Theo dự báo của ông Phạm Lâm, CEO DKRA Việt Nam, thị trường bất động sản (BĐS) năm Kỷ Hợi sẽ đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội, được ví như bức tranh trộn giữa hai mảng sáng và tối.
Mảng sáng của thị trường là M&A (mua bán sáp nhập) các dự án BĐS sẽ tăng trong 12 tháng tới. Lý do là bởi thời gian triển khai dự án kéo dài (có sự rà soát, thanh tra, kiểm tra và hạn chế cấp phép dự án mới), các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mua lại quỹ đất của những đơn vị không thể tiếp tục triển khai dự án.
Thời gian chuẩn bị và hoàn tất hồ sơ pháp lý để dự án đủ điều kiện chào bán ra thị trường trung bình khoảng 12-18 tháng. Khi thời gian này kéo dài thêm, doanh nghiệp phải tìm đến sự hỗ trợ tài chính để hoàn thành dự án.
Trong hoạt động M&A, khối ngoại chiếm ưu thế hơn bởi họ có tiềm lực tài chính tốt hơn so với các doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, nhiều dự án có thời gian hoàn thiện pháp lý kéo dài, các chủ đầu tư trong nước có dòng vốn hạn chế phải chịu áp lực tài chính lớn. Đây là thời điểm lý tưởng để các nhà đầu tư sẵn dòng vốn dồi dào tham gia vào hoạt động M&A để săn tìm cơ hội mới.
Bất động sản Tp.HCM. Ảnh: Vũ Lê.
Một mảng sáng khác chính là cơ hội của thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) sẽ tăng cao bất ngờ. Trong giai đoạn 2018-2020, nguồn cung sơ cấp (sản phẩm mới, được chào bán lần đầu) suy giảm rõ rệt nên 2019 sẽ là thời kỳ của thị trường thứ cấp. Trong năm Kỷ Hợi, hoạt động mua đi bán lại hứa hẹn sẽ tăng trưởng và diễn ra vô cùng sôi động.
Cũng theo ông Lâm, 2019 sẽ là thời cơ của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức sở hữu lượng tiền mặt lớn. Có thể nói, ai có tiền mặt thì người đó có cơ hội làm chủ thị trường. Nhiều chủ đầu tư nhắm tới thị trường ngách bằng cách ôm tiền mặt và thâu tóm các doanh nghiệp đang "đuối sức".
Thị trường BĐS 2019 cũng có nhiều mảng tối, đó chính là 3 góc chết đáng quan ngại. Trước hết, đó là những doanh nghiệp không đủ tiềm lực (về tài chính và năng lực triển khai) có thể phải rời cuộc chơi. Khi đó, quy mô thị trường có thể tạm thời thu hẹp trong một thời gian, thị trường sơ cấp diễn biến chậm chạp hơn so với giai đoạn 2014-2018.
Thứ hai, thanh khoản tiếp tục giảm, nguyên nhân chủ yếu là do sự khan hiếm nguồn cung và tâm lý hoang mang, quan ngại về tính pháp lý của các dự án bị thanh kiểm tra.
Thứ ba, nhiều khả năng sẽ bùng nổ tranh chấp BĐS. Sự kỳ vọng thái quá (sốt đất ảo, trúng đất) sẽ không được coi là cú hích tích cực mà trở thành căn bệnh, mầm mống của bong bóng BĐS.
Theo vị CEO của DKRA, những mảng tối của thị trường BĐS trong năm 2019 sẽ là liều thuốc thử mạnh hơn so với đà giảm tốc trong năm 2018. Do vậy, các doanh nghiệp có chiến lược tung hàng hay phát triển dự án đều trở nên thận trọng hơn trong năm Kỷ Hợi.
Ông Lâm cho biết: "Các liều thuốc này dù đáng quan ngại nhưng thật sự cần thiết vì có tác dụng thanh lọc, sàng lọc lại thị trường và góp phần hãm tốc một cỗ máy đang chạy quá đà, hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững hơn trong tương lai".