SearchNews

Thông tin quy hoạch huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội

26/01/2022 08:15

Nhà đất Đan Phượng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư vài năm trở lại đây bởi thông tin quy hoạch huyện Đan Phượng lên quận trong tương lai gần và sự phát triển của hạ tầng giao thông, kinh tế xã hội nơi đây.

Bài viết cập nhật những thông tin quy hoạch huyện Đan Phượng mới nhất về hạ tầng giao thông, phát triển đô thị để bạn đọc có cái nhìn tổng quan về huyện này.

Vị trí địa lý

Tọa lạc ở phía Tây TP. Hà Nội, huyện Đan Phượng cách trung tâm thành phố khoảng 20km theo trục Quốc lộ 32. Về mặt địa lý, Đan Phượng thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng với ranh giới như sau:

  • Phía Đông giáp quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh
  • Phía Tây giáp huyện Phúc Thọ với ranh giới là sông Đáy
  • Phía Nam giáp huyện Hoài Đức
  • Phía Bắc giáp huyện Mê Linh với ranh giới là sông Hồng

Đan Phượng so với các huyện, quận khác của TP. Hà Nội có diện tích tự nhiên và đơn vị hành chính thuộc loại nhỏ. Có khoảng 4km Quốc lộ 32 chạy qua huyện, nếu đi từ phía Hà Nội lên Sơn Tây đến Km 16+500 là ngã Tư Trôi (huyện Hoài Đức) rẽ phải khoảng 300m là đến huyện Đan Phượng theo tỉnh lộ 422.

Đơn vị hành chính

Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Đan Phượng là 78km2, quy mô dân số theo số liệu thống kê năm 2019 vào khoảng 182.194 người, mật độ dân số 2.335 người/km2. Một số xã tập trung đông dân cư  như ở Tân Hội (19.000 người), Tân Lập (17.000 người), Phương Đình, Hồng Hà, thị trấn Phùng (hơn 10.000 người).

Huyện Đan Phượng có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Phùng (huyện lỵ) và 15 xã: Trung Châu, Thượng Mỗ, Thọ Xuân, Thọ An, Tân Lập, Tân Hội, Song Phượng, Phương Đình, Liên Trung, Liên Hồng, Liên Hà, Hồng Hà, Hạ Mỗ, Đồng Tháp và Đan Phượng. 

Vị trí huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội trên bản đồ
Vị trí huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội trên bản đồ

Văn hóa, giáo dục, y tế

Huyện Đan Phượng được biết đến với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu như hát Chèo tàu ở hội Gối (Tân Hội), Hát ca trù ở xã Thượng Mỗ, hát chèo bè trên sông của dân chài Vạn Vĩ, thổi cơm thi ở hội Dầy, rước cây bông ở Trung Hà, hội thả diều ở Bá Giang, hội Vật truyền thống ở xã Hồng Hà. Huyện cũng có khá nhiều làng nghề truyền thống như làng nghề đậu phụ Trúng Đích (Hạ Mỗ), làng nghề chế biến lâm sản thôn Hạ (Liên Trung), làng nghề làm kẹo (có mạch nha) thôn Tháp Thượng (Song Phượng), làng nghề mộc Thượng Thôn (Liên Hà)...

Về giáo dục, tất cả các trường Tiểu học trên địa bàn huyện Đan Phượng đã đạt chuẩn Quốc gia. Có 52/52 trường đạt chuẩn quốc giá mức độ 1, trong đó có 14 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Về y tế, có bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng, phòng khám A thuộc bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng, hệ thống các trạm y tế xã, phòng khám tư nhân.

​Quy hoạch giao thông

Quy hoạch giao thông huyện Đan Phượng được xác định theo bản đồ quy hoạch chung xây dựng huyện Đan Phượng đến năm 2030 và quy hoạch thị trấn Phùng. Huyện này cũng nằm trong 4 quy hoạch phân khu của TP. Hà Nội gồm phân khu S1; phân khu S2; phân khu GS và phân khu hai bên sông Hồng.

Trong đó, bản đồ quy hoạch phân khu S1 được phê duyệt năm 2013, phân khu S2 duyệt năm 2014, phân khu GS duyệt năm 2015. Riêng quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng hiện đang được thực hiện tích cực. Quy hoạch hạ tầng giao thông huyện Đan Phượng cũng tuân theo các quy hoạch này, cụ thể như sau:

  • Đường sắt

Chạy qua huyện Đan Phượng có tuyến đường sắt Quốc gia vành đai phía Tây, bố trí dọc theo đường vành đai IV. Theo dự kiến, ga Phùng (ga trung gian) được bố trí gần thị trấn Phùng, nằm ở phía Bắc trục đường Tây Thăng Long.

