Khu đất này ít người đặt chân đến, còn khá heo hút, thuộc vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, ưu điểm của khu đất là giá rẻ, gần biển, còn hoang sơ. Cũng vì thế mà ông Khánh không lo bị mua hớ hay mua lầm giá ảo. Nhà đầu tư chia sẻ: "Tạm thời tôi chưa làm gì với khu đất này nhưng biết đâu sau này du lịch biển phát triển, có thể tăng giá gấp đôi, gấp ba".
Việc gom mua đất nơi heo hút đang dần trở thành xu hướng, mục tiêu của nhiều nhà đầu tư địa ốc. Ngụ tại quận Bình Thạnh, ông Niềm lặn lội tới tận xã đảo Thạnh An để săn đất. Nơi đây cách huyện Cần Giờ khoảng 8km đường chim bay. Theo ông Niềm, vì chưa có cầu kết nối nên người dân TP.HCM khi nhắc tới huyện đảo Cần Giờ đã cảm thấy ngăn sông cách chợ, vô cùng xa xôi. Do đó, khi biết ông Niềm dự định gom đất ở Thạnh An (cách Sài Gòn 70km) - nơi còn heo hút hơn cả Cần Giờ, nhiều người đã phản đối.
Thế nhưng, để mua lô đất hỗn hợp rộng gần 400m2 tại xã đảo Thạnh An, nhà đầu tư này đã quyết định dốc cạn số tiền tiết kiệm của gia đình là 3,5 tỷ đồng. Ông Niềm cho hay: "Cần Giờ mai này sẽ có cầu, du lịch các đảo sẽ phát triển. Tôi chấp nhận mua đất xa vì còn rẻ, hy vọng mai này tăng giá gấp đôi".
|
Hình ảnh xã đảo Thạnh An của huyện đảo Cần Giờ (TP.HCM) nhìn từ trên cao.
(Ảnh: daothanhan.com) |
Trong vòng 6-12 trở lại đây, không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà cả nhà đầu tư tổ chức và doanh nghiệp cũng săn lùng mua đất vùng sâu vùng xa với giá rẻ.
Để gom đất quy mô từ trung bình tới lô lớn phát triển dự án, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP.HCM bất chấp khoảng cách xa xôi, sẵn sàng dịch chuyển về huyện, xã heo hút thuộc các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, xa hơn là Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa. Thực trạng này cũng khiến mặt bằng giá đất vùng sâu vùng xa được đẩy lên mức cao hơn so với trước.
Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á, ông Nguyễn Lộc Hạnh nhận định, xu hướng săn lùng gom đất vùng xa đang ngày càng trở nên rầm rộ hơn trong giới đầu tư bất động sản phía Nam. Theo ông Hạnh, giới đầu tư nhà đất thấm nhuần câu thần chú "vị trí, vị trí và vị trí", tức vị trí đất trung tâm có giá trị nhất và được ưu tiên hàng đầu. Tuy đi ngược quy tắc "vàng" nhưng xu hướng săn đất vùng heo hút vẫn được hưởng ứng rầm rộ.
Xu hướng đầu tư ngược dòng nói trên được chuyên gia lý giải bởi 6 nguyên nhân sau:
Thứ nhất, đất vùng sâu vùng xa còn rất rẻ.
Thứ hai, so với pháp lý nhà đất khu trung tâm các đô thị, tỉnh thành lớn, pháp lý bất động sản tại những địa bàn kém phát triển dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Thứ ba, do xuất phát điểm dòng vốn thấp nên tiềm năng tăng giá đất vùng xa khá cao.
Thứ tư, các khu vực vùng sâu vùng xa có môi trường sống lý tưởng vì không bị ô nhiễm không khí, khói bụi, tiếng ồn, không bị kẹt xe. Những vị trí này có tiềm năng đầu tư "second home" phục vụ du lịch khám phá, trải nghiệm nếu có vườn tược bao quanh, gần núi, biển...
Thứ năm, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng Việt Nam đang có những bước chuyển biến rất lớn trong cả hiện tại lẫn tương lai, đất vùng xa xôi còn nhiều cơ hội nối kết hạ tầng giao thông, xã hội. Lượng dự án đường cao tốc, đường sắt, sân bay... được thi công, hoàn thiện và đi vào sự dụng ngày càng tăng. Có thể nói, đây là cuộc cách mạng về không gian bất động sản vùng sâu vùng xa nhờ nối kết nơi thiếu và nơi thừa. Thậm chí, để đợi cú hích hạ tầng, nhiều nhà đầu tư ôm đất vùng heo hút, chấp nhận đọng vốn từ 5-10 năm.
Trong tương lai, các vị trí cách xa đô thị phát triển sẽ có cơ hội kết nối ngày một tốt hơn, rút ngắn thời gian di chuyển khi hệ thống cầu đường, cao tốc mới được đầu tư hoàn thiện. Xét theo tầm nhìn dài hạn, việc ôm đất rẻ chờ tăng giá là suất đầu tư đáng để xem xét, được nhiều hơn mất.
Thứ sáu, với cú hích hạ tầng được tạo ra bởi các đại gia địa ốc, đất vùng sâu vùng xa đang hưởng lợi. Những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính mạnh đang phát triển bất động sản du lịch vươn ra các tỉnh thành cách rất xa Sài Gòn. Thực trạng này khiến giá đất địa bàn lân cận siêu dự án tăng mạnh. Tài nguyên về du lịch của Việt Nam rất lớn và đang được chú trọng đầu tư phát triển. Ngành công nghiệp không khói này có giá trị phát triển lớn. Thế nên, bất động sản có tiềm năng phát triển du lịch có thể gia tăng giá trị trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Hạnh cũng khuyến cáo nhà đầu tư gom đất vùng sâu vùng xa nhiều rủi ro cần phải tính đến. Nhà đầu tư rất khó xác định khoảng thời gian nào là điểm rơi của chu kỳ tăng trưởng giá trị giúp giá đất tăng cao như kỳ vọng. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự phát triển của hạ tầng kết nối, siêu dự án lân cận cũng mang tính tương đối, không ai đảm bảo cho "kịch bản màu hồng". Chưa kể, nhà đầu tư còn mất chi phí cơ hội khi chôn vốn quá lâu.
Tóm lại, nhà đầu tư bất động sản phải lựa chọn 1 trong 2 bài toán. Thứ nhất là lợi nhuận thấp song an toàn. Thứ hai là lợi nhuận lớn đi kèm rủi ro cao. Ông Hạnh cho rằng: "Người đi buôn và săn đất tùy vào dòng tiền và khả năng chịu sức ép lớn đến đâu, sẽ có quyết định riêng cho từng tình huống".