Phóng viên đã trao đổi với đại diện Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng về những thông tin giá đất Đà Lạt tăng nóng, đặc biệt là các thửa đất tọa lạc ở vị trí trung tâm để làm rõ hơn về vấn đề này.
Thực hư giá đất Đà Lạt 1 tỷ đồng/m2?
Bàn về trường hợp đất Đà Lạt được rao bán với giá 400-500 triệu đồng/m2, thậm chí lên tới 1 tỷ đồng mỗi m2, Phụ trách Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng), ông Nguyễn Minh Thuần cho biết, đây không phải là mức giá phổ biến của nhà đất nơi đây.
Ông Thuần khẳng định: "400 triệu, 500 triệu hay 1 tỷ đồng/m2 không phải là mức giá phổ biến trên thị trường, tức là nó không xuất hiện với tần suất nhiều nhất trong các giao dịch chuyển nhượng. Nếu có thì đây cũng chỉ là một vài trường hợp cá biệt, không phù hợp với mức thu nhập và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương".
|
Giá đất Đà Lạt khu vực trung tâm tăng 6-7 lần trong nửa thập kỷ qua. (Ảnh: Lê Quân) |
Trước đó, theo tìm hiểu của phóng viên, thị trường địa ốc Đà Lạt, nhất là khu trung tâm đang có xu hướng tăng nóng về giá rao bán, bị cò đất thổi giá cao gấp 3-4 lần so với giá trị giao dịch trên thực tế. Điều này dẫn tới những xáo trộn trong chuyển nhượng, mua bán bất động sản tại thành phố. Thậm chí, các mảnh đất ở vị trí đắc địa có giá lên tới 1 tỷ đồng mỗi m2.
Thế nhưng, khi phóng viên làm việc trực tiếp với chủ đất cũng như các doanh nghiệp địa ốc lớn tại địa phương, được biết giá đất bình quân khu trung tâm Đà Lạt, quanh khu vực Hòa Bình thực tế chỉ nằm trong khoảng 180-200 triệu đồng/m2.
Giá đất Đà Lạt không dễ thay đổi
Theo đại diện Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, cơ quan chức năng địa phương cũng có trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng xáo trộn, nhiễu loạn giá đất Đà Lạt thời gian qua. Ông Thuần nhận định, giá đất Đà Lạt không dễ dàng bị thay đổi bởi giới cò đất như thông tin đã và đang được truyền thông lan truyền.
Vị này cho biết, mỗi địa phương đều có bảng giá đất, bảng hệ số điều chỉnh giá đất cụ thể. Theo biến động của thị trường, các thông số sẽ được cập nhật hàng năm. Để đưa ra mức giá giao dịch nhà đất cụ thể phải căn cứ vào bảng giá đất - vốn được xem là bản lề, là giá gốc.
Cần có 2 yếu tố để có thể điều chỉnh bảng giá đất địa phương. Một là, so với giá đất tối đa trong bảng giá đất, mức giá phổ biến trên thị trường phải tăng từ 20% trở lên hoặc giảm từ 20% khi đối sánh với giá đất tối thiểu. Hai là, sự thay đổi phải diễn ra liên trong trong vòng từ 180 ngày trở lên. Nếu có sự điều chỉnh về quy hoạch thì giá đất cũng có thể thay đổi.
Nội dung Quyết định 69/2014/QĐ-UNBD được ban hành bởi UBND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ, TP. Đà Lạt có nhiệm vụ cập nhật thông tin khi thị trường có biến động về giá, làm rõ, báo cáo cơ quan chức năng và kiến nghị điều chỉnh hệ số hoặc bảng giá đất cho phù hợp. Các cơ quan chức năng sau đó thẩm định lại giá đất trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Minh Thuần, cơ quan chức năng luôn luôn phối hợp để khảo sát và đánh giá chính xác giá đất nhằm đưa ra mức giá ổn định, phù hợp với điều kiện từng địa phương cũng như cộng đồng dân cư.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm: "Nếu điều chỉnh giá không khéo léo, không cân đối với thị trường sẽ dẫn đến phá vỡ mặt bằng thị trường". Ông Thuần thông tin, Sở đang xây dựng bảng giá đất của tỉnh giai đoạn 2020-2024 sao cho phù hợp với thực tế. Vào ngày 1/1/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ chính thức công bố bảng giá đất mới.