|
Vỉa hè đường Đặng Văn Ngữ trước và sau chiến dịch dọn dẹp vỉa hè. Nhiều chủ quán kêu trời vì mất đất làm ăn cho dù đó là đất lấn chiếm. Ảnh:H.Phương |
Xuất hiện nhiều biển cho thuê, nhượng cửa hàng
Sau gần nửa tháng ra quân dẹp vỉa hè với quy mô lớn, vỉa hè Hà Nội đã phần nào thông thoáng. Nhưng ở khía cạnh khác, giá thuê nhà mặt phố tại các quận trung tâm lại đang… lao dốc.
Bà Phan Thị Đào ở ngõ 44 đường Nguyễn Khánh Toàn, hành nghề dẫn khách mua, thuê cửa hàng khắp các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm… cho hay: "Khách hỏi thuê nhà mặt phố đều có bài chê ỏng chê eo là không có chỗ để xe, mặt nhà cao hơn mặt đường mà không có bậc lên xuống thuận tiện, điểm giữ xe xung quanh thì đều quá tải... để ép giá ngược chủ nhà. Ngoài ra, còn có một xu hướng khác là "hoãn" giấc mơ kinh doanh, chờ động thái của thành phố trong việc giải phóng vỉa hè. Nếu cứ làm căng lâu dài họ sẽ ưu tiên phương án thuê nhà mặt ngõ hơn là mặt đường phố”.
Bên cạnh đó, ở các khu phố cổ, khách hỏi tìm thuê nhà đều lân la tìm hiểu xem lực lượng chức năng của phường trực tiếp “làm” có căng không. Các ngày 20, 21, 22/3, dọc trên nhiều tuyến phố trung tâm xuất hiện nhiều biển "cho thuê cửa hàng", "nhượng lại mặt bằng". Riêng đoạn đường 200m cuối phố Đê La Thành đã có tới 3 nhà mặt phố treo bảng tìm khách kèm số điện thoại liên hệ. Trên một số trục đường khác như Nguyễn Chí Thanh, Láng, Minh Khai... cũng có tình trạng tương tự. Theo tìm hiểu của PV thì nguyên nhân là do không còn chỗ đỗ xe, vắng khách, giá thuê cửa hàng lại cao nên nhiều cửa hàng không còn khả năng bám trụ lại những tuyến phố có giá thuê đắt đỏ.
Sẽ chỉ là “tạm thời”?
|
Một cửa hàng trên phố Thái Hà căng biển cho thuê. Ảnh: Phạm Hùng |
Anh Phan Thành, chủ cửa hàng đồ thể thao ở 192 Lê Trọng Tấn cho biết: “Công an phường yêu cầu các chủ kinh doanh cam kết không được để xe trên vỉa hè, lòng đường. Giờ mà đề nghị khách hàng gửi xe chỗ khác rồi đi bộ về cửa hàng thì chắc họ… đi luôn”. Được biết, cửa hàng anh Phan Thành thuê với giá 12 triệu đồng/tháng. Trước những khó khăn khách quan đưa đến từ khi thành phố dọn dẹp lại vỉa hè, anh Thành cho biết sẽ đề xuất chủ nhà giảm giá thuê nhà ngay từ tháng 3 này. “Nếu chủ nhà không đồng ý, chúng tôi đành phải tính nước chuyển đi chỗ khác”, anh Thành nói.
Hàng loạt quán kinh doanh café, đồ ăn vặt, dịch vụ... trên các tuyến phố ở quận Hai Bà Trưng cũng kém phần nhộn nhịp. Anh Lê Ngọc Nhân, kinh doanh quán lẩu, đồ nướng ở phố Tạ Quang Bửu chia sẻ: “Lâu nay, 10 khách thì tới 9 khách thích ăn uống ngoài vỉa hè cho thoáng. Song bây giờ khi thấy bóng dáng công an lại hô hoán khách tháo chạy để bê đồ đạc vào bên trong. Mỗi tối vài lần, khách cũng thấy bất tiện nên ghé quán thưa dần”.
Anh Hiệp mở quán diện tích 60m2, mặt ngõ rộng rãi ở đường Nguyễn Trãi, mùa đông bán đồ nhậu, mùa hè chuyển sang bán bia hơi, bước sang năm nay, chủ nhà đã tăng giá thuê từ 6 triệu lên 7,5 triệu đồng/tháng. Anh Hiệp cho biết: “Nhận thấy vỉa hè bị dọn dẹp, mất đi của tôi 2 dãy bàn, công việc kinh doanh trở nên khó khăn chủ nhà đã đồng ý trở lại mức giá thuê ban đầu là 6 triệu/tháng. Tuy nhiên, tôi đang cân nhắc việc nhượng lại mặt bằng. Nếu chính quyền cứ làm căng mãi thì chỉ xoay xở tìm chỗ để xe cho khách cũng đủ căng thẳng”. Anh Hiệp tính toán nhượng lại cửa hàng với giá 120 triệu đồng và 1 tháng tiền nhà đóng đặt cọc.
Nhiều chuyên gia bất động sản dự đoán trước những diễn biến lập lại trật tự vỉa hè thời gian qua, độ “chùng” của thị phần nhà phố cho thuê là có. Đặc thù của phân khúc này là phụ thuộc đến 90% vào không gian vỉa hè trước cửa nhà. Theo đó, vỉa hè càng rộng, thoáng, giá thuê sẽ càng đắt. Khi yếu tố này bị xáo trộn thì việc kinh doanh bị ảnh hưởng, khách thuê dè dặt cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, đây chỉ là trong thời gian ngắn hạn, sau khi vỉa hè được trả lại đúng chức năng, có thể các cơ quan chức năng sẽ tính đến thực hiện bố trí dung hòa các chức năng tiếp theo của nó là: Đi bộ và để xe.
Một chủ cửa hàng ăn trên phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa thì cho biết: “Mỗi tháng tiền tôi thuê cửa hàng 16 triệu đồng. Hiện chỗ để xe máy hạn chế, nếu tìm được chỗ gửi xe trong ngõ mỗi tháng mất thêm 3 triệu nữa, cộng thêm việc thuê thêm người dắt xe ra dắt xe vào cho khách. Chi phí tăng lên đột biến trong khi khách vẫn thế, hoặc ít hơn. Tôi cũng đang tính nước xin giảm tiền thuê nhà. Nếu không được chủ nhà đồng ý, có lẽ chúng tôi phải chuyển đi”.