Ngày 15/10, trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM đã báo cáo cử tri thông tin này.
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đã được quy hoạch từ lâu và Bộ GTVT sẽ làm chủ đầu tư về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên, do một số lý do nên công trình vẫn chưa được triển khai thực hiện. Tình hình giao thương với Campuchia trong thời gian gần đây gia tăng mạnh mẽ nên QL22 kết nối TP.HCM với Tây Ninh và cửa khẩu Mộc Bài bị quá tải.
Trước thực trạng đó, TP.HCM đã đề xuất Thủ tướng cho làm chủ đầu tư dự án, phối hợp cùng tỉnh Tây Ninh chi tiền thực hiện giải phóng mặt bằng. TP.HCM sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án sau khi có đất sạch để sớm hoàn thành công trình BOT này.
|
Hướng tuyến cao tốc TP. HCM - Mộc Bài. (Ảnh: Tổng cục đường bộ Việt Nam) |
Theo thiết kế được duyệt, tổng chiều dài của cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là 53,5km, xuất phát từ Vành đai 3 (Hóc Môn) chạy song song với đường sắt Chánh Hiệp - Trảng Bàng (Tây Ninh), tới ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua QL22B, tiếp tục rẽ phải vượt sông Vàm Cỏ về phía QL22 nối kết cửa khẩu Mộc Bài.
Dự án được đề xuất đầu tư chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 gồm hai phần là TP.HCM - Trảng Bàng quy mô 4 làn xe, chiều dài 33km, tốc độ 120km/h và Trảng Bàng - Mộc Bài quy mô 4 làn xe, dài 20,5km, tốc độ 80km/h. Dự án có tổng vốn đầu tư xấp xỉ 10.700 tỷ đồng. Trong khi đó, giai đoạn 2 sẽ xây dựng cao tốc quy mô 6-8 làn xe.
UBND TP.HCM và Tây Ninh hồi tháng 9/2019 đã gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho TP.HCM có thẩm quyền triển khai dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, kết hợp thực hiện với tỉnh Tây Ninh.
Đồng thời, 2 địa phương còn đề xuất tự lo chi phí bồi thường, cụ thể Tây Ninh chi khoảng 1.000 tỷ đồng, TP.HCM bỏ ra 2.000 tỷ đồng. Đối với gần 8.000 tỷ đồng chi phí xây lắp và đầu tư còn lại, các địa phương kiến nghị Chính phủ cho phép chỉ định thầu hoặc đấu thầu.
Mục đích xây dựng cao tốc là nhằm rút ngắn hành trình từ TP.HCM tới cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, đồng thời phá thế độc đạo của QL22. Mặt khác, công trình cũng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp dọc tuyến phía Tây Ninh, nhất là Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Sau khi hoàn thành, đi vào hoạt động, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được kỳ vọng gia tăng kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông - Tây cũng như hệ thống đường xuyên Á qua cao tốc Phnom Penh - Bavet (Campuchia).