Cùng với đó là tuyến đường sắt đô thị số 3 kéo dài Nhổn -  Sơn Tây, dự kiến đi trên cao tại dải phân cách giữa của Quốc lộ 32. Theo quy hoạch, đoạn qua huyện Đan Phượng sẽ bố trí 2 ga đường sắt tại thị trấn Phùng ở trung tâm thị trấn và các khu vực tập trung đông người.

Dự kiến, đến năm 2030 sẽ chạy trước một số điểm, gồm: Đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai, đoạn Nhổn - Trôi - Phùng, góp phần kết nối giao thông của huyện với các quận, huyện khác của Thủ đô Hà Nội.

Bản đồ quy hoạch giao thông huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội
Bản đồ quy hoạch giao thông huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội
  • Đường bộ

- Đường Vành đai 4 với tổng chiều dài toàn tuyến là 136,6m, mặt cắt ngang rộng 90-135m, quy mô 6 làn xe cao tốc và đường gom hai bên. Hành lang để bố trí cây xanh và công trình hạ tầng kỹ thuật.

- Quốc lộ 32 - tuyến đường đi qua 4 tỉnh, thành phố Hà Nội -  Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu có tổng chiều dài toàn tuyến là 384km. Đoạn qua thị trấn Phùng đóng vai trò là đường trục chính, mặt cắt ngang rộng 35m, quy mô 4 làn xe cơ giới), lòng đường mỗi bên rộng 10,5m, dải phân cách giữa rộng 3m; hè đường mỗi bên 5,5m.

Khu vực nút giao Quốc lộ 32 với đường Vành đai IV, quy mô mặt cắt ngang được mở rộng từ 35m lên 50m để xây dựng cầu vượt, nút giao khác mức với đường Vành đai 4.

- Đường trục Tây Thăng Long, tuyến đường nối Hà Nội với Hà Tây (cũ), với tổng chiều dài toàn tuyến là 33km, mặt cắt rộng 60,5m, quy mô 10 làn xe, chạy qua các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây…

Sau khi hoàn thành và đi vào sử dụng, tuyến đường góp phần giảm tải cho Quốc lộ 32 và kết nối trung tâm Thủ đô với các dự án lớn tại vùng ven phía Tây Hà Nội.

  • Tuyến đường tỉnh, huyện

- Tuyến đường 417 đi qua 7 xã và thị trấn được nâng cấp, mở rộng đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp III với quy mô từ 2 - 4 làn xe.

- Tuyến đường tỉnh 419 - trục kết nối theo hướng Bắc - Nam, nối kết huyện Đan Phượng với các huyện, thị xã lân cận như Sơn Tây, Phúc Thọ.

- Tuyến đường 422 đoạn qua địa phận huyện Đan Phượng thuộc phân khu đô thị S1, S2, GS được cải tạo, xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị theo quy hoạch đã phê duyệt.

  • Tuyến đường huyện (liên xã)

Các tuyến đường liên xã theo quy hoạch sẽ được nâng cấp, cải tạo, xây mới theo tiêu chuẩn đường cấp II, IV với quy mô từ 2 - 4 làn xe. Đường liên xã kết hợp với hệ thống đường tỉnh tạo thành hệ thống giao thông chính trong huyện Đan Phượng, giúp kết nối các khu vực nông thôn với trung tâm cụm xã, thị trấn, khu vực du lịch, dịch vụ.

Tùy hiện trạng, các đoạn tuyến qua khu dân cư sẽ được xây dựng bổ sung hè, chiếu sáng, hệ thống thoát nước nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện Đan Phượng.

  • Giao thông trong khu vực phát triển đô thị

Các tuyến đường trong khu vực thị trấn Phùng và đô thị trung tâm phía Đông đường Vành đai 4 sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị. Đồng thời, được thực hiện theo các đồ án quy hoạch chung, phân khu đô thị được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.

Quy hoạch đô thị

Theo Quy hoạch chi tiết xây dựng huyện Đan Phượng đến năm 2030 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt, huyện Đan Phượng gồm 15 xã và 1 thị trấn với tổng diện tích tự nhiên là 7735,48 ha. Trong đó, diện tích khu vực nông thôn khoảng 4633,44 ha; khu vực phát triển đô thị khoảng 3102,04 ha.

Huyện Đan Phượng về mặt quy hoạch được chia thành hai phần bởi đường Vành đai 4. Phần phía Đông Vành đai 4 gồm khu vực dân cư đô thị thuộc phân khu đô thị S1, S2, GS, sông Hồng được xác định phát triển theo hướng đô thị, gắn với các dịch vụ công cộng chất lượng cao về giáo dục, y tế với tổng diện tích 2.522,62 ha.

>>> Xem thêm: Cập nhật thông tin quy hoạch huyện Gia Lâm, Hà Nội

một góc huyện Đan Phượng, Hà Nội
Quy hoạch huyện Đan Phượng hiện được nhiều nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sản quan tâm, tìm hiểu. Ảnh: Internet

Phần phía Tây Vành đai 4 nằm trong khu vực Hành lang xanh của TP. Hà Nội, được định hướng phát triển như sau:

Khu vực làng xóm, dân cư nông thôn thuộc Hành lang xanh. Nơi đây gồm các làng xóm hiện hữu gắn với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa và hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Khu vực phát triển đô thị gồm thị trấn Phùng và vùng phụ cận. Với tổng diện tích 579,41 ha, khu vực này được định hướng phát triển thành khu đô thị sinh thái, công nghệ cao gắn với trục phát triển mới Tây Thăng Long, là trung tâm huyện hỗ trợ phát triển vùng nông thôn.

Diện mạo đô thị Đan Phượng dần hình thành với sự hiện diện của những khu đô thị, khu dân cư như Khu đô thị Tân Tây Đô tại xã Tân Lập, Khu đô thị Vinhome Wonder Park tại xã Liên Trung và Tân Hội, khu nhà ở Tân Lập, Khu đô thị sinh thái The Phoenix xã Đan Phượng.

Theo đồ án quy hoạch Phân khu đô thị hai bên sông Hồng mà TP. Hà Nội đang trình lên các bộ, ngành liên quan, Phân khu đô thị hai bên sông Hồng sẽ thuộc địa giới hành chính 4 xã của huyện Đan Phượng gồm Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà và Liên Trung với quy mô diện tích hơn 6,2 triệu m2.

Huyện Đan Phượng đã và đang tập trung phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị, chú trọng đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và hoàn thiện các tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng, phấn đấu đến năm 2025 huyện Đan Phượng đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của quận.

Được biết, tính đến ngày 23/12/2021, huyện Đan Phượng đã đạt 22/27 tiêu chí lên quận.

Tình hình thị trường bất động sản huyện Đan Phượng

Với những lợi thế nổi bật về hạ tầng cơ sở, quỹ đất dồi dào, thông tin quy hoạch lên quận, thị trường bất động sản Đan Phượng những năm gần đây có nhiều khởi sắc, thu hút giới đầu tư lẫn người mua để ở. Đặc biệt, sau khi phê duyệt chỉ giới đường đỏ tại một số xã trọng điểm như Tân Lập, Tân Hội thì, giá nhà đất tăng lên nhanh chóng, tăng từ 15 - 20 triệu đồng/m2.

Giá đất tăng ở những vị trí gần mặt đường lớn, ví dụ đất nằm liền kề trục đường 79 có giá từ 70 - 80 triệu đồng/m2, mặt đường Phan Xích giá 90 - 95 triệu đồng/m2. Ngay trong khu dân cư, giá đất hiện cũng ở mức cao, dao động từ 70 - 80 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Đất tại xã Tân Hội bắt đầu tăng giá từ giữa năm 2020, mạnh nhất là từ đầu năm 2021 đến nay. Giá đất một số khu vực gần tuyến đường mới được phê duyệt chỉ giới đường đỏ tăng từ 10 - 15 triệu đồng/m2 so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản có tiếng đã rót vốn làm dự án tại Đan Phượng, điển hình là Khu đô thị Vinhomes Wonder Park của Vingroup thuộc xã Tân Hội và Liên Trung. Dự án hiện đang trong quá trình triển khai với quy mô diện tích 133 ha, dân số dự kiến khoảng gần 13.000 người.

Bên cạnh đó còn có những dự án như Khu đô thị Tân Lập của HUD tại các xã Tây Tựu, Tân Hội với quy mô diện tích 183 ha; ​dự án Phoenix Garden quy mô 45 ha (626 căn biệt thự) tại thị trấn Phùng và xã Đan Phượng; Khu đô thị mới Tân Tây Đô quy mô 23 ha bàn giao từ năm 2019; Khu nhà ở xã hội Tân Lập - Cienco 5 thuộc xã Tân Lập; Khu đô thị Hồng Hà tại xã Liên Hà và Liên Hồng, quy mô gần 100 ha.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Đan Phượng còn nhiều dự án quy mô lớn, nhỏ khác đang được triển khai đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện diện mạo đô thị, đáp ứng các tiêu chí quy hoạch huyện Đan Phượng lên quận vào năm 2025.

 

Lam Giang (TH)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu