SearchNews

Thay đổi phương thức đấu thầu, cao tốc Bắc - Nam có thể chậm tiến độ

14/10/2019 13:23

Theo nhận định của Chính phủ, dự án cao tốc Bắc - Nam có thể bị chậm tiến độ do áp lực vốn và việc thay đổi phương thức đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước.

Thay mặt Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT vừa gửi báo cáo dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông trong những năm 2017 - 2020 lên Quốc hội.

Nội dung báo cáo nêu rõ, do mất thêm thời gian sơ tuyển nhà đầu tư trong nước nên việc thay đổi phương thức đấu thầu chọn nhà đầu tư cho 8 dự án thành phần sẽ khiến công trình chậm tiến độ so với dự khiến khoảng 3 tháng.

Bộ GTVT hồi cuối tháng 9/2019 đã công bố quyết định hủy kết quả sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam. Lý do là, kết quả thẩm định cho thấy, 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; 1 dự án có từ 2 nhà đầu tư; 2 dự án chỉ có một nhà đầu tư vượt qua và 1 dự án có ba nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.

Theo Bộ GTVT, dự kiến, việc sơ tuyển nhà đầu tư sẽ hoàn thành vào tháng 2/2020. Đến tháng 11/2020, toàn bộ việc đấu thầu dự án sẽ được hoàn tất.

Mặt khác, Chính phủ cho hay, có thể kiểm soát được tiến độ đảm bảo theo yêu cầu của Quốc hội đối với những dự án đầu tư công, dùng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước. Thế nhưng, các dự án đầu tư theo hình thức PPP còn phụ thuộc vào khả năng huy động vốn tín dụng dài hạn và thị trường.

cao tốc Bắc - Nam có thể chậm tiến độ
Theo Chính phủ, cao tốc Bắc - Nam có thể chậm tiến độ do thay đổi phương thức đấu thầu. Trong ảnh: Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ được nối kết với các đoạn cao tốc Bắc - Nam trong tương lai. (Ảnh: Đắc Thành)

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, trách nhiệm của Nhà nước là khảo sát, thiết kế kỹ thuật - dự toán; bố trí và giải ngân nguồn vốn; giải phóng mặt bằng... Đồng thời, Chính phủ sẽ đền bù những tổn thất cho nhà đầu tư trong trường hợp không đảm bảo chất lượng, tiến độ các nội dung thuộc trách nhiệm của mình.

Vậy nhưng, báo cáo của Chính phủ cho biết, hiện tại, nguồn vốn cũng như thẩm quyền quyết định đền bù cho nhà đầu tư chưa được quy định trong Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách. Trên thực tế, có không ít nội dung khó đảm bảo được tiến độ, đặc biệt là giải phóng mặt bằng.

Theo ông Thể, Bộ GTVT đang yêu cầu tư vấn nghiên cứu đề xuất phương án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quy định trên và có giải pháp gỡ vướng.

Ngoài ra, áp lực về vốn khiến dự án chậm tiến độ cũng được Chính phủ đề cập trong báo cáo gửi Quốc hội.

Tổng vốn đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn phía Đông là 118.716 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay thương mại là 63.710 tỷ đồng, chủ yếu là vốn vay ngân hàng trong nước; vốn ngân sách chiếm 55.000 tỷ đồng.

Hiện các ngân hàng cũng không còn nhiều dư địa để cho vay dài hạn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định, kể từ tháng 1/2018, nhà băng chỉ được dùng 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Thậm chí, tỷ lệ này còn tiếp tục sụt giảm. Tính đến thời điểm hiện tại, đa số vốn cho vay của các ngân hàng đến từ huy động ngắn hạn.

Thế nên, Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay, Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan trong việc đánh giá tác động, đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được chia thành 11 dự án thành phần. Trong đó, có 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP và 3 dự án đầu tư công với toàn bộ vốn ngân sách nhà nước. Ba dự án đầu tư công gồm dự án Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2. Từ giữa năm 2019, những dự án này đã được tổ chức đấu thầu.

Trong khi đó, 8 dự án theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT gồm: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai. Tổng mức đầu tư dự kiến của 8 dự án hơn 100.000 tỷ đồng. Trong đó, 40.360 tỷ đồng chi cho giải phóng mặt bằng và tái định cư là vốn Nhà nước.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu