Di dời dân khỏi chung cư cũ là cần thiết
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP đã truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo về việc di chuyển các hộ dân ra khỏi nhà nguy hiểm - đơn nguyên III, nhà C8 Khu tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình. Theo đó, tòa nhà đã được xác định là nhà nguy hiểm cấp độ D (cấp cao nhất), có nguy cơ sập đổ, mất an toàn cho người sử dụng. TP ấn định thời hạn di chuyển xong trong tháng 9/2014, đã chỉ định bố trí tạm cư cho các hộ dân tại nhà NO6, Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp và cam kết hỗ trợ cho các hộ dân di chuyển theo chính sách tạm cư của TP. Nếu các hộ dân tự lo nhà tạm cư, sẽ được TP hỗ trợ bằng tiền, nguồn từ ngân sách Nhà nước.
Trước băn khoăn của người dân về quyền lợi khi xây dựng lại công trình, Chủ tịch UBND TP nêu rõ, việc cải tạo đơn nguyên III nhà C8 - Giảng Võ cần được nghiên cứu đồng thời với việc cải tạo toàn bộ chung cư C8 (gồm cả 3 đơn nguyên). TP giao Sở Xây dựng báo cáo UBND TP lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực làm chủ đầu tư theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch và được sự đồng thuận của các hộ dân.
TP cũng giao Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình và các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương khẩn trương tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân trong đơn nguyên III nhà C8 Giảng Võ chủ động di chuyển. Đặc biệt quan tâm vấn đề này, Chủ tịch UBND TP giao Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn trực tiếp chỉ đạo việc di chuyển các hộ ra khỏi đơn nguyên III nhà C8 Khu tập thể Giảng Võ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân theo quy định.
|
Cầu thang đơn nguyên III nhà C8 được “nẹp” thêm hệ thống dầm sắt |
Đây hoàn toàn không phải thông tin mới bởi trên thực tế, quyết định di dời dân khỏi nhà nguy hiểm (đơn nguyên III - C8 Giảng Võ) đã được nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi ký ban hành từ 4/9/2013. Trước đó, năm 2007, chủ trương nghiên cứu cải tạo lại nhà C8 đã được khởi động.
Dù vậy, để đi tới kết luận mới đây của Chủ tịch UBND TP, không tính tới giai đoạn trước, chỉ trong 11 ngày đầu tiên của tháng 8/2014, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã có tới 3 cuộc làm việc liên tiếp với các sở, ngành và địa phương có liên quan để bàn bạc, tính toán kỹ mọi góc độ của vấn đề. Có thể nói, dù việc di dời dân khỏi đơn nguyên III - C8 Giảng Võ đã có quyết định chính thức từ tháng 9/2013 nhưng vì đây là việc liên quan mật thiết tới đời sống người dân, tập thể lãnh đạo UBND TP và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, vẫn kiên trì lắng nghe ý kiến các bên và cân nhắc hết sức cẩn trọng trước khi đưa ra giải pháp đúng đắn, hợp lý, hợp tình.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo UBND TP Hà Nội hôm 12/8, sau khi trực tiếp thị sát nhà C8 Giảng Võ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng thống nhất quan điểm, nếu công trình đã mất an toàn, phải kiên quyết đưa người dân ra khỏi nhà nguy hiểm.
Di dời vì an toàn của chính người dân
Trước những ý kiến nghi ngờ về kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của công trình đơn nguyên III, nhà C8, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh, Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội – đơn vị thực hiện việc đánh giá - có đủ năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật. Viện KHCN&KTXD Hà Nội chịu trách nhiệm trước Sở Xây dựng và trước pháp luật về kết quả khảo sát, kiểm định chất lượng hiện trạng chung cư C8 Giảng Võ.
Với trách nhiệm của mình, Sở Xây dựng đã có văn bản thống nhất kết luận kiểm định đánh giá hiện trạng chất lượng nhà C8 Giảng Võ và mức độ nguy hiểm của đơn nguyên III là cấp D từ 8/7/2013. Theo Sở Xây dựng, trước khi tiến hành, việc kiểm định đã được sự thống nhất của chính quyền địa phương và đại diện dân cư.
Liên quan tới công trình này, giữa tháng 12/2013, Sở Xây dựng Hà Nội đã trả lời đơn kiến nghị của các hộ dân nhà C8. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định, việc xử lý, gia cố khu cầu thang đơn nguyên III nhà chung cư C8 Giảng Võ (được thực hiện sau khi có kết quả kiểm định) chỉ là giải pháp cấp bách và mang tính tạm thời, nhằm tránh tình trạng sụp đổ dây chuyền của các cấu kiện bê tông cốt thép lắp ghép hiện có tại khu vực cầu thang. Việc chống đỡ này không có tác dụng giữ độ ổn định cho đơn nguyên III nhà C8 Giảng Võ khi mức độ nguy hiểm của công trình được đánh giá ở cấp D.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, việc di dời người và tài sản ra khỏi công trình nguy hiểm tại đơn nguyên III C8 Giảng Võ theo quyết định của UBND TP Hà Nội là thực hiện đúng quy định tại khoản 1, điều 83, Luật Nhà ở, tức là vì an toàn của chính người dân và các công trình xung quanh, không phụ thuộc vào các vấn đề khác.
Điều 83, Luật Nhà ở quy định rõ về “các trường hợp nhà ở phải phá dỡ”, trong đó, có “nhà ở bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng”. Còn điều 85 yêu cầu, khi phá dỡ, phải di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực phá dỡ.
|
Phía ngoài nhà chung cư C8 Giảng Võ, quận Ba Đình |
Phải đảm bảo điều kiện ăn ở tốt nhất tại nơi tạm cư
Chiều 29/8, trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, lãnh đạo UBND quận Ba Đình cho biết, sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND TP về di chuyển dân khỏi đơn nguyên III, C8 Giảng Võ. Từ góc độ quản lý Nhà nước trên địa bàn, quận Ba Đình kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành phối hợp với UBND quận Hoàng Mai, UBND quận Ba Đình chuẩn bị thật tốt điều kiện ăn, ở tại nơi tạm cư (nhà NO6, Khu đô thị mới Pháp Vân-Tứ Hiệp) cho các hộ dân, đảm bảo người dân sớm ổn định cuộc sống khi tới nơi ở mới. Trong đó, cần đặc biệt chú ý các hạ tầng thiết yếu, việc học hành, đi lại, đăng ký tạm trú... và những vấn đề dân sinh khác. Trước băn khoăn của người dân về khâu cải tạo nhà C8, UBND quận Ba Đình khẳng định, sẽ tham gia vào quá trình xây dựng lại nhà C8, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật.
Ngày 29/8, đại diện Phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, quỹ nhà tạm cư tại nhà NO6, Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp đã sẵn sàng. Các đơn vị liên quan có trách nhiệm đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt (điện, nước, cầu thang máy, vệ sinh môi trường...) khi các hộ dân tới tạm cư.
|