SearchNews

Tổng quan huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội

19/04/2022 14:01

Huyện Quốc Oai theo quy hoạch là trung tâm phát triển với nhiều khu đô thị mới quy mô lớn và hiện đại. Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi, có nhiều tuyến giao thông trọng yếu chạy qua nên huyện Quốc Oai Hà Nội sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển đô thị, công nghiệp.

Vị trí địa lý 

Huyện Quốc Oai tọa lạc ở phía Tây của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm TP khoảng 20km. Vị trí địa lý của huyện như sau:

  • Phía Bắc huyện Quốc Oai giáp huyện Phúc Thọ và huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội

  • Phía Nam huyện Quốc Oai giáp huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội

  • Phía Đông huyện Quốc Oai giáp quận Hà Đông và huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội với ranh giới tự nhiên là sông Đáy.

  • Phía Tây huyện Quốc Oai giáp huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Hành chính huyện Quốc Oai

Huyện Quốc Oai cùng với toàn tỉnh Hà Tây được sáp nhập về Thủ đô Hà Nội vào ngày 01/08/2008. TP. Hà Nội lúc bấy giờ còn tiếp nhận thêm xã Đông Xuân, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về theo quyết định của Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội mới. Đến ngày 08/05/2009, toàn bộ xã Đông Xuân được chuyển vào huyện Quốc Oai.

Hiện tại, huyện Quốc Oai có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Quốc Oai (huyện lỵ) cùng 20 xã: Đông Xuân, Yên Sơn, Tuyết Nghĩa, Thạch Thán, Tân Phú, Tân Hòa, Sài Sơn, Phượng Cách, Phú Mãn, Phú Cát, Ngọc Mỹ, Ngọc Liệp, Nghĩa Hương, Liệp Tuyết, Hòa Thạch, Đông Yên, Đồng Quang, Đại Thành, Cộng Hòa, Cấn Hữu.

Quốc Oai có diện tích tự nhiên 147,01km2, quy mô dân số theo số liệu thống kê năm 2015 là hơn 180.000 người. Khoảng 2,8% dân số huyện theo đạo Thiên Chúa.

Huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội trên bản đồ vệ tinh
Huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội trên bản đồ vệ tinh

Giao thông

Hạ tầng giao thông huyện Quốc Oai được xem là một những lĩnh vực mũi nhọn đang được đầu tư phát triển. Toàn huyện hiện có gần 400km đường giao thông tỉnh lộ, liên xã và nông thôn. Cùng với đó là hàng loạt tuyến đường mới mở rộng theo quy hoạch của huyện nói riêng và quy hoạch vùng Thủ đô nói chung.

  • Quốc lộ

Trên địa bàn huyện Quốc Oai có ba tuyến quốc lộ quan trọng chạy qua là đường Hồ Chí Minh, Đại lộ Thăng long và Quốc lộ 21A. Trong đó, đường Hồ Chí Minh đoạn thuộc địa giới hành chính huyện Quốc Oai có chiều dài 8,3km, chạy qua các xã Đông Xuân, Hòa Thạch và Phú Mãn.

Đại lộ Thăng Long đoạn qua địa phận Quốc Oai có tổng chiều dài 9,4km, chạy qua các xã Ngọc Liệp, Ngọc Mỹ, thị trấn Quốc Oai và xã Yên Sơn. Quốc lộ 21A đoạn thuộc địa phận huyện dài 9,2km, chạy qua các xã Đông Yên, Hòa Thạch, Phú