Theo Phó Tổng giám đốc Công ty Netland, ông Nguyễn Hữu Quang, phần lớn người Việt Nam thường có thái độ dè dặt khi tiếp cận với bất động sản sở hữu có thời hạn bởi tâm lý sở hữu nhà đất lâu dài đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Ngoài hạn chế về thời gian sở hữu thì tính pháp lý của dòng sản phẩm này cũng chưa rõ ràng khiến người mua quan ngại hơn. Chẳng hạn, khách hàng vẫn băn khoăn về việc sau thời hạn sở hữu ban đầu thì có được gia hạn hay không, thời gian gia hạn là bao nhiêu năm. Chướng ngại vật này khiến người mua trở nên thận trọng hơn khi đưa quyết định xuống tiền đầu tư.
Cũng theo chuyên gia này, phần lớn loại hình bất động sản nói trên chỉ có chức năng lưu trú ngắn ngày nên nhà đầu tư băn khoăn về việc sản phẩm có chức năng lưu trú lâu dài hay không. Như vậy, đối với bất động sản sở hữu có thời hạn, người mua không chỉ có mối quan ngại về thời hạn sở hữu.
|
Phần lớn nhà đầu tư Việt Nam vẫn còn e ngại khi xuống tiền mua bất động sản sở hữu có thời hạn. (Ảnh minh họa, nguồn: Dân trí) |
Trong khi đó, theo Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, bà Dương Thùy Dung, bên cạnh bất động sản sở hữu lâu dài (nhà phố, biệt thự, căn hộ), những sản phẩm bất động sản sở hữu có thời hạn (condotel, officetel) cũng phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.
Người Việt hiện vẫn chuộng nhà đất sở hữu lâu dài nên trên thị trường sức tiêu thụ của loại hình này vẫn rất cao. Nhà ở sở hữu vĩnh viễn là xu hướng tiêu dùng của cả nhà đầu tư lẫn người mua để ở. Thế nhưng, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng dự án bất động sản sở hữu lâu dài chào bán trong nửa đầu năm 2019 sụt giảm mạnh. Giới đầu tư bắt đầu quan tâm tới dòng sản phẩm sở hữu có thời hạn.
Với phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ khách sạn, khách hàng chủ yếu mua để đầu tư. Thị trường Hà Nội và TP.HCM còn có loại hình sản phẩm officetel (lai giữa căn hộ và văn phòng). Tuy nhiên, đây là dòng sản phẩm còn nhiều vấn đề về sở hữu. Trong khi đa số người mua vẫn còn dè dặt thì một bộ phận nhà đầu tư đã quen với việc sở hữu sản phẩm bất động sản có thời hạn 50 năm.
Bà Dương Thùy Dung cho rằng, khi tiếp cận bất động sản sở hữu có thời hạn, nhà đầu tư coi trọng nhất yếu tố pháp lý. Vấn đề này có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như sở hữu có thời hạn là bao nhiêu năm, 30 năm hay 50 năm? Thời hạn sở hữu có được kéo dài? Để kéo dài thời gian sở hữu thì chi phí bỏ ra là bao nhiêu? Trong hợp đồng có thể hiện rõ yếu tố pháp lý? Những câu hỏi tiếp theo liên quan tới yếu tố tài chính như giá bán, phương thức thanh toán, thuế, lợi nhuận cho thuê, khả năng gia tăng giá trị tài sản, hỗ trợ từ phía ngân hàng...
Mặt khác, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cam kết lợi nhuận cao của chủ đầu tư được xem là giải pháp tốt nhất để nhà đầu tư đón nhận bất động sản có thời hạn sở hữu. Rót tiền vào sản phẩm có thời hạn, nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn liên quan tới yếu tố pháp lý và hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư. Thế nên, chủ đầu tư cần có cam kết lợi nhuận hấp dẫn nhằm gia tăng sức hút cho bất động sản sở hữu có thời hạn.