Vợ chồng chị Bích ở Bắc Ninh mua căn hộ chung cư cho con học ở Hà Nội vào tháng 7/2017 với giá 1 tỷ đồng. Căn hộ thuộc một dự án đang hoàn thiện ở huyện Hoài Đức. Chị đã vay ngân hàng 70% giá trị căn nhà trong 10 năm, tương đương 700 triệu, lãi suất 7,3%/năm.
Thời gian đầu, cả gốc lẫn lãi mỗi tháng chị phải trả 6,5 triệu đồng do ngân hàng mới giải ngân một phần. Thế nhưng, sau khi giải ngân hết 700 triệu thì mỗi tháng chị phải đóng tới 10 triệu, trong đó có 4 triệu là tiền lãi. Đến cuối tháng 11/2018, chị được báo phải nộp hơn 13 triệu đồng, tiền lãi là 6,2 triệu. "Tôi thấy hoảng quá vì tới thời điểm đó mình đã trả gốc được gần 100 triệu thì lãi phải ngày càng giảm chứ, sao lại vọt lên", chị Bích chia sẻ.
Khi gọi điện đến nhân viên tư vấn, chị Bích được cho biết, chị không còn được hưởng lãi suất ưu đãi kể từ tháng 8. Lúc này, lãi vay tính bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng cộng với biên độ 3,9%. Lãi suất tiết kiệm tăng lên 8,3% vào cuối tháng 11 nên lãi suất chị phải chịu hiện là 12,2%.
Theo chị Bích, vợ chồng chị phải làm thêm đủ việc, thắt chặt chi tiêu để trả góp mua nhà. Khoản trả ngân hàng mỗi tháng đã đội lên khiến chị chưa biết xoay xở ra sao. Để có thể tất toán khoản vay, anh chị chấp nhận bán mảnh đất ở quê.
|
Nếu mua nhà giá 1 tỷ đồng, vay mặc định lãi suất 12%/năm, bạn phải trả từ 6-8,4 triệu đồng/tháng, tương ứng với 3 mức vay 50-60-70% giá trị nhà. |
Anh Thạch ở Phúc Thọ (Hà Nội) dù đã nghiên cứu kỹ hợp đồng vay mua nhà và biết sau khi hết ưu đãi 1 năm, lãi suất sẽ tăng nhưng anh vẫn rơi vào cảnh lao đao khi mọi chuyện không như mình dự tính.
Hồi cuối năm 2016, anh Thạch quyết mua một căn hộ gần 1 tỷ trên trục đường 32 dù trong tay chỉ có 200 triệu đồng. Anh chỉ được ngân hàng cho vay 500 triệu vì lương cả hai vợ chồng chưa tròn 18 triệu. Số còn lại anh vay người thân, bạn bè...
Khi biết số tiền trả lãi sau 15 năm gần bằng số tiền mình vay, anh Thạch khá hoảng hốt. Tuy vậy, vì khát mua nhà và nghĩ hai vợ chồng sẽ cố làm thêm để trả trước hạn cho ngân hàng, còn người quen trả sau nên anh vẫn quyết định ký hợp đồng mua bán.
Trong năm đầu tiên, một vài người quen đã đòi khoản tiền 20-40 triệu đồng đã cho anh vay khiến vợ chồng anh phải mượn chỗ nọ để trả chỗ kia. Hơn nữa, anh chị cũng không có thêm khoản thu nhập nào bởi tìm việc làm thêm không hề dễ dàng.
Anh Thạch cho hay: "Bây giờ mỗi tháng trả ngân hàng 6 triệu, góp chơi họ 3 triệu để dồn trả cho người quen, thêm lo có ai đòi bất ngờ thì không biết lấy đâu để trả...".
Chuyên viên tư vấn bất động sản ở Từ Liêm, anh Nguyễn Đức Thịnh cho biết, hiện có khá nhiều người chọn phương án vay 70% giá trị căn hộ. Để hút khách, không ít chủ đầu tư tung ra các gói hỗ trợ lãi suất 0% trong năm đầu hoặc đến khi nhận nhà, hoặc các ngân hàng liên kết ưu đãi lãi suất trong 12-18 tháng đầu, sau đó tính theo lãi tiết kiệm 13 tháng cộng 3-4%/năm.
Theo anh Thịnh, nhiều người vì khao khát có nhà hoặc tặc lưỡi sẽ cố cày cuốc để trả nên vẫn quyết định mua nhà dù tài chính hạn hẹp. "Nhưng thực sự một năm hưởng ưu đãi trôi đi rất nhanh, tới khi phải trả lãi hoàn toàn, với phần tiền bằng tới 1/2 thu nhập thì nhiều người mới thực sự cảm nhận áp lực nặng nề và có người quay ra cho rằng mình bị lừa".
|
Trường hợp vay trả góp mua nhà với lãi suất cố định 12%/năm, kỳ hạn 15 năm, khoản lãi phải trả lớn gấp gần 3 lần số tiền lãi khi vay kỳ hạn 5 năm. |
Là nhân viên một ngân hàng ngoài quốc doanh tại Tp.HCM, chị Minh Thu cho hay, chị vẫn đang thuê nhà và quyết không vay để mua. Chị quả quyết: "Tôi sẽ mua khi có đủ tiền, còn khi thiếu, thay vì vay rồi trả lãi 'nuôi ngân hàng' thì lấy khoản đó đầu tư sẽ có lợi hơn nhiều".
Chị Thu cho rằng, tuy ngân hàng cho vay tới 70% giá trị căn hộ nhưng tốt nhất khách hàng chỉ nên mua khi có ít nhất 50% trong tay. Hơn nữa, người mua nên chọn dự án ở khu vực có khả năng tăng giá để dễ bán lại.
"Nếu khoản dự trữ của bạn ít, cần phải lo xa rằng trong tình huống xấu nhất, khi không thể duy trì việc trả góp thì có thể nhanh chóng bán nhà chứ không rơi vào cảnh bị xiết nợ", chuyên gia ngân hàng khuyến nghị.
Thực tế cho thấy, nếu bạn vay với thời hạn càng dài, khoản trả gốc mỗi tháng càng ít thì số lãi phải trả cuối kỳ càng cao. Trong khi đó, nếu vay thời hạn ngắn, phần lãi sẽ được bớt đi. Thế nhưng, người mua sẽ phải chịu áp lực trả số tiền lớn mỗi tháng. Chính vì vậy, khách mua nhà cần cân đối kỹ hai khoản này.
Anh Gia Hoàng (Đà Lạt, Lâm Đồng) từng vay 700 triệu đồng để mua đất xây nhà và sau 3 năm đã trả hết nợ dù vay 10 năm. Anh Hoàng chia sẻ, vợ chồng anh cũng từng lao đao khi lãi suất có thời điểm lên tới 18%. Anh thực hiện triệt để 2 hướng sau nhằm trả hết nợ càng sớm càng tốt.
1. Giảm chi tiêu tối đa, chỉ tiêu 20% lương, 80% còn lại để trả nợ.
2. Tìm mọi cách để tăng thu nhập hết mức: Khi mới vay, thu nhập của hai vợ chồng 15 triệu đồng nhưng sau 3 năm, cả hai cố làm thêm nên tổng lương lên tới 50 triệu đồng.
Anh Hoàng bày tỏ: "Cuộc sống có thể xảy ra nhiều biến cố, như trong nhà có người đau ốm, việc làm ăn khó khăn... Hơn nữa, thường người ta khó duy trì cuộc sống kham khổ lâu dài. Vì thế, nên nghĩ kỹ trước khi vay khoản tiền lớn và nếu lỡ vay rồi thì cố trả dứt nợ càng sớm càng tốt".
Theo chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê (Tp.HCM), trước khi quyết định mua trả góp, bạn cần nhờ nhân viên ngân hàng tư vấn cụ thể về thời hạn vay, biến động lãi suất cũng như số tiền phải trả mỗi tháng từng thời điểm... Tốt nhất, người mua cần tính toán để số tiền phải trả mỗi tháng ít hơn khoản còn lại sau khi chi tiêu để chi cho bảo hiểm và gửi tiết kiệm dự phòng. Có thể bạn phải dùng tới khoản dự phòng này khi lãi suất tăng hơn dự tính.