SearchNews

4 kiểu hợp đồng mua bán nhà đất dễ mất sạch tiền

01/07/2020 08:00

Mua bán nhà đất là một giao dịch dân sự nên để có hiệu lực thi hành, hợp đồng cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Tuy nhiên thực tế, không phải hợp đồng nào cũng thỏa mãn những tiêu chuẩn này. Đặc biệt, người mua cần thận trọng trước khi ký 1 trong 4 loại hợp đồng mua bán nhà đất dễ mất sạch tiền sau đây:

1. Hợp đồng viết tay

Hợp đồng viết tay là hình thức mua bán, chuyển nhượng nhà đất chỉ do 2 bên tự lập và ký với nhau. Vì không có cơ quan có thẩm quyền hay tổ chức công chứng nào xác nhận nên hợp đồng này không được công nhận về mặt pháp lý.

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người dân mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay trót lọt, nhưng cũng không thiếu những trường hợp gặp rủi ro khiến “tiền mất tật mang”. Cụ thể:

- Khi xảy ra tranh chấp, kiện cáo, tòa chắc chắn sẽ tuyên hợp đồng mua bán nhà đất của hai bên là vô hiệu, người chịu thiệt chính là bên mua. Trong nhiều trường hợp, người mua phải trả lại nhà đất nhưng nếu họ không tự nguyện, còn bị cưỡng chế thi hành án và phải trả các khoản chi phí phục vụ cho việc cưỡng chế.

- Trường hợp một mảnh đất nhưng được bán bằng giấy tờ tay cho nhiều người, đến khi nhóm người mua phát hiện mình bị lừa thì kẻ xấu đã ôm tiền cao chạy xa bay.

- Với những căn nhà chỉ có hợp đồng mua bán giấy tay thì nếu có cải tạo, sửa chữa, xây mới cũng là không phép. Nếu chính quyền phát hiện ra sẽ buộc phải tháo dỡ.

- Rủi ro khi mua phải mảnh đất đã bị thế chấp ngân hàng, chủ sở hữu không thanh toán hoặc chi trả khoản nợ dẫn đến ngân hàng tiến hành giải chấp để thu hồi nợ.

hình ảnh một người đang viết hợp đồng mua bán nhà đất bằng giấy tay
Mua nhà qua giấy tờ tay tiềm ẩn không ít rủi ro. Ảnh minh họa: Internet

2. Hợp đồng đặt cọc

Theo TS Phạm Văn Võ, phó trưởng khoa luật Thương Mại, trường ĐH Luật TP.HCM: “Để có thể huy động vốn mà không phải trả lãi như vay tiền từ ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu và huy động từ giai đoạn trước khi xây dựng xong phần móng, các chủ dự án đã chọn giải pháp giao kết hợp đồng đặt cọc giữ chỗ mua nhà”. Người mua thường cho rằng văn bản này chỉ nhằm đảm bảo việc giao kết hợp đồng, nên chủ quan ký ngay mà không tìm hiểu kỹ. Tuy nhiên, đối với chủ đầu tư, đây còn là một hình thức huy động vốn trá hình. Có những dự án, số tiền đặt cọc thậm chí bằng 30 – 50% giá trị hợp đồng mua bán.

Người mua đặt cọc càng nhiều càng phải cẩn trọng vì dễ gặp rủi ro. Thực tế có không ít trường hợp người mua đã đặt tiền cọc tuy nhiên bên bán đưa ra nhiều lý do vô lý khiến người mua gặp khó khăn, thậm chí không thực hiện tiếp được thỏa thuận và mất tiền cọc.

3. Hợp đồng ủy quyền

Một số người dân do không muốn nộp thuế, phí khi chuyển nhượng, mua bán đất đai nên lập hợp đồng ủy quyền thay vì hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất. Nói cách khác, đây thực chất là một loại giao dịch giả tạo để che đậy một giao dịch khác nhằm mục đích “né thuế”. 

hình ảnh minh họa cho việc bắt tay nhau ký hợp đồng mua bán nhà đất
Người mua có thể rơi vào cảnh tiền mất tật mang khi mua nhà qua hợp đồng ủy quyền.
Ảnh minh họa: Internet

Liều mua bán nhà đất qua hợp đồng ủy quyền, người mua rất dễ mất tiền oan khi gặp phải những rủi ro như:

- Người ma không có đầy đủ các quyền của chủ sở hữu bất động sản. Ngoài ra, khi thực hiện các quyền trong phạm vi ủy quyền, người mua phải báo cho bên ủy quyền, tức là không được tự do thực hiện các quyền này.

- Người mua có thể bị lấy lại nhà, quyền sử dụng đất đã mua khi bên ủy quyền chết hoặc chấm dứt tồn tại.

- Người mua có thể bị lấy lại nhà, quyền sử dụng đất đã mua khi bên bán thay đổi ý định. Bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, mặc dù có thể phải bồi thường thiệt hại và báo trước cho bên được ủy quyền.

- Nhà đất đã mua có thể bị Nhà nước thu hồi mà người mua (bên được ủy quyền) không được bồi thường. Bởi khoản bồi thường chỉ dành cho người sử dụng đất hợp pháp, nói cách khác là đứng tên trên GCN quyền sử dụng đất (bên ủy quyền).

4. Hợp đồng góp vốn

Hợp đồng góp vốn hay hợp đồng hợp tác đầu tư đối với việc mua bán bất động sản về bản chất là hình thức huy động vốn để thực hiện dự án. Nếu bất cẩn, khách hàng có thể bị chiếm dụng vốn, dẫn đến tiền mất tật mang.

Khuôn khổ pháp lý về kinh doanh bất động sản dưới hình thức ký kết hợp đồng góp vốn cũng chưa được hoàn chỉnh. Điều này khiến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng chưa được chặt chẽ, khó giải quyết thỏa đáng nếu có tranh chấp xảy ra.

Đó là chưa kể với loại hợp đồng này, thường chủ đầu tư sẽ soạn sẵn và người mua chỉ việc ký kết. Không loại trừ khả năng các điều khoản soạn sẵn trong hợp đồng rất lỏng lẻo, hai là các điều khoản này thường có lợi cho các công ty bất động sản. Khi tranh chấp xảy ra thì khách hàng hoàn toàn bất lợi.

 

Linh Phương (TH)

>> 4 nguyên tắc phải "nằm lòng" khi ký hợp đồng đặt cọc mua nhà

>> Đặt cọc mua đất: Những pha "bẻ kèo" khiến người bán vã mồ hôi

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu