Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM ông Lê Hoàng Châu nhận định, một khi thị trường tốt lên, dĩ nhiên sẽ có những dự án hấp dẫn được khách mua nhà, vì thế chủ đầu tư sẽ tăng giá. Trong trường hợp việc tăng giá khiến thanh khoản của dự án chậm lại do kém hấp dẫn với các dự án cùng phân khúc lân cận thì chủ đầu tư phải chấp nhận đánh đổi. Đó là điều tất yếu.
Vậy nhưng, trên thực tế, trong khi giá bán sơ cấp của chủ đầu tư có thể không tăng hoặc tăng có tính toán thì việc loạn giá lại xuất phát từ các môi giới, nhất là những quảng cáo rao báo trên mạng Internet.
Một nhà phát triển BĐS cho rằng, việc này đang khiến người mua nhà rơi vào mê hồn trận giá bán, do đó cách tốt nhất là khách hàng nên liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư để có thể có thông tin chính xác về giá cả, tiến độ thực hiện cũng như chất lượng sản phẩm mình lựa chọn.
Các sàn môi giới BĐS khiến không ít khách mua nhà rơi vào mê hồn trận giá bán.
(Ảnh: Lê Toàn)
Tại Tp.HCM, khi dạo một vòng quanh rất nhiều dự án được các sàn môi giới mở bán, hầu hết các nhân viên môi giới đều trả lời: "Bên em chỉ còn vài căn (vài nền). Chuẩn bị tăng giá trong đợt tới. Chị lấy trước được căn (lô) như ý", v.v… Theo chia sẻ của một môi giới có thâm niên trong nghề: “Thường mỗi dự án sẽ được chia cho vài sàn lớn tham gia môi giới. Sau đó, một số sàn lại đem số lượng căn hộ được phân giao chia cho các sàn nhỏ hơn. Tiếp đến, một sàn công bố bán vài chục căn hộ với giá gần như không có chút lãi nào và ngay lập tức công bố bán hết để tạo hiệu ứng với người mua. Và khi các sàn khác mở bán và đương nhiên với giá cao hơn thì những căn hộ được công bố bán hết kia lại được chuyển lại để bán. Lúc bấy giờ sẽ là thời điểm để một số môi giới tăng giá, kể cả kênh giá ngoài hợp đồng.
Mặt khác, các chủ đầu tư cũng biết tạo hiệu ứng khan hàng, với những mỹ từ như “đã có hàng trăm căn hộ được giao dịch thành công chỉ trong một buổi sáng mở bán” hoặc “lượng khách hàng đặt mua cao hơn số lượng chào bán"... Tuy nhiên, thực tế thì cụm từ “giao dịch thành công” khá mơ hồ. Nhìn nhận dưới góc độ luật pháp, “giao dịch thành công” bao gồm cả việc nhận đặt cọc và đăng ký mua…, vì thế rất khó để nói giao dịch đã hoàn thành. Chẳng hạn như Dự án IDICO Tân Phú còn cam kết trả lại tiền cọc nếu khách hàng không mua. Cho nên, việc hết hàng chỉ trong một buổi sáng hoặc trong vài giờ mở bán là điều không khó.
Là một khách hàng đang tìm mua đất nền tại quận Thủ Đức chị Hiền chia sẻ, hiện chị đang băn khoăn với Dự án Jamona Home Resort của Sacomreal và Vạn Phúc Riverside của Công ty Đại Phúc. Cả 2 dự án đều đang rất hút khách. Dù xa trung tâm hơn nhưng không ít người vẫn chọn Jamona Home Resort bởi mức giá khá thấp, khi dự án của Đại Phúc giá bán khoảng 20 triệu đồng/m2, trong khi của Sacomreal là 14,5 triệu đồng/m2. Nhưng hiện cả 2 dự án này đều đang được rao bán tràn lan trên mạng với nhiều mức giá khác nhau khiến những người quan tâm "không biết đường nào mà lần".
Bàn về vấn đề này, chị Hiền khẳng định: “Tôi không quan tâm đến quảng cáo nói gì. Tôi chỉ căn cứ trên thực tế rồi tính toán. Thậm chí cả dự án của Đại Phúc, tuy lúc nào nhân viên tư vấn cũng nói sắp hết nhưng thử hỏi với 180 ha đất nền dự án thì bán đến lúc nào cho xong mà cứ đụng vào là sắp hết”.
Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Xây dựng nhận định, hiện việc sốt nóng của BĐS rất khó để xảy ra do quy mô và tư duy tiếp cận thị trường của đa số thành viên đã thay đổi.
Có cùng quan điểm, một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư BĐS đánh giá: “Thời điểm này và khoảng 5 năm tiếp theo sẽ không có chuyện "sốt" BĐS vì tính trung bình nguồn cung đủ cho cầu trong vòng 20 năm tới. Theo đó, hiện tượng mua căn hộ với giá chênh đại diện cho toàn thị trường do giá bán là giá tính chung trong khu vực. Hơn nữa, người có nhu cầu thường tính so với căn hộ hiện hữu. Ngoài ra, lợi thế của các dự án là được trả dần chứ không phải trả hết, do đó nhiều người chưa đủ tiền hết ngay được thường chọn phương án này. Đồng thời, việc chủ đầu tư tăng hay giảm thế nào thị trường không cấm nên quan trọng là người mua nhà phải tỉnh táo và giữ chặt túi tiền của mình.