Việc Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (từ 14/12) sẽ bắt đầu cho một xu hướng mới. Khi mà hầu hết các doanh nghiệp bất động sản VN còn yếu về tiềm lực tài chính thì việc lên sàn chứng khoán có thể là một giải pháp khả thi.
Sau khi Thuduc House lên sàn, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng cho biết sẽ lên kế hoạch tăng cường sức mạnh tài chính bằng việc tham gia thị trường chứng khoán. Theo ông Lý Tường Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Hàn Quốc Golden Bridge, thì việc lên sàn chứng khoán là một trong những biện pháp tài chính hóa bất động sản hữu hiệu cho các doanh nghiệp.
Ông Tuấn cho biết, để thị trường bất động sản Hàn Quốc có thể phát triển mạnh mẽ và lành mạnh như hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản nước này cũng đã từng phải trải qua một thời kỳ khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Tuy nhiên, sau khi tham gia thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp bất động sản Hàn Quốc đã có một bước ngoặt mới.
Bản thân tập đoàn Golden Bridge cũng đã từng rơi vào tình trạng khó khăn, và chính việc lên sàn đã giúp cho Golden Bridge có được sức mạnh tài chính lớn.
Cuối tháng 9/2006, Golden Bridge đã khai trương Công ty Cầu Vàng (Golden Bridge) tại Hà Nội với chức năng tư vấn, thúc đẩy phát triển kinh doanh và tham gia đầu tư trong các lĩnh vực như xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng, tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư hợp tác vốn và công nghệ mới với các nước tiên tiến.
Ngoài ra, công ty cũng sẽ tham gia vào lĩnh vực cổ phần hóa doanh nghiệp, huy động vốn, vay nợ và thúc đẩy, hỗ trợ các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, đặc biệt là trên sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc.
Đồng thời, Golden Bridge sẽ tham gia vào quá trình thu hút đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng nhà ở và bất động sản, và chắc chắn việc lên sàn chứng khoán là một bước đi tất yếu.
Trao đổi với báo giới, Giám đốc đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị quốc tế (IDJ) Trần Trọng Hiếu cho rằng, việc niêm yết lên sàn chứng khoán thể hiện sự chuyên nghiệp trong huy động vốn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản.
Vì lẽ đó, sau khi ra mắt trong thời gian tới, Công ty Quản lý quỹ đầu tư mua bán doanh nghiệp thuộc IDJ sẽ lên kế hoạch mua lại toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản để đầu tư và bán lại cho các nhà đầu tư khác, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, trong chiến lược trung hạn, công ty này cũng sẽ lên sàn.
Như vậy, dự báo về sự phát triển sôi động của thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt là sau khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kéo theo một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào thị trường quan trọng này từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Trước sức ép của làn sóng đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp bất động sản trong nước cũng bắt buộc phải xoay sở, tìm ra hướng đi hiệu quả cho mình. Việc thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán sẽ không chỉ giúp huy động vốn, mà đồng thời còn tạo nên sự tin tưởng từ giới đầu tư về sự minh bạch về thông tin, tài chính và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản.
(Theo TBKTVN)