SearchNews

Chính phủ kiến nghị tăng gần 650 ha đất cho giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành

15/10/2019 09:06

Cho rằng "không làm thay đổi tổng diện tích dùng cho dự án", Chính phủ đã đề nghị Quốc hội tăng gần 650 ha đất cho sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Quốc hội vừa nhận được tờ trình báo có nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành của Chính phủ. Trong tờ trình, Chính phủ đề xuất điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành tăng thêm gần 650 ha, tăng từ 1.165 ha lên 1.810 ha.

Tại phiên họp ngày 14/10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT giải trình trước các thành viên Ủy ban Kinh tế như sau, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành, tư vấn đã đề nghị mở rộng phạm vi xây dựng giai đoạn 1 lên khoảng 1.810 ha, mục đích là để xây các công trình đáp ứng nhu cầu khai thác tối thiểu như hệ thống công trình dẫn đường hàng không, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, kho giao nhận hàng... Mặt khác, theo kiến nghị của đơn vị tư vấn, phần san lấp mặt bằng cho đường cất hạ cánh song song (cấu hình đóng) cũng như đường lăn đi kèm cần bổ sung thêm diện tích.

Theo ông Thể: "Đề xuất điều chỉnh này không làm thay đổi tổng diện tích dùng cho dự án sân bay Long Thành (5.000 ha) đã được Quốc hội thông qua".

kiến nghị tăng 650 ha đất cho dự án sân bay Long Thành
Chính phủ kiến nghị Quốc hội tăng gần 650 ha đất xây sân bay Long Thành giai đoạn 1.
(Trong ảnh: Phối cảnh sân bay Long Thành)

Trong khi đó, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, bà Mai Thị Ánh Tuyết nhận định, địa giới hành chính 5 xã thuộc huyện Long Thành sẽ bị điều chỉnh bởi đề xuất trên. Hơn nữa, phương án giá đền bù, tái định cư cho người dân lại chưa được nêu rõ, dự kiến phải bàn giao mặt bằng vào cuối năm 2020. Bà Tuyết bày tỏ: "Tôi chưa yên tâm vấn đề này".

Ngoài đề xuất tăng thêm gần 650 ha đất cho sân bay Long Thành giai đoạn 1, Chính phủ còn kiến nghị điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng, phân thành hai hạng mục gồm 480 đất sử dụng chung giữa dân dụng và quốc phòng; 570 ha đất sử dụng riêng cho quốc phòng.

Ông Thể cho biết, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, việc phân định trên đã được Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng thống nhất về diện tích đất, vị trí. Bộ trưởng Thể thông tin, 480 ha đất sử dụng chung (đường lăn, đường cất hạ cánh số 4) sẽ ưu tiên phục vụ các hoạt động quân sự (tác chiến, huấn luyện...) cũng như hoạt động dân dụng nếu nhu cầu khai thác gia tăng. Ở giai đoạn 3 dự án sân bay Long Thành, khu vực sử dụng chung (kết cấu hạ tầng cảng hàng không) sẽ được xây dựng.

Bàn về kiến nghị chia 1.050 ha đất quốc phòng trong dự án sân bay quốc tế Long Thành, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ông Nguyễn Trường Giang, "đất dùng chung" không được quy định trong Luật Đất đai năm 2013. Thế nên, Chính phủ cần làm rõ việc dùng chung đất dân dụng và đất quốc phòng dựa trên căn cứ nào? cơ quan nào sẽ quản lý?

Bộ trưởng Thể cho hay, những kiến nghị trên đều do Hội đồng thẩm định nhà nước đề xuất với Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét.

Tổng vốn đầu tư dự án sân bay Long Thành là 336.630 tỷ đồng (16 tỷ USD). Trong đó, vốn đầu tư giai đoạn 1 chiếm 114.000 tỷ đồng (5,4 tỷ USD). Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành chậm nhất vào năm 2025 và đưa vào khai thác.

Nghị quyết về dự án thu hồi đất, hỗ trợ, bồi thường, tái định cư sân bay Long Thành đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 11/2017 với tổng kinh phí xấp xỉ 23.000 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là đơn vị lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành. Trong khi đó, nhà thầu lập báo cáo là Liên danh Nhật - Pháp - Việt Nam (JFV), gồm các thành viên sau: Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), Oriental Consultants Global., Ltd (OCG), Nippon Koei Co., Ltd (NK), ADP Ingeniere (ADPi), Japan Airport Consultants, Inc. (JAC).

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu