Vị trí đặt bàn thờ luôn được các gia đình quan tâm và lựa chọn cẩn thận nhằm thể hiện sự tôn kính với tổ tiên, ông bà. Cùng với đó, cách bố trí bàn thờ hợp Ngũ hành sẽ giúp đem lại thịnh vượng và may mắn cho gia đình, đồng thời có tác dụng hóa giải những bất lợi về phong thủy.
Cách chọn hướng nhà và hướng bàn thờ
Theo nguyên tắc phong thủy, phương vị tốt nhất cho nhà ở là tọa cát hướng cát (tọa là phía sau lưng, hướng là phía trước căn nhà). Đồng thời, bàn thờ cũng cần được đặt ở vị trí tọa cát hướng cát. Do vậy, hướng tốt cho bàn thờ thường trùng với hướng nhà. Điều này lý giải cho việc nhiều gia đình ở nông thôn thường đặt hướng bàn thờ cùng hướng với nhà ở, tức là bàn thờ quay mặt ra hướng cửa chính.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các ngôi nhà thường được được xây bám theo mặt đường, do vậy, không phải hướng nhà nào cùng hợp với tuổi của gia chủ. Vì thế, để chọn hướng bàn thờ hợp phong thủy, cách tốt nhất là nên dựa vào Thiên mệnh của chủ nhà.
|
Người Việt rất coi trọng phương vị và cách bài trí bàn thờ |
Bên cạnh đó, nhiều căn nhà lệ thuộc vào quy hoạch nên có thể không tối ưu được cả về tọa và hướng, trong khi đó, việc chọn vị trí và hướng bàn thờ chỉ trong phạm vi căn nhà, cho phép gia chủ chủ động hơn về tọa và hướng tốt của bàn thờ mà không nhất thiết phải theo hướng nhà.
Vì thế, chủ nhà nên chủ động chọn vị trí đặt bàn thờ để chọn được tọa và hướng tốt, nếu không được như vậy thì chuyển sang phương án thứ hai là chọn hướng tốt và phương án cuối cùng là chọn tọa tốt.
Với văn hóa người Việt, bàn thờ rất quan trọng. Vì vậy, khi chuyển sang nhà mới hay khi làm nhà, vấn đề đầu tiên mà mọi gia đình cần quan tâm là chọn vị trí đặt bàn thờ. Dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách chọn vị trí đặt bàn thờ theo Âm Dương, Ngũ hành nhằm giúp gia chủ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, sự nghiệp.
Tìm hiểu về thuyết Âm dương, Ngũ hành
Theo triết học phương Đông, thuở sơ khai, vũ trụ ở trong trạng thái hỗn độn nhưng vẫn thống nhất thành một thể gọi là Thái cực, từ Thái cực sinh ra Lưỡng nghi gọi là Âm và Dương. Trong mọi sự vật, hiện tượng đều tồn tại hai thuộc tính này.
Chẳng hạn, trời là Âm, đất là Dương; nữ là Âm, nam là Dương; bóng tối là Âm, ánh sáng là Dương… Âm – Dương là hai mặt đối lập nhưng thống nhất với nhau, có thể biến đổi và chuyển hóa cho nhau, trong Âm có Dương, trong Dương có Âm. Trong Kinh Dịch, quái Khôn là Âm, quái Càn là Dương, từ Lưỡng nghi sinh ra Tứ tượng (gồm Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương), từ Tứ tượng sinh ra Bát quái (gồm các quái: Tốn, Càn, Khảm, Đoài, Cấn, Ly, Khôn, Chấn), từ Bát quái lại biến hóa ra 64 Trùng quái.
|
|
Âm Dương và Tứ tượng
|
Trên đây là hình Âm Dương và Tứ tượng. Trong vòng tròn là Thái cực, bao bọc Lưỡng nghi (màu đen là Âm, màu trắng là Dương). Quan niệm trong Âm có Dương biểu thị ở việc trong hình đen có hình tròn màu trắng (Thái Âm có Thiếu Dương) và trong Dương có Âm biểu thị ở việc trong hình trắng có hình tròn nhỏ màu đen (Thiếu Âm).
Nhằm bổ sung và hoàn thiện cho thuyết Âm Dương, người ta còn phát minh ra thuyết Ngũ hành. Cụ thể, theo duy vật cổ đại, 5 yếu tố tạo nên vạn vật trên trái đất bao gồm kim loại, cây cối, nước, lửa, đất tương ứng với 5 hành trong Ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Điểm căn bản trong thuyết Ngũ hành là quy luật tương sinh tương khắc. Theo quy luật tương sinh: Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim. Theo quy luật tương khắc: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim.
|
Nguyên lý tương sinh tương khắc trong Ngũ hành |
Ứng dụng thuyết Âm Dương, Ngũ hành trong đặt bàn thờ
Người ta vận dụng các thuộc tính và quy luật biến đổi, chuyển hóa, tương sinh tương khắc của Ngũ hành, Âm Dương trong bố trí khu dân cư, đô thị, nhà cửa, nội thất trong nhà… một cách hài hòa, giúp cho vận khí dễ dàng luân chuyển trong nhà, đồng thời khắc chế nhưng điều không may mắn để mang lại tài lộc cho các thành viên trong nhà.
Việc chọn phương vị cho bàn thờ cũng không ngoại lệ. Ngoài dựa vào hướng tuổi của gia chủ, cần căn cứ vào Ngũ hành (thuộc hành nào) và thuộc tính Âm, Dương để chọn và bài trí cho phù hợp, từ đó mang lại tài lộc, vượng khí cho gia chủ.
Cụ thể, theo Ngũ hành, bàn thờ thuộc hành Hỏa (có một chút hành Mộc) tuy nhiên, bàn thờ lại mang tính Âm. Do vậy, căn cứ theo thuộc tính Âm, bàn thờ cần được đặt ở nơi yên tĩnh, đồng thời căn cứ vào tính chất của hành Hỏa nhằm xác định quan hệ tương sinh, tương khắc, từ đó chọn vị trí đặt bàn thờ tránh xa được những vật tương khắc.