Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đa ngành nghề đang đổ bộ vào thị trường địa ốc. Việc làm này xuất phát từ việc tận dụng mặt bằng sẵn có, nhưng cũng hướng tới mục đích tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu.
Công ty đường Biên Hòa riêng quỹ đất công ty quản lý tại Khu công nghiệp Biên Hoà I trên 20 ha, trong đó trên 4 ha diện tích còn trống. Và tại Tây Ninh là 1.063 ha, trong đó tại thị xã là 15 ha. Đất được hội đồng quản trị công ty xem là thế mạnh “và phải nhanh chóng phát huy để các nhà đầu tư tham gia”. Chính vì vậy, Đường Biên Hòa đã xây dựng định hướng phát triển của công ty là xây dựng và kinh doanh kho cho thuê, triển khai và tham gia các dự án xây dựng khu dân cư và kinh doanh bất động sản.
Công ty Vận tải xăng dầu Vipco cũng sắp hoàn thành đầu tư một cao ốc trong năm nay tại Hải Phòng, và có kế hoạch tiếp tục xây dựng thêm cao ốc 25 tầng nữa từ năm 2010 đến 2012. Công ty Cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương cũng đang chuẩn bị mặt bằng xây dựng cao ốc văn phòng ở 172 Hai Bà Trưng, quận 1 (TP HCM) và sẽ đăng ký bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh, khai thác, cho thuê khu trung tâm thương mại và văn phòng.
Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam vừa góp vốn thành lập liên doanh Daewon - SSC để khai thác khu đất 282 Lê Văn Sỹ của công ty. Khu đất này sẽ được xây dựng thành tổ hợp chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại.
Công ty Kinh Đô cũng không còn là một Kinh Đô bánh thuần túy, mà đã có những đầu tư lớn vào lĩnh vực địa ốc. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kinh Đô cho biết: “Xu hướng chuyển hướng này sẽ tiếp tục. Bởi trong tương lai, chúng tôi muốn tiếp tục có những tăng trưởng bền vững, và không thể chỉ dựa vào thị trường bánh.
Ngoài việc kinh doanh địa ốc, hàng loạt các công ty chuẩn bị huy động vốn cổ đông để mở rộng mặt bằng kinh doanh, xây dựng nhà xưởng, cũng sẽ gây tác động đến thị trường địa ốc.
Hướng tới tăng giá trị trên thị trường chứng khoán
Ông Huy Nam, chuyên viên kinh tế và thị trường chứng khoán nhận xét: “Nên củng cố hoạt động tổ chức công ty. Vì người ta mua cổ phiếu là nhắm lĩnh vực công ty đang hoạt động, không phải nhắm những cơ hội nhất thời. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa ngành nghề là tốt, nếu doanh nghiệp biết cân nhắc, đủ lực để đi theo lâu dài, chuyên nghiệp”.
Sự quan tâm của công chúng đến các công ty lúc khởi đầu cổ phần hóa có phần là sự nhắm đến mặt bằng đất đai nhà xưởng mà công ty đó nắm giữ. Và nay là thời điểm những diện tích đất này được đưa ra khai thác. Với sự ủng hộ của công chúng (về vốn), những dự án của các công ty này sẽ được triển khai trên thực tế thành những cao ốc, khu nhà ở thực sự... chứ không chỉ là những dự án trên giấy như trước đây.
Ông Võ Đình Quốc, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc ACB nói: “Xét trên khía cạnh này, thị trường chứng khoán đã tác động tích cực đến thị trường địa ốc. Nhà đầu tư không phải trực tiếp đi mua đất để đầu tư. Mà có thể đầu tư gián tiếp vào địa ốc thông qua thị trường chứng khoán một cách đơn giản, nơi thông tin được minh bạch hóa. Ở ta, tình hình chưa rõ nét. Nhưng về lâu lài, sức khỏe thị trường bất động sản sẽ phải được thể hiện trên thị giá của các cổ phiếu bất động sản”.
Ông Tô Thanh Tùng, cổ đông Savimex góp ý với Hội đồng Quản trị Công ty: “TP HCM nhiều nơi có đất trống, tại sao công ty không đi thảo luận với chủ đất để làm dự án? Tòa nhà 194 Nguyễn Công Trứ (của Savimex) cũng có thể sử dụng để cho công ty chứng khoán thuê”. Góp ý của cổ đông này không đề cập gì đến lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu và đồ gỗ của Savimex, mà chỉ nói về đầu tư địa ốc và tài chính.
Quan tâm của cổ đông đến lĩnh vực địa ốc của Savimex là dễ hiểu, khi mà khởi đầu là kinh doanh xuất nhập khẩu và đồ gỗ, nhưng kinh doanh địa ốc ngày càng phình to trong cơ cấu doanh thu của Savimex. Năm 2006 doanh thu địa ốc của Savimex đạt 85,1 tỷ đồng, chiếm gần 18% tổng doanh thu.
Nhưng số liệu này chưa thể hiện hết quy mô kinh doanh địa ốc của Savimex bởi họ còn đang ôm hàng loạt dự án đã và sẽ cho doanh thu như khu dân cư phường Phú Mỹ, khu dân cư Bình Hòa, cao ốc Nguyễn Phúc Nguyên, chung cư Ngọc Lan, khu dân cư Tân Thới Hiệp...
Cùng có xuất phát như Savimex là Ree. Khởi đầu là lĩnh vực cơ điện lạnh, nhưng nay các cổ đông trên thị trường chứng khoán đều biết đến REE như một nhà kinh doanh địa ốc chuyên nghiệp. Gần đây, REE đã có hàng loạt khởi động mới trong lĩnh vực địa ốc như đầu tư vào Công ty Cổ phần Vùng đất REE - Chương Dương. Góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Thủy điện R.E.E và... không quên gắn thêm chức năng đầu tư xây dựng, kinh doanh địa ốc vào cho công ty này.
(Theo SGTT)