SearchNews

Thông tin tổng quan huyện Ba Vì, TP. Hà Nội

06/06/2022 13:27

Huyện Ba Vì được ví là "lá phổi xanh" của Thủ đô Hà Nội, nơi có phong cảnh hữu tình, thảm thực vật đa dạng, hệ sinh thái phong phú - thuận lợi để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Thị trường bất động sản nơi đây vì thế cũng đang ấm dần lên, thu hút giới đầu tư địa ốc.

Bài viết giới thiệu thông tin tổng quan của huyện Ba Vì, TP. Hà Nội về vị trí địa lý, hành chính, kinh tế, giao thông, hạ tầng và tình hình thị trường bất động sản Ba Vì những năm gần đây.

1. Vị trí địa lý

Ba Vì Hà Nội là huyện bán sơn địa, tọa lạc ở phía Tây Bắc của Thủ đô. Trung tâm của huyện cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 50km. Phạm vi ranh giới của Ba Vì cụ thể như sau:

  • Phía Bắc huyện Ba Vì tiếp giáp TP, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, ranh giới tự nhiên là sông Hồng.

  • Phía Nam huyện Ba Vì tiếp giáp huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội và TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

  • Phía Đông huyện Ba Vì tiếp giáp thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội và huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

  • Phía Tây huyện Ba Vì tiếp giáp các huyện Thanh Thủy, Tam Nông, Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ, ranh giới tự nhiên là sông Đà và sông Hồng.

2. Địa hình - Khí hậu

Ba Vì là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất TP. Hà Nội với khoảng 42.402,7 ha. Xét về địa hình, huyện Ba Vì là một trong các huyện bán sơn địa với 24 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bằng và 7 xã miền núi thuộc vùng núi Ba Vì. Địa hình huyện thấp dần từ phía Tây Nam sang Đông Bắc, gồm 3 tiểu vùng: Vùng núi, vùng đồi và vùng đồng bằng ven sông Hồng.

Dãy núi Ba Vì có nhiều ngọn núi nổi tiếng như đỉnh Tản Viên với độ cao 1.281m, đỉnh Núi Vua 1296m. Ba Vì có nhiều hồ đập, khá lớn như hồ Đồng Mô, hồ Suối Hai. Các hồ nhân tạo này nằm ở đầu nguồn sông Tích chảy về thị xã Sơn Tây và một số huyện phía Tây Hà Nội trước khi đổ vào sông Đáy.

Huyện có 2 nhóm đất: Nhóm đất vùng đồi núi chiếm 58,9% tổng diện tích đất với 18.478 ha; nhóm đất vùng đồng bằng chiếm 41,1% với  12.892 ha.

Ba Vì thuộc vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 - 10, nền nhiệt trung bình 23 độ C. Lượng mưa các tháng đều trên 100mm, tháng 8 mưa lớn nhất. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11, kết thúc vào tháng 3 với nhiệt độ trung bình khoảng 20 độ C. Lượng mưa các tháng dao động từ 15,0 - 64,4mm, tháng 12 mưa ít nhất.

Bản đồ hành chính huyện Ba Vì, TP. Hà Nội
Bản đồ hành chính huyện Ba Vì, TP. Hà Nội

3. Hành chính huyện Ba Vì

Huyện Ba Vì có tổng diện tích khoảng 42.402,7 ha; quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 272.000 người, dự kiến đến năm 2030 khoảng 295.000 người. Hiện tại, Ba Vì có 31 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Tây Đằng và 30 xã: Yên Bài, Vật Lại, Vạn Thắng, Vân Hòa, Tòng Bạt, Tiên Phong, Thụy An, Thuần Mỹ, Thái Hòa, Tản Lĩnh, Tản Hồng,  Sơn Đà, Phú Sơn, Phú Phương, Phú Đông, Phú Cường, Phú Châu, Phong Vân, Minh Quang, Minh Châu, Khánh Thượng, Đồng Thái, Đông Quang, Cổ Đô, Chu Minh, Châu Sơn, Cam Thượng, Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Ba Trại.

Về lịch sử hình thành, ngày 26/07/1968, huyện Ba Vì được thành lập trên cơ sở hợp nhất các huyện Quảng Oai, Tùng Thiện, Bất Bạt của tỉnh Hà Tây. Lúc bấy giờ huyện gồm 43 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Đến ngày 27/12/1975, Ba Vì thuộc tỉnh Hà Sơn Bình. Ngày 29/12/1978, huyện Ba Vì thuộc TP. Hà Nội. Tuy nhiên, Ba Vì lại trở về với tỉnh Hà Tây vào ngày 12/08/1991.

Ba Vì cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội ngày 01/08/2008. Kể từ đó, Ba Vì lại là một huyện của TP. Hà Nội với 31 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc như hiện nay. Huyện lỵ của huyện là thị trấn Tây Đằng.

4. Kinh tế

Với những lợi về về mặt địa hình, khí hậu, cảnh quan tự nhiên, huyện Ba Vì có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, du lịch và dịch vụ. Địa phương đã và đang tập trung khai thác tiềm năng du lịch, dịch vụ để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Nhắc đến Ba Vì không thể không nhắc tới các điểm du lịch nổi tiếng như Thác Đa, Khu du lịch Tản Đà, Ao Vua, hồ Suối Hai, hồ Tiên Sa, Vườn Quốc gia Ba Vì, Thiên Sơn - Suối Ngà, Đầm Long, Khoang Xanh...

Huyện chú trọng phát triển du lịch theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa hình gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, phát huy truyền thống bản sắc dân tộc. Hiện tại, Ba Vì có khá nhiều sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội, du lịch nông nghiệp, làng nghề, vui chơi thể thao.

Ngành nông nghiệp của huyện còn nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp xanh, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, rau sạch, hoa, cây cảnh, phát triển trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm (nhất là chăn nuôi bò sữa, bò thịt). Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ tăng trưởng và phát triển của huyện chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Về phát triển công nghiệp, huyện Ba Vì tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nhằm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn. Hai cụm công nghiệp tập trung Đồng Giai và Cam Thượng tiếp tục được đầu tư xay dựng, lấp đầy.

Thuộc vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi, huyện Ba Vì có rất nhiều làng nghề, ngành nghề, làng có nghề với nhiều nét đặc trưng riêng biệt như: Làng nghề thuốc nam của người Dao Hợp Sơn; làng nghề thuốc nam người Dao Yên Sơn;  làng nghề thuốc nam người Dao Hợp Nhất; làng nghề chè thôn Phú Yên; làng nghề chè Đá Chông; nghề tơ tằm ở thôn Long Phú, xã Thuần Mỹ; nghề khâu nón ở Phú Châu; nghề mộc ở Tản Hồng; nghề trồng hoa ở An Hòa, Tản Lĩnh...

Nhìn chung, kinh tế huyện Ba Vì còn chậm phát triển hơn so với các đơn vị hành chính cấp huyện khác của TP. Hà Nội bởi vị trí địa lý xa trung tâm, địa hình đồi núi nhiều...

5. Hạ tầng giao thông

Huyện Ba Vì có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đường Tản Lĩnh - Yên Bài từ trên cao
Đường Tản Lĩnh - Yên Bài từ trên cao

Đường bộ huyện Ba Vì

- Giao thông đối ngoại huyện Ba Vì: Về đường bộ, nổi bật với tuyến Quốc lộ 32 chạy qua thị trấn Tây Đắt, kết nối thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội với các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ. Đây là trục chính đô thị với quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 35m, chiều dài đoạn qua huyện Ba Vì khoảng 14,9km.

Cùng với đó là đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 đoạn qua huyện dài khoảng 26,8km, quy mô 4 làn xe; đường vành đai 5, đoạn qua huyện khoảng 2 km, quy mô 6 làn xe. 

- Các tuyến đường tỉnh, huyện, liên xã: Hiện tại, các tuyến đường tỉnh như TL411, TL412, TL413, TL414, TL415, TL412B, TL411C... đã và đang được nâng cấp cải tạo đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp III quy mô 4 làn xe, kết nối huyệ Ba Vì với các huyện, thị lân cận và các tỉnh giáp ranh. Đây cũng là những tuyến đường liên kết các cụm xã trong huyện với nhau, liên kết cụm xã với trung tâm huyện.

- Các tuyến đường tại khu vực phát triển đô thị: Tại thị trấn Tây Đằng, KĐT Tản Viên Sơn, các khu vực trung tâm cụm xã, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, nhiều tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đô thị, phù hợp quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng đã được duyệt. Các tuyến phố chính Vũ Lâm, Vân Trai, Tây Đằng, Quảng Oai, Phú Mỹ, Gò Sóc, Đông Hưng, Cống Ải, Chùa Cao cũng được nâng cấp mở rộng.

- Các nút giao thông quan trọng: 

  • Nút giao đường Hồ Chí Minh - cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình - Trục Hồ Tây - Ba Vì;

  • Nút giao đường Hồ Chí Minh-  Vành đai 5;

  • Nút đường Hồ Chí Minh - TL414;

  • Nút giao đường Hồ Chí Minh - TL413;

  • Nút giao Đường Hồ Chí Minh - TL412B.

Đường thủy huyện Ba Vì

Các tuyến vận tải đường sông được đầu tư nâng cấp để khai thác tối đa 3 tuyến sông Tích, sông Đà và sông Hồng. Hệ thống cảng Tây Đằng, cảng Chẹ, bến khách, bến bốc xếp hàng hóa phục vụ nhu cầu giao thông đường thủy, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các cầu qua sông được cải tạo nâng cấp gồm cầu Trung Hà, xây mới cầu qua sông Đà, cầu Đồng Quang, cầu qua sông Hồng (nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C) và cầu trên tuyến sông Tích.

Giao thông công cộng

Có 2 tuyến xe buýt kế cận đang hoạt động là tuyến số 19 và tuyến số 76. Huyện định hướng phát triển thêm các tuyến buýt nội huyện, đồng thời khuyến khích mở rộng dịch vụ bán công cộng như xe buýt đưa đón công nhân, học sinh. Hệ thống xe buýt kết nối trung tâm cụm xã, thị trấn, khu du lịch nghỉ dưỡng, góp phần khai thác tối đa tiềm năng du lịch của địa phương.

6. Văn hóa

Ba Vì là vùng đất cổ có truyền thống văn hóa lâu đời, đặc trưng bởi 3 dân tộc Kinh, Mường Dao. Văn hóa dân gian vật thể và phi vật thể của huyện độc đáo, với nhiều phong tục tập quán riêng biệt. Nhắc tới Ba Vì không thể không nhắc tới huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh, Đệ nhất Phúc Thần Tản Viên.

Huyện còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị như cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh; Đình Chu Quyến; Đình Tây Đằng; Đền thờ Bác Hồ; Khu di tích lịch sử K9. Ba Vì được biết đến với nhiều điểm du lịch nổi tiếng: Khoang Xanh - Suối Tiên; Thung lũng Bản Xôi; Vườn Quốc gia Ba Vì; Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam...

Vườn Quốc gia Ba Vì được xem là "lá phổi xanh" của Thủ đô Hà Nội
Vườn Quốc gia Ba Vì được xem là "lá phổi xanh" của Thủ đô Hà Nội

7. Giáo dục 

Trên địa bàn huyện Ba Vì có tổng cộng 113 trường học, trong đó có 111 trường công lập và 2 trường tư thục. Hệ thống các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT đã và đang được cải tạo mở rộng để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đầu tư vào hệ thống đào tạo và dạy nghề. Phát triển các cơ sở dạy nghè, trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp cho người lao động.

8. Y tế huyện Ba Vì

Toàn huyện có 2 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Ba Vì và Bệnh viện Đa khoa khu vực Tản Lĩnh. Huyện Ba Vì đã và đang đầu tư xây dựng, nâng cấp các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, khuyến khích hình thức xã hội hóa để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Cùng với đó, hệ thống các trạm y tế tại các xã, thị trấn thuộc huyện Ba Vì cũng được cải tạo, mở rộng. 

9. Quy hoạch đô thị

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, huyện Ba Vì thuộc khu vực hàng lang xanh, khuyến khích phát triển các hoạt động du lịch; phát triển mô hình trang trại và nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp. Đồng thời, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung cho toàn đô thị, nhất là giao thông kết nối liên đô thị.

Tại các khu vực thị trấn huyện, đô thị sẽ hình thành và phát triển các trung tâm dịch vụ công cộng, công viên vui chơi giải trí, không gian xanh, dịch vụ hỗ trợ du lịch. Định hướng dịch chuyển trung tâm thị trấn ra xa đường quốc lộ, không phát triển bám dọc theo các tuyến đường chính đô thị.

Không gian đô thị của huyện Ba Vì theo quy hoạch chung gồm các khu vực sau:

Thị trấn Tây Đằng là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, thương mại, dịch vụ, văn hóa, giáo dục của huyện Ba Vì. Tập trung phát triển trục không gian hành chính - thương mại - văn hóa trên Quốc lộ 32, nối kết với trung tâm TP. Hà Nội cũng như thị xã Sơn Tây và các tỉnh phía Tây Bắc.

Bên cạnh đó, phát triển trục không gian kinh tế - du lịch theo TL412, kết nối từ cảng sông Hồng đến hồ Suối Hai. Tại khu vực nút giao giữa Quốc lộ 32 và TL412, Hình thành trung tâm hành chính huyện và thị trấn. 

Đô thị Tản Viên Sơn được xác định là trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 7 xã miền núi thuộc huyện Ba Vì. Nơi đây sẽ hình thành khu trung tâm dịch vụ hỗ trợ, quảng bá du lịch, hình thành trung tâm buôn bán thương mại, trung tâm hành chính trong tương lai.

Ngoài ra, định hướng phát triển xây dựng mới trung tâm dịch vụ, khu đô thị sinh thái trong khu vực đô thị Tản Viên Sơn và ở phía Nam thị trấn Tây Đằng hiện hữu.

10. Thị trường bất động sản Ba Vì

Với sự ưu ái của thiên nhiên và hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, Ba Vì có nhiều tiềm năng để phát triển ngành du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Nhà đất Ba Vì theo đó cũng ấm dần lên thời gian gần đây.

Trước đây, vào những năm 2008 - 2010, đất Ba Vì từng sốt nóng khi tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội, cùng với đó là thông tin sẽ có khu hành chính quy mô tập trung tại Ba Vì. Nhà đầu tư bất động sản ồ ạt đổ về đây gom mua đất, đón sóng, chờ lên giá chốt lời. Nhiều lô đất trước đó giá chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi m2 tăng lên 10 - 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi TP. Hà Nội công bố quy hoạch, giá đất giảm về mức trước thời điểm sốt nhưng không có giao dịch.

sốt đất huyện Ba Vì
Thị trường bất động sản huyện Ba Vì đang dần ấm lên trước sự nở rộ của làn sóng nghỉ dưỡng ven đô, "bỏ phố về quê".

Vài năm trở lại đây, bất động sản Ba Vì "tỉnh giấc" sau cả thập kỷ "ngủ đông". Đại dịch Covid-19 thúc đẩy sự phát triển của xu hướng "staycation" (du lịch ngắn ngày, du lịch tại chỗ) và "homecation" du lịch tại chính nơi mình sinh sống). Như cầu tìm kiếm không gian sống xanh, trong lành vùng ngoại ô thành phố của giới trung lưu, thượng lưu Hà Nội tăng vọt.

Thông tin quy hoạch phát triển Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến 2030 với quy mô lên tới 1.500 ha tiếp tục kích thích thị trường mua bán đất Ba Vì trỗi dậy. Khảo sát thực tế của Batdongsan.com.vn cho thấy, đất khu vực Thụy An, Cẩm Lĩnh (Ba Vì), Ba Trại (Tản Lĩnh) trở nên sốt nóng.

Các lô đất vị trí mặt tiền đường gần khu du lịch Suối Hai được chào bán với giá từ 6-8 triệu đồng/m2 diện tích từ 300 - 1.000m2; đất ở vị trí sâu bên trong có giá 1,2 - 2 triệu đồng/m2 diện tích từ 1 - 3 ha. Mức giá từ 3 - 5 triệu đồng/m2 đối với các lô lớn 1.000 - 2.000m2. Làn sóng săn đất xây ngôi nhà thứ hai hoặc kinh doanh homestay ở Ba Vì khiến giới cò đất, đầu nậu có cớ thổi giá đất lên cao.

Sự nở rộ của trào lưu "bỏ phố về quê", trào lưu nghỉ dưỡng ven đô đã kéo theo nhiều bất cập. Một số cá nhân, hộ gia đình ở xã Yên Bài, Phú Sơn, Tản Lĩnh đã tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư xây công trình để ở, công trình phục vụ nghỉ dưỡng, giải trí trong khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép. Đến mức, huyện Ba Vì phải cưỡng chế các biệt thự nghỉ dưỡng, công trình xây trái phép trên đất nông nghiệp.

Trước thực trạng trên, giới chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư bất động sản Ba Vì phải thật cẩn trọng trước khi quyết định rót vốn. Bởi lẽ, đất ở đây chủ yếu là đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, thậm chí chưa có sổ. Chẳng may mua phải đất thuộc diện quy hoạch, mua kiểu giấy viết tay, nhà đầu tư có thể "trắng tay".

Trao đổi với báo giới, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính nhìn nhận: "10 năm trước, khu vực Ba Vì từng xuất hiện sốt đất và trở thành nỗi ác mộng của nhiều nhà đầu tư thời kỳ đó. Thời điểm này, dù giá đất Ba Vì không phình to như 10 năm trước, tuy nhiên với tốc độ giá tăng phi mã như hiện nay cũng là một dấu hiệu cảnh báo cho nhà đầu tư cần cẩn trọng".

 

Lam Giang (TH)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu