SearchNews

Nhà đầu tư “khóc ròng” vì không đủ tiền theo tiến độ dự án

24/06/2020 14:03

Dân đầu tư BĐS bắt đầu đuối tài chính vì phải chạy theo tiến độ dự án, việc chấp nhận sang nhượng không lời là biện pháp thực tế để tránh áp lực phải chi trả cho khoản đầu tư đang đến hạn.

Đặt chỗ và thanh toán gần 10% chi phí cho 2 căn hộ thuộc một dự án chung cư trung cấp nằm trên địa bàn TP. Dĩ An, giáp ranh Thủ Đức, TP.HCM, anh P.D. Phát Đạt, một nhà đầu tư sống tại quận 5, TP.HCM cho biết đang tìm cách sang nhượng do không theo nổi tiến độ thanh toán của dự án. Được biết mỗi căn hộ anh đang đầu tư có giá 1,6 tỷ đồng (chưa gồm VAT). 

Vào thời điểm tháng 1/2020 anh Đạt đã đóng trước cho chủ đầu tư 10% để ra HĐ giữ chỗ (tương đương 320 triệu cho 2 căn). Đến cuối tháng 6 này anh sẽ phải thanh toán thêm 30% để ra hợp đồng mua bán, vị chi là đóng thêm 960 triệu cho 2 căn. Anh Đạt cho biết nếu không gặp khó khăn kinh tế thì với chi phí khoảng 1 tỷ đổ lại anh vẫn có thể cầm cự được. Giờ đây việc dự án hoàn thành tiến độ xây dựng tốt lại trở thành áp lực lớn khi anh không thể xoay sở kịp tiền thanh toán. Cụ thể, sau mỗi 2 tầng xây dựng, anh sẽ phải đóng vào tầm 5%, trung bình khoảng 80 triệu/lần thanh toán. Do dự án xây nhanh nên cứ 2 tháng nhà đầu tư phải thanh toán một lần, áp lực tài chính ngày một tăng. 

Chia sẻ với Batdongsan.com.vn, anh Đạt cho biết thêm: “Nếu là trước đây tôi sẽ không phải lo lắng vì nguồn thu từ lương và cho thuê nhà của gia đình rất ổn định. Nhưng giờ thì phải gánh một lúc hai căn hộ trong tình trạng kinh tế khó khăn, việc kinh doanh ảnh hưởng nặng nề. Căn hộ tại quận 7 gia đình đang cho thuê hiện đang để trống. Nếu cứ 2-3 tháng lại phải thanh toán gần 160 triệu thì tôi không cách nào theo được với tình hình tài chính hiện nay”. Lựa chọn duy nhất của anh lúc này là sang nhượng lại một trong hai căn và phải chấp nhận bán lại giá gốc nếu muốn bán nhanh. Nhưng dù vậy cũng không dễ để chốt được giao dịch trong một sớm một chiều.

Cùng hoàn cảnh không đủ tài chính nuôi khoản đầu tư, ông Phan Văn Dũng, một nhà đầu tư căn hộ quận 7 phải bán ra với giá giảm gần 10% khoản thanh toán thay vì bán giá gốc như anh Đạt. Ông Dũng cho biết, theo dự kiến thì trong quý 3 tới đây, căn hộ cao cấp có giá gần 3,5 tỷ đồng trên địa bàn quận 7 mà ông đã đầu tư từ năm 2019 sẽ cất nóc và vào 2021 sẽ bàn giao nhà. Với tình hình kinh doanh khá ổn định của gia đình mình trước đó, ông Dũng hoàn toàn tự tin sẽ duy trì suất đầu tư cho đến khi bàn giao nhà và nhận về khoản chênh lệch từ 10-15% tổng giá trị. 

Tuy nhiên từ tháng 3/2020 đến nay, nhà đầu tư này phải xin gia hạn thanh toán do không thể xoay tiền đóng thêm 10% cho một kỳ thanh toán gần nhất (khoảng tầm 350 triệu). Nếu theo đúng tiến độ (dự kiến là đầu tháng 7), ông Dũng sẽ phải thanh toán thêm 20% giá trị sản phẩm khi dự án cất nóc. Tính thêm cả khoản 350 triệu trước đó, chi phí mà ông cần thanh toán lên đến hơn tỷ đồng. 

ảnh chụp một dự án bất động sản đang triển khai theo tiến độ.
Ảnh hưởng từ tình hình kinh tế chung sau dịch khiến nhiều nhà đầu tư chịu áp lực tài chính lớn. Ảnh minh họa

Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, tình hình kinh doanh khó khăn khiến không ít nhà đầu tư buộc phải bán lúa non dù muốn hay không. Tổng thu nhập bị giảm sút khiến rất nhiều người buộc phải cắt giảm lợi nhuận, thậm chí giảm giá gốc để nhanh chóng ra hàng vì không kham nổi các khoản thanh toán đang đến kỳ hạn. Nhiều chủ hộ dù nguồn tiền vẫn còn nhưng để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh dài hạn hay trả nợ ngân hàng nên không thể duy trì đầu tư vào BĐS như dự kiến trước đó. 

Thực tế, trên các trang mạng xã hội, rao bán nhà đất cũng đã xuất hiện những thông tin rao bán cắt lỗ, cần tiền bán nhà gấp, giải cứu chủ nhà mùa Covid-19. Nhiều người rao bán giảm giá từ 100 đến 200 triệu đồng/căn hộ trong một thời gian dài nhưng vẫn chưa tìm được người mua. 

Tình trạng rao bán lại không chỉ diễn ra trong giới đầu cơ mà ngay cả khách hàng mua ở thực cũng có một số người phải chào bán lại căn hộ mình mua vì vì áp lực tài chính. Những căn nhà này thường được giảm từ 5-10% so với giá rao trước đó. 

Theo anh Hồ Phước Đông, môi giới nhà đất tại khu Đông, từ cuối tháng 4 đã có nhiều trường hợp khách hàng F1 giảm tiền chênh lệch sang tay 100-150 triệu đồng vì không thể thanh toán tiếp. “Trước kia mua nhà sợ nhất là chủ đầu tư chây ì xây dựng, đợi mãi mà không nhận được nhà. Giờ thì nhiều khách lại sợ chủ đầu tư xây nhanh quá không đủ khả năng thanh toán như cam kết”, anh Đông chia sẻ.

Lãnh đạo một công ty BĐS tại TP.HCM nhìn nhận, thị trường nhà đất đang trong giai đoạn khó khăn. Nguồn vốn vào BĐS dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi tác động chung từ suy giảm kinh tế và chính sách thắt chặt tín dụng của khối ngân hàng. Khi nhà đầu tư thứ cấp không chịu nổi gánh nặng chi phí, buộc phải giảm giá sản phẩm sâu hơn và tất yếu xuất hiện tình trạng sang nhượng giá gốc. Tuy nhiên động thái này chỉ mang tính cục bộ, chủ yếu với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính và chỉ diễn ra ở một số phân khúc, nguồn hàng nhất định. Nhìn chung, thị trường vẫn phát triển ổn định và khó có khả năng diễn ra suy thoái trên diện rộng.

Đối với các nhà đầu tư, giới chuyên gia đưa ra lời khuyên, bên cạnh việc tìm kiếm những sản phẩm trong tầm tài chính phù hợp, cũng nên cân nhắc các dự án có chính sách thanh toán “dễ thở”. Chính sách thanh toán linh hoạt được cho là một trong những yếu tố quyết định thành công của các dự án chào bán trong thời gian tới.  

 

Phương Uyên

>> 4 sai lầm phổ biến khiến nhà đầu tư BĐS "ném tiền qua cửa sổ"

>> Nhà đầu tư đổ về Đức Hòa, Long An săn đất

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu