dự thảo Luật, ông Lộc còn phản ánh cộng đồng DN chưa hài lòng bởi còn rất nhiều quy định chung chung, khó khả thi.

Ở quan điểm trái chiều, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân tán thành quy định tại Điều 30. Theo ông Thân, Hiệp hội DNNVV rất mong muốn được giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết, được như thế thì tổ chức này sẽ tràn đầy sinh khí để làm việc.

Nói rõ ông Lộc và ông Thân đều là ĐBQH thuộc Đoàn Thái Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu: Đoàn Thái Bình cần tranh luận về nội dung Điều 30 và không tranh luận ở đây nữa. Đồng thời, yêu cầu rà soát lại quy định này để không làm mất vai trò của tổ chức nào cả.

Về nội dung Dự thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “VCCI cũng là thành viên Ban Soạn thảo, trước đây rất ủng hộ Dự luật, nhưng không hiểu vì sao lần cuối này lại có ý kiến ngược lại. Nếu có ý kiến thì phải ở giai đoạn trước vì chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hội thảo, kể cả với VCCI. Tôi đề nghị không trao đổi lại, và đề nghị tiếp tục Dự luật”.

Đưa vùng trời vào Luật Quy hoạch

Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý D.A Luật Quy hoạch, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, tiếp thu ý kiến, Dự thảo Luật Quy hoạch đã bổ sung quy hoạch vùng trời vào phạm vi điều chỉnh.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch ở cấp quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo, vùng biển, lòng đất, vùng trời theo quy định của pháp luật về biên giới quốc gia; hệ thống đô thị và nông thôn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

“Khái niệm này thể hiện rằng, nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ mang tính chiến lược và thống nhất trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia bao gồm việc chia sẻ sử dụng không gian, trong đó có không gian biển, không gian mặt đất, không gian ngầm dưới đất, không gian trong lòng biển, không gian đáy biển, không gian dưới đáy biển và cả không gian vùng trời”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết.

Ngoài ra, không gian ở một độ cao nhất định cũng chịu sự điều chỉnh của các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ví dụ việc quản lý sử dụng vùng trời cho hoạt động hàng không dân dụng giữa các quốc gia được thực hiện thông qua Công ước về hàng không dân dụng quốc tế…

UBTVQH thống nhất điều này. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, cần bổ sung thêm quy hoạch vùng trời quốc gia vào hệ thống quy hoạch quốc gia, cũng như nội hàm chứ không chỉ dừng ở khái niệm.

“Có thể nghiên cứu thêm 1 điều nói rõ quy hoạch vùng trời và 1 điều quy định về nội hàm hợp tác quốc tế”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chốt lại.

Phải sửa đổi, bổ sung 32 luật

Theo báo cáo của các cơ quan hữu quan được phân công qua rà soát, có 32 luật cần sửa đổi, bổ sung các điều liên quan đến quy hoạch để phù hợp với D.A Luật Quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có bảo đảm đối với các luật liên quan bỏ từ “quy hoạch” là xong không? Từ “quy hoạch” ở điều này có dẫn dắt đến “quy hoạch” ở các điều kia không? Nếu cho rằng, sửa từng ấy luật chỉ bỏ từ “quy hoạch” là xong thì có ổn không?

Giải trình điều này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình và cho biết, trong 32 luật cần sửa đổi, bổ sung thì có 28 luật chỉ cần sửa ít, nội dung không quan trọng, phức tạp. “Tôi kiến nghị xây dựng 1 luật để sửa 28 luật này, riêng 4 luật phức tạp thì xây dựng lộ trình đến năm 2018 sẽ sửa hết, để đảm bảo đồng bộ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực”, ông Dũng nói.

Chưa thực sự yên tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tiếp tục đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định làm rõ. “Tôi không thể trả lời ngay được”, ông Định nói, bởi rà soát của Ban Soạn thảo mới chỉ là bước đầu. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nếu thống nhất 1 luật sửa 28 luật để 1/1/2019 có hiệu lực cùng lúc với Luật Quy hoạch thì nên tập trung xây dựng 1 luật để sửa 28 luật và thông qua cùng với Luật Quy hoạch để tránh tranh luận.

“Nếu không thông qua Luật Quy hoạch thì không có cơ sở để sửa các luật khác”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đáp lại.

Hiện Chính phủ đã họp và có Nghị quyết theo hướng bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và 2018 việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch tại 32 luật này.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Luật Quy hoạch là luật khung, là căn cứ để xem xét sửa đổi các luật có liên quan. Khi thông qua luật này thì chúng ta tiếp tục chỉnh sửa các luật liên quan đến quy hoạch và đây là cuộc “đại thu gom”.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu