SearchNews

Ngân hàng siết tín dụng, bất động sản năm 2020 có lo đói vốn?

19/12/2019 08:19

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản năm 2020, hiện các doanh nghiệp địa ốc đang tích cực chủ động huy động nhiều nguồn vốn khác nhau.

Trước động thái kiểm soát chặt hơn tín dụng vào lĩnh vực nhà đất của Ngân hàng Nhà nước, hiện có nhiều luồng ý kiến về dòng vốn rót vào thị trường bất động sản năm 2020. Thế nhưng, các doanh nghiệp trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực này lại có những góc nhìn tích cực hơn về dòng tiền trong năm sau.

Ngân hàng thương mại vẫn dồi dào dòng tiền?

Tham gia một diễn đàn về bất động sản hồi cuối tháng 11/2019, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, thị trường địa ốc năm 2020 đối mặt với nhiều thách thức, gồm cả dòng tiền rót vào kênh đầu tư này.

Theo ông Nam, trong năm tới, doanh nghiệp kinh doanh nhà đất sẽ gặp khó khăn hơn trong tiếp cận nguồn vốn bởi tín dụng ngân hàng cho bất động sản ngày càng bị siết chặt. Minh chứng là, lãi suất tiếp tục tăng cao với lãi suất huy động 8,7% cộng biên độ 3% thì mức lãi lên tới 11-12%. Bên cạnh đó, hệ số rủi ro với các khoản cho vay bất động sản tăng lên 200% thay vì 150% như trước; vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm cồn 40%...

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Landora Group cho biết, hiện các ngân hàng thương mại đang có dòng tiền dồi dào, dòng tiền vào khá lớn song đã hết "room" cho vay dài hạn bất động sản.

Ông Hà chia sẻ: "Mấy tháng cuối năm nay tôi nhận được thông tin ít nhất từ 2 ngân hàng muốn giải ngân nhanh cho nguồn tiền đang "kẹt". Tháng 11 vừa qua nhiều ngân hàng vẫn đang tìm cách để giải ngân".

Lãnh đạo Landora Group nhận định, room tín dụng của các ngân hàng thương mại trong năm 2020 được kiểm tra nghiêm túc và khá đầy đủ nhưng doanh nghiệp địa ốc không vì thế mà gặp khó về vốn. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng nguồn huy động vốn từ quỹ đầu tư bất động sản ngoại, trái phiếu doanh nghiệp... Mặt khác, thị trường địa ốc đón nhận dòng tiền lành mạnh từ kiều hối (năm 2019 ước tính trên 16 tỷ USD), nhà đầu tư cá nhân, nguồn tích lũy khác...

"Người dân Việt có thói quen tích lũy là bất động sản bởi thực tế các lĩnh vực tài chính, đầu tư chứng khoán hay các ngành sản xuất khác không phải ai cũng sành sỏi, thành thạo, có thế mạnh nên bất động sản vẫn là lựa chọn ưu tiên", doanh nhân này đánh giá.

Hình ảnh hai người đàn ông mặc áo trắng, đội mũ cam đang chỉ tay về phía những tòa nhà cao tầng đang trong quá trình hoàn thiện
Dòng vốn cho thị trường bất động sản năm 2020 đang là vấn đề được giới chuyên gia, nhà đầu tư và cả khách hàng quan tâm. 

Ông Hà cho rằng, người dân trong năm 2020 vẫn sẽ rót tiền vào nhà đất vì dường như thị trường địa ốc Việt đã thoát chu kỳ 10 năm suy thoái. Chưa kể, những biến động về kinh tế, chính trị thế giới cũng tạo ra những điều thuận lợi cho Việt Nam phát triển. Trong năm 2020, Việt Nam được giới đầu tư nước ngoài đánh giá là một trong 10 thị trường triển vọng nhất.

Theo dự báo của Chủ tịch Landora Group: "Dòng tiền trong dân luôn sẵn có, bằng chứng là các ngân hàng nhận được rất nhiều nguồn gửi nhưng thực tế thì lãi suất gửi ngắn hạn hiện khá thấp. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại lại đang khá dồi dào về vốn nên xu hướng chung là dân sẽ rút tiền để đầu tư bất động sản".

Không còn quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng

Có cùng quan điểm với ông Nguyễn Mạnh Hà, ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Chủ tịch HĐQT Hải Phát Land cho hay, hiện vẫn còn khá nhiều ý kiến trái chiều về thị trường bất động sản năm 2019. Một số ý kiến cho rằng thị trường vẫn đang phát triển ổn định và có xu hướng đi lên. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đánh giá thị trường đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong các tháng cuối năm nay.

Vậy nhưng, theo ông Nguyễn Quốc Huy, so với giai đoạn 2011-2012, thị trường đã được điều chỉnh theo chiều hướng tích cực hơn nhiều. Do đó, dù thị trường phát triển tốt hay có màu tối một chút thì chúng ta vẫn có thể lạc quan. Thị trường sẽ có sức đề kháng tốt hơn khi có các chính sách, kinh nghiệm quản lý, điều hành tốt hơn trước.

Ông Huy cho biết: "Trong năm 2019 dù có những tín hiệu không được khả quan lắm nhưng đó lại là cơ hội cho các doanh nghiệp tìm hướng đi mới bền vững hơn cho mình và cả thị trường.

Nếu như tài chính là dòng máu thì bất động sản là xương sống. Bất động sản mà thiếu tài chính thì chắc chắn sẽ khó khăn. Các doanh nghiệp bất động sản hiện nay cũng khá chú ý đến việc đa dạng hóa các dòng vốn".

Trước đây, phần lớn các dự án đều phải nhờ cậy dòng vốn ngân hàng, khách hàng. Với Thông tư 22 vừa được ban hành, Ngân hàng Nhà nước siết chặt hơn nữa tín dụng bất động sản. Trong bối cảnh đó. không ít doanh nghiệp địa ốc đang chủ động huy động vốn từ nhiều kênh khác nhau như từ người dân, hợp tác với đối tác ngoại, phát hành trái phiếu... Có thể nói, khi không quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng cũng là cơ hội, bước tiến mới cho các doanh nghiệp địa ốc.

Động thái siết tín dụng của cơ quan quản lý có thể chỉ gây khó khăn có những doanh nghiệp không chủ động huy động vốn từ những kênh khác. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp có sẵn chiến lược về tín dụng, động thái này lại trở thành lợi thế.

Hiện tại, thị trường địa ốc Việt được đánh giá là đang rất hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài. Đã có khá nhiều dự án được triển khai dựa trên M&A với các tập đoàn quốc tế, điển hình là dự án thành phố thông minh hơn 4 tỷ USD tại huyện Đông Anh, TP.HCM.

Ông Huy cho rằng, nguồn vốn ngoại sẽ tiếp tục gia tăng khi biên lợi nhuận của thị trường bất động sản Việt Nam cao hơn so với các quốc gia trong khu vực. Vấn đề là, dòng vốn vào có hấp thụ được hay không, làm sao để kiếm được đối tác phù hợp... hay chỉ vẫn là chính sách "bế quan tỏa cảng".

Theo giới chuyên gia, lượng vốn trong dân rất lớn, quan trọng là phải làm cho dân thấy được cái lợi của việc rót vốn đầu nhà đất hơn là gửi tiết kiệm ngân hàng, làm sao để người dân gửi gắm đồng tiền của mình.

Bàn về việc lãi suất cho vay bất động sản có thể là rào cản của thị trường bất động sản năm 2020, lãnh đạo Hải Phát Land cho hay, lãi suất khó có thể nói là cao thấp vì nó phụ thuộc vào hiệu quả đầu tư, kinh doanh của từng doanh nghiệp cụ thể. Mức lãi suất có thể cao với doanh nghiệp này nhưng lại thấp với công ty có dự án kinh doanh tốt.

Đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp địa ốc, ông Huy cho rằng phải xem người phát hành là ai, mức lãi suất có khả thi với doanh nghiệp phát hành.

Chính sách tiền tệ cần linh hoạt, uyển chuyển

Về dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản năm 2020, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, kinh tế Việt Nam hiện tăng trưởng nhanh và khá ổn định nên thị trường địa ốc được dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong năm tới.

Dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản Việt Nam trong 2 năm qua được duy trì tốt. Mặt khác, lượng kiều hối đổ về cũng khá lớn và chủ yếu sử dụng đầu tư nhà đất. Trong năm nay, hoạt động tín dụng cũng tăng trưởng khả quan.

Theo ông Đính: "Trong 2020 có thể Chính phủ sẽ có sự điều chỉnh theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng theo cảm nhận cá nhân tôi năm tới không đến mức khó khăn về vốn cho thị trường".

Lãnh đạo Hội Môi giới cho rằng, động thái siết tín dụng bất động sản là chủ trương đúng nhưng chúng ta không phải quá sợ hãi hay quá cẩn trọng bởi vẫn cần sử dụng nguồn vốn này để phát triển. Vì vậy, cơ quan quản lý nên có sự linh hoạt, uyển chuyển, lúc siết chặt, lúc cần phải nới lỏng.

Đặc biệt, để thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn ngoại, chúng ta phải khẩn trương giải quyết các thủ tục cấp phép, đầu tư cũng như những chính sách cởi mở hơn nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

Xêm thêm: 

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu