Hầu hết các nhà đầu tư chỉ mở bán để công bố điều chỉnh giá hoặc chính sách bán hàng mới. Động thái này khiến cho giá bán tăng đáng kể. Qua khảo sát, giá bán ở một số dự án đã tăng tầm 5 - 7% so với tháng đầu năm, giá bán thứ cấp cũng lên khoảng 10 - 15%. Ở thị trường Hà Nội, bất động sản đang phân hóa mạnh: Những chính sách vĩ mô trong thời gian gần đây khiến thanh khoản BĐS chững lại, một số dự án hầu như không có giao dịch.
Nguồn cung BĐS mới hạn chế trong tháng 5 (ảnh minh họa)
Tuy nhiên tình trạng sốt vẫn diễn ra ở một số dự án cho thấy bức tranh thị trường đang thiếu hụt ở những phân khúc nào và khách hàng đang cần gì ở các chủ đầu tư. Sức mua vẫn tăng nhẹ so với tháng trước do một số dự án mở bán thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng.
Trong tháng 5, thị trường cũng ghi nhận hàng loạt các sự kiện mở bán căn hộ trung cấp được công bố đặc biệt là những ngày cuối tháng. Động thái giảm lãi suất huy động của ngân hàng có thể sẽ giúp lãi suất vay trong thời gian tới giảm nhẹ, tác động tốt đến tâm lý khách hàng, giúp cho giao dịch thị trường chuyển biến tích cực.
Theo nhận định của VNREA, các dự án căn hộ hiện nay có khung giá vừa phải, khoảng dưới 1 tỷ đồng, hợp túi tiền với người có thu nhập trung bình nhưng lại chưa hội tụ đủ các yếu tố tiện ích, chất lượng xây dựng hay quy hoạch tổng thể về hạ tầng, an ninh.
Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án BĐS bị ngân hàng siết nợ khiến người mua nhà thận trọng hơn. Ngoài ra, hầu hết các dự án BĐS rao bán thời điểm này đều nhận được sự hỗ trợ, bảo lãnh từ ngân hàng, giúp khách hàng có điều kiện mua nhà dễ dàng hơn và niềm tin vào dự án được củng cố hơn.
Báo cáo của VNREA nhấn mạnh: “Nếu 4 tháng đầu năm 2016, thị trường đất nền, nhà phố vẫn im hơi lặng tiếng thì trong tháng 5, phân khúc này đã dần lấy lại phong độ. Khu vực Hà Đông có lượng khách mua tăng đáng kể. Giá bán tặng cả ở thị trường sơ cấp và thứ cấp. Quỹ đất hạn chế cộng thêm việc tăng giá liên tục sẽ tạo đà cho giao dịch đất nền, căn hộ tầm trung tiếp tục sôi động trong những tháng tiếp theo”.