SearchNews

Cẩn trọng sập bẫy đất nền thanh lý giá siêu rẻ

06/12/2019 08:05

Theo các chuyên gia, để tránh bị sập bẫy khi mua đất nền thanh lý giá rẻ, khách hàng nên yêu cầu bên bán đưa ra hợp đồng chính, đọc và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi xuống cọc.

Là một nhà đầu cá nhân, anh Trung cho biết, mới đây anh đã nhận được cuộc điện thoại của nhân viên môi giới bất động sản giới thiệu có hơn 10 lô đất nền thanh lý giá siêu rẻ tại quận 2 (TP.HCM). Đây là đất ngân hàng thanh lý nên mức giá chỉ từ 17-19 triệu đồng/m2. Khách hàng chỉ cần đặt cọc, sau khi làm hợp đồng sẽ có sổ đỏ.

Thế nhưng, anh Trung vẫn từ chối mua một cách thẳng thừng bởi qua tìm hiểu giá đất nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM, khó có mức giá mềm như vậy. Hơn nữa, tình trạng mượn danh ngân hàng thanh lý nền đất cũng đang diễn ra phổ biến. Ngoài gọi điện giới thiệu, quảng cáo thì môi giới địa ốc còn dán tờ rơi, áp phích lên tường nhà dân, cột điện...

Hình ảnh đoàn xe ô tô kéo dài trên đường, hai bên là đất nền trống trơn và rất nhiều cây xanh
Chiêu trò lừa bán đất nền thanh lý giá rẻ từng được chuyên gia cảnh báo nhiều lần.
(Ảnh: Đại Việt)

Giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM, ôn Lâm Bình Bảo chia sẻ câu chuyện người bạn của mình suýt sập bẫy lừa mua đất nền. Cụ thể, nền đất tại huyện Long Thành (Đồng Nai) được quảng cáo là do ngân hàng thanh lý với mức giá thấp hơn thị trường 15%. Ông Bảo cho biết: "Trên xe đưa đón, doanh nghiệp kia bố trí thêm vài chim mồi đi cùng xe, tỏ vẻ là dân đầu tư chuyên nghiệp, xuống tay đặt cọc nhiều lô đất để dẫn dụ khách".

Bạn của ông Bảo sau đó đã đặt cọc 50 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi xem hợp đồng mua bán thì thấy khá nhiều điều khoản gian dối. Chẳng hạn, môi giới quảng cáo là đất thổ cư song hợp đồng lại ghi đất đang chờ chuyển đổi quyền sử dụng đất.

Từ câu chuyện của người bạn, ông Bảo cho rằng có thể rút ra bài học lớn. Thứ nhất là không nên tin vào quảng cáo bán đất nền thanh lý giá rẻ. Thứ hai, bên mua nên yêu cầu người bán đưa ra hợp đồng chính và đọc kỹ trước khi quyết định xuống cọc. Để đề phòng việc thay đổi điều khoản, khách hàng có thể yêu cầu ký nháy.

Mặt khác, khi thấy có dấu hiệu lừa đảo bán đất nền thanh lý cần phải hành động ngay, thông báo rộng rãi tới mọi người để tránh bị lừa mua.

Câu chuyện trên không phải là trường hợp hiếm gặp. Trước đó, báo Dân trí từng có bài "Lật tẩy chiêu bán đất nền do ngân hàng thanh lý" với nội dung môi giới địa ốc mạo danh nhân viên ngân hàng để tiếp cận người có nhu cầu mua đất. Nhân viên môi giới sau đó dẫn khách tới những nơi cách xa TP.HCM tầm 50km rồi giới thiệu dự án đất nền được phân phối bởi công ty. Như vậy, thực tế không như quảng cáo, giới thiệu ban đầu.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu, lừa bán đất nền thanh lý là vấn đề nhức nhối của thị trường địa ốc thời gian qua. Để tiếp cận người mua đất, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản làm đủ mọi cách, thậm chí là lừa dối.

Ông Châu nhìn nhận: "Lừa dối là mức độ thấp nhất khiến người mua nhầm lẫn, nếu người mua bị nhầm lẫn và dẫn đến thiệt hại về kinh tế thì đó là lừa đảo. Các công ty làm ăn chụp giật không chừa một thủ đoạn nào. Hiệp hội Bất động sản thành phố vẫn đang “chiến đấu” hết mình trong thời gian qua".

Cũng theo Chủ tịch HoREA, không ít doanh nghiệp địa ốc đang kinh doanh theo mô hình đa cấp, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, cung cấp thông tin sai sự thật hòng trục lợi. Người mua sẽ chịu nhiều thiệt hại nếu vội tin vào doanh nghiệp uy tín kém, ký hợp đồng mua bán đất.

Lãnh đạo HoREA cho biết thêm: "Bây giờ có câu nói là nhà đầu tư phải thông minh, người tiêu dùng phải thông minh và doanh nghiệp bất động sản phải thông minh. Chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng song người dân vẫn cứ sập bẫy. Theo ông Châu, thực trạng này chứng tỏ rằng nhiều khách hàng mua đất không chịu tìm hiểu, tiếp cận, kiểm tra kỹ thông tin trước khi quyết định xuống tiền.

Xem thêm: 

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu