SearchNews

Tổng quan huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội

26/05/2022 14:49

Nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, huyện Thạch Thất thuộc vùng bán sơn địa với địa hình chuyển tiếp từ đồng bằng sang đồi núi. Với hạ tầng giao thông hoàn thiện, tốc độ đô thị hóa nhanh, huyện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện Thạch Thất là vùng đất cổ với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Tên huyện nhiều lần thay đổi, theo sử sách ghi lại, đến năm 1404, huyện đổi tên thành Thạch Thất và giữ nguyên tên gọi này cho bây giờ. Thạch Thất có khá nhiều điều kiện thuận lợi về hạ tầng, giao thông, đô thị... để phát triển kinh tế xã hội.

1. Vị trí địa lý

Huyện Thạch Thất tọa lạc ở vị trí phía Tây Bắc của TP. Hà Nội. Từ huyện tới trung tâm Thủ đô khoảng 30km về phía Tây Bắc. Phạm vi ranh giới của huyện cụ thể như sau:

  • Phía Bắc huyện Thạch Thất giáp thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội
  • Phía Nam huyện Thạch Thất giáp huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội và huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
  • Phía Đông huyện Thạch Thất tiếp giáp huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội
  • Phía Tây huyện Thạch Thất giáp huyện Ba Vì, TP. Hà Nội và TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Thạch Thất Hà Tây (cũ) nằm trong vùng bán sơn địa với núi đá vôi xen kẽ đồng bằng. Khu vực này có sự chuyển tiếp giữa vùng đồi núi và trung du phía Bắc và vùng đồng bằng. Địa hình huyện nhìn chung thấp dần từ Tây sang Đông, gồm 2 dạng địa hình chính sau:

- Địa hình đồng bằng nằm ở bên bờ trái sông Tích với độ cao trung bình khoảng 3 - 10m so với mặt nước biển, khá bằng phẳng. Nơi đây còn có nhiều điểm trũng kiến tạo các hồ, đầm nhỏ.

- Địa hình đồi gò, bán sơn địa: Đây là khu vực được phát triển trên nền đá đã phong hóa, lớp đá ong nhiều nơi ở tầng sâu từ 20 - 50cm. Địa hình bán sơn địa có độ cao trung bình so vói mặt nước biển từ 10 - 15cm.

Bản đồ hành chính huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội
Bản đồ hành chính huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội

2. Hành chính huyện Thạch Thất

Huyện Thạch Thất có tổng diện tích đất tự nhiên là 202,05km2, quy mô dân số theo số liệu năm 2020 khoảng 242.786 người. Mật độ dân số khoảng 1.360 người/km2.

Hiện tại, huyện có 23 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn huyện lỵ Liên Quan và 22 xã: Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân, Thạch Xá, Thạch Hòa, Bình Phú, Cẩm Yên, Bình Yên, Canh Nậu, Cần Kiệm, Đại Đồng, Chàng Sơn, Đồng Trúc, Dị Nậu, Hương Ngải, Hạ Bằng, Hữu Bằng, Lại Thượng, Kim Quan, Phùng Xá, Phú Kim, Tân Xã.

Tên huyện Thạch Thất có nghĩa là nhà đá, trước thuộc phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Từ ngày 21/04/1965 huyện Thạch Thất thuộc tỉnh Hà Tây và sáp nhập thêm xã Tiến Xuân, An Hòa (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Ngày 27/12/1975, huyện Thạch Thất thuộc tỉnh Hà Sơn Bình với 19 xã trực thuộc. 

Từ năm 1978 - 1991, huyện Thạch Thất được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội, sau đó lại trở về lại tỉnh Hà Tây ngày 12/08/1991. Ngày 01/08/2008, huyện Thạch Thất cũng như toàn bộ tỉnh Hà Tây lại được sáp nhập vào TP. Hà Nội. Kể từ đó, huyện có 1 thị trấn và 22 xã như hiện nay.

3. Kinh tế

Kinh tế huyện Thạch Thất những năm gần đây đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Huyện đẩy mạnh chương trình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, hiệu quả. Về nông nghiệp, huyện tập trung quy hoạch sản xuất, chăn nuôi theo vùng với nhiều mô hình hiệu quả.

Bên cạnh đó, Thạch Thất cũng rất chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để khai thác và phát huy tiềm năng sẵn có. Tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh. Trên địa bàn huyện đã hình thành các khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, khu công nghiệp Bắc Phú Cát, cụm điểm công nghiệp Phùng Xá, Bình phú, khu Đại học quốc gia Hà Nội, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam... Có thể nói, lĩnh vực công nghiệp tại Thạch Thất có sự phát triển mạnh mẽ nhất tỉnh Hà Tây trước đây, nay là một trong những khu vực phát triển sôi động của TP. Hà Nội.

Kinh tế làng nghề cũng là mảng khá mạnh của huyện Thạch Thất, nơi có nhiều làng nghề nhất TP. Hà Nội hiện nay. Các làng nghề tập trung với mật độ dày đặc tại các thôn, xã của huyện.

Nghề mộc, mây tre giang đan, xây dựng, may mặc... là những ngành nghề thu hút nhiều lao động nhất, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn. Thậm chí, nhiều nhóm ngành nghề với quy mô cả xã góp phần đưa Thạch Thất trở thành đơn vị cấp huyện có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất TP. Hà Nội.

Cụ thể, huyện Thường Tín có các làng nghề tiêu biểu sau:

  • Làng nghề chế tác đá ong ở Bình Yên
  • Nghề mộc ở Dị Nậu
  • Mây tre đan Phú Hòa, Bình Xá, Thái Hòa
  • Nghề mộc dân dụng Chàng Sơn
  • Nghề mộc, may mặc ở Hữu Bằng
  • Làng nghề chè lam ở Thạch Xá
  • Làng có nghề mộc, xây dựng, dựng nhà cổ Hương Ngải
  • Phục vụ ăn uống, gia dụng, đặc sản ở Thạch Hòa

4. Hạ tầng giao thông

Trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông huyện Thạch Thất đã có những bước phát triển vượt bậc. Huyện đã hoàn thiện hơn 161km đường liên thôn, xã; nâng cấp và mở roonggj hơn 375km đường trên toàn huyện. Tại các làng xã trong huyện, đường bê tông đạt 98%.

Đại lộ Thăng Long tại huyện Thạch Thất nhìn từ trên cao
Nhiều tuyến đường huyết mạch trên địa bàn huyện Thạch Thất có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như Thủ đô Hà Nội.

- Đường bộ huyện Thạch Thất

Ba tuyến quốc lộ lớn gồm Quốc lộ 21, Quốc lộ 32 và Đại lộ Thăng Long chạy qua địa bàn huyện tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương với các vùng lân cận. Trong đó, Quốc lộ 21 đi qua xã Thạch Hòa, Bình Yên với tổng chiều dài 6km, kết nối huyện Thạch Thất với các huyện Quốc Oai, Xuân Mai và thị xã Sơn Tây. 

Quốc lộ 32 đi qua xã Đại Đồng với chiều dài 3,5km. Đại lộ Thăng Long đi qua các xã Hà Bằng, Thạch Hòa, Đồng Trúc với tổng chiều dài 6,4km, quy mô 6 - 8 làn xe, kết nối đô thị Láng Hòa Lạc với trung tâm TP. Hà Nội.

Bên cạnh đó còn có Tỉnh lộ 419 nối Quốc lộ 32 với đường Láng -  Hòa Lạc và huyện Quốc Oai. Tuyến đường có tổng chiều dài 13,5km, đi qua các xã Đại Đồng, Phú Kim, thị trấn Liên Quan, Chàng Sơn, Thạch Xá, Bình Phú và Phùng Xá.

Tỉnh lộ 420 đi qua các xã Bình Yên, Kim Quan, Phú Kim, Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu với tổng chiều dài 15,23km. Tỉnh lộ 446 đi qua các xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân dài 3km.

Các tuyến Quốc lộ 21, Quốc lộ 32 đều đã được cải tạo mở rộng lên 6 làn xe cơ giới. Dọc dải phân cách định hướng bố trí thêm đường sắt ngoại ô. Tuyến Hồ Tây - Ba Vì sẽ mở rộng lên 8 làn xe, tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ xây tuyến mới đi tách Quốc lộ 21 về phía Tây với quy mô từ 4 - 6 làn xe...

Nhiều tuyến đường huyện cũng được triển khai xây dựng, nâng cấp mở rộng để đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương. Các tuyến đường liên xã, giao thông nông thôn cũng được cải tạo, nâng cấp, đảm bảo bề mặt đường kiên cố hóa.

- Đường sắt

Theo quy hoạch giao thông TP. Hà Nội nói chung và huyện Thạch Thất nói riêng, các tuyến đường sắt đô thị sẽ được xây dựng với nhà ga tại các tuyến đường Quốc lộ 21, Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long.

- Đường thủy huyện Thạch Thất

Sông Tích sẽ được cải tạo và xây các điểm bến đậu tại các làng nghề trên địa bàn huyện Thạch Thất, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, làng nghề dọc sông Tích.

Ngoài ra, huyện cũng định hướng hình thành thêm các tuyến minibus, tuyến BRT kết nối các trung tâm cụm xã với nhau, đáp ứng nhu cầu di chuyển, giao thương của người dân.

5. Văn hóa

Thạch Thất là vùng đất có văn hóa lịch sử lâu đời, truyền thống hiếu học nổi tiếng với những danh nhân như Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan, nhà thơ Bằng Việt, nhà viết kịch Tào Mạt, võ sư Nguyễn Lộc.

Đây cũng là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân dân huyện Thạch Thất và các xã Hạ Bằng, Cần Kiệm, Hương Ngải, Lai Thượng, Cẩm Yên được trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cho đến nay, huyện vẫn lưu giữ và bảo tồn được nhiều di tích lịch sử văn hóa với tổng cộng 209 di tích có giá trị về văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật. Tiêu biểu có đình Trúc Động, chùa Tây Phương, chùa Đặng, đình Đại Đồng, chùa Kim Quan, đình Đào Viên, chùa Thôn Bến, chùa Cẩm Bảo,...

Năm 1962, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận chùa Tây Phương là Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia. Đến năm 2014, chùa Tây Phương được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Bộ tượng Phật giáo thời Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII cũng được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Huyện Thạch Thất vẫn lưu giữ được bộ môn nghệ thuật dân gian múa rối nước tại Chàng Sơn, Phú Hòa, xã Bình Phú, Thạch Xá. Vào dịp lễ hội hàng năm, các làng vẫn tổ chức biểu diễn bộ môn nghệ thuật này, là một trong những nét đặc trưng văn hóa địa phương của huyện.

6. Giáo dục

Đối với lĩnh vực giáo dục, huyện Thạch Thất đã và đang chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống trường học các cấp cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên, học sinh. Trên địa bàn huyện có hơn 70 trường học công lập với chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định.

Năm học 2020 - 2021, số học sinh tiểu học trên địa bàn huyện được đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành kiến thức đạt 96,6%; số học sinh THCS được công nhận tốt nghiệp đạt tỷ lệ 99,69%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 95% và cao hơn so với mặt bằng chung của TP. Hà Nội 1,5%.

Danh sách một số trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội

STT Trường Tiểu học Trường THCS Trường THPT
1 Tiểu học Thạch Xá THCS Bình Phú THPT Thạch Thất
2 Tiểu học Yên Trung THCS Bình Yên THPT Phùng Khắc Khoan 
3 Tiểu học Yên Bình A THCS Cẩm Yên THPT Hai Bà Trưng
4 Tiểu học Yên Bình B THCS Cần Kiệm THPT Phan Huy Chú
5 Tiểu học Bình Phú A THCS Canh Nậu THPT Bắc Lương Sơn
6 Tiểu học Bình Phú B THCS Chàng Sơn  
7 Tiểu học Bình Yên THCS Yên Bình  
8 Tiểu học Cẩm Yên THCS Yên Trung  
9 Tiểu học Cần Kiệm THCS Thạch Xá  
10 Tiểu học Minh Hà A THCS Tiến Xuân  
11 Tiểu học Minh Hà B THCS Thạch Thất  
12 Tiểu học Đại Đồng THCS Thạch Hòa  
13 Tiểu học Dồng Trúc THCS Tân Xã  
14 Tiểu học Phú Kim THCS Đại Đồng  
15 Tiểu học Phùng Xá THCS Lại Thượng  

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Thạch Thất còn có dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc với 21 dự án thành phần, quy mô khoảng 65.000 học sinh, sinh viên. Tổ hợp hai tòa nhà thuộc dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã bước vào giai đoạn hoàn thiện hạ tầng dùng chung, hoàn thành HT1 và đang triển khai hoàn thiện nội thất HT2. Dự kiến, toàn bộ cụm công trình sẽ hoàn thành vào quý 2/2022, đáp ứng 4.000 sinh viên.

Được biết, cả hai công trình HT1 và HT2 có quy mô diện tích gần tương đương với diện tích của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hiện hữu tại khu vực nội thành TP. Hà Nội. Theo thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội, trường sẽ chính thức chuyển trụ sở làm việc về Hòa Lạc, Thạch Thất từ ngày 19/05/2022.

7. Y tế

Toàn huyện Thạch Thất có gần 30 cơ sở y tế công lập, gồm Trung tâm y tế huyện Thạch Thất, Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất, Phòng khám đa khoa khu vực Yên Bình và hệ thống các trạm y tế tại các xã, thị trấn. Cùng với đó là các phòng khám tư chuyên khoa, đa khoa, các nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn.

8. Quy hoạch đô thị

Trên địa bàn huyện Thạch Thất có khá nhiều khu nhà ở, khu đô thị đã và đang hình thành, điển hình như Khu đô thị Bắc Phú Cát, Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu đô thị Vinhomes, Khu đô thị sinh thái Xanh Villas, Khu công nghệ cao Hòa Lạc... Cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị của huyện ngày càng được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện.

Theo Quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất đến năm 2030 với tỷ lệ 1/10.000, tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch là 18.459,05 ha, trong đó khu vực phát triển đô thị chiếm 10.134,05 ha. Dự báo, quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 324.200 người, đến năm 2030 khoảng 648.900 người. Huyện Thạch Thất sẽ chuyển dịch từ nông nghiệp - làng nghề sang cấu trúc đô thị vệ tinh - hành lang xanh.

Đến năm 2030, diện tích đất xây dựng khu vực đô thị đến khoảng 8.831,8 ha; diện tích đất xây dựng khu vực nông thôn khoảng 2.473,9 ha. Các đô thị tại trên địa bàn huyện Thạch Thất theo quy hoạch gồm:

- Thị trấn Liên Quan: Đây sẽ là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế thương mại, văn hóa, thể dục thể thao huyện Thạch Thất; được định hướng phát triển theo mô hình sinh thái mật độ thấp, mở rộng không gian về phía Nam xã Kim Quan, nối kết với tuyến đường Bắc Nam.

- Khu vực thuộc đô thị vệ tinh Hòa Lạc: Tổng diện tích đất tự nhiên dự kiến khoảng 9.383,2 ha, thuộc địa giới hành chính các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, Tân Xã, Thạch Hòa và một phần xã Đồng Trúc, Hạ Bằng.

Theo hoạch được duyệt, khu vực này là trung tâm khoa học - công nghệ cao của quốc gia với trọng tâm là khu công nghệ cao Hà Nội và khu Đại học Quốc gia Hà Nội. Nơi đây sẽ phát triển theo mô hình đô thị nén với hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại. 

- Khu vực thuộc đô thị sinh thái Quốc Oai: Tổng diện tích đất tự nhiên dự kiến khoảng 246 ha, thuộc một phần đất của các xã Phú Bình và Thạch Xá. Nơi đây được định hướng phát triển theo mô hình đô thị sinh thái và cụm công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. 

- Khu vực thuộc đô thị sinh thái Phúc Thọ: Tổng diện tích đất tự nhiên dự kiến khoảng 287,6 ha; được định hướng phát triển mô hình đô thị sinh thái và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.

Bản đồ quy hoạch phát triển không gian huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội đến năm 2030
Bản đồ quy hoạch phát triển không gian huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội đến năm 2030

9. Thị trường bất động sản huyện Thạch Thất

Giới chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản Thạch Thất có nhiều tiềm năng để phát triển. Huyện cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 30km về phía Tây Bắc, tiếp giáp trung du và vùng núi, địa hình bán sơn địa. Nơi đây có nhiều tuyến đường huyết mạch chạy qua như Quốc lộ 21, Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long thuận lợi kết nối vùng, giao thương, thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế cho thấy, lượng cư dân chuyển tới Thạch Thất sinh sống ngày một tăng, nhu cầu về nhà ở theo đó cũng tăng lên - là tiềm năng để các nhà đầu tư rót vốn đầu tư các dự án khu đô thị, đất nền, biệt thự, chung cư. Giá nhà đất Thạch Thất hiện vẫn ở mức thấp hơn so với các khu vực khác của Hà Nội, chênh lệch khoảng 20 - 40% tùy khu vực nên vẫn còn nhiều dư địa tăng giá trong tương lai.

Những năm gần đây, thị trường địa ốc Thạch Thất sôi động hơn bao giờ hết bởi các yếu tố về hạ tầng, quy hoạch, kinh tế vĩ mô... Thời điểm cuối năm 2019 đầu năm 2020, giá đất khu giãn dân Quan Giai, xã Đồng Trúc tăng gấp 2 - 3 lần chỉ trong 1 tuần, tăng từ mức 4 - 8 triệu đồng/m2 lên mức 12 - 15 triệu đồng/m2, vị trí đẹp giá 16 - 20 triệu đồng/m2. 

Vào giữa năm 2020, thông tin Hòa Lạc sẽ là đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội khiến thị trường nhà đất nơi đây trở nên sôi động hơn. Năm 2021, nhà đất Thạch Thất chứng kiến những cơn sốt cục bộ trước thông tin quy hoạch huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc thành phố Trung ương.

Theo đó, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, giá bất động sản nhiều khu vực trên địa bàn huyện tăng tới 30 - 50%. Thế nhưng, sau đó giá cũng giảm rất nhanh. Điều đó chứng tỏ tiềm năng tăng trưởng của bất động sản Thạch Thất, tuy nhiên cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khôn lường.

Có thể nói, đất nền là điểm nóng của thị trường mua bán nhà đất huyện Thạch Thất, Hà Nội những năm gần đây, chủ yếu tập trung quanh Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ngoài đất thổ cư, giới đầu tư, cò đất, đầu nậu săn lùng cả đất rừng, đất nông nghiệp quy mô lớn để đầu cơ chờ tăng giá kiếm lời. Nhiều "đại gia" bất động sản cũng đổ tiền vào thị trường này để phát triển dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. 

Tuy nhiên, các cơn sốt đất khu vực ven đô nói chung và huyện Thạch Thất nói riêng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu không tỉnh táo, tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi xuống tiền nhà đầu tư rất dễ bị chôn vốn, thậm chí là trắng tay. Để đảm bảo an toàn dòng vốn, nhà đầu tư nên chọn các dự án có pháp lý rõ ràng, giấy tờ đầy đủ, tránh tâm lý đám đông sập bẫy cơn sốt ảo.

 

Lam Giang (TH)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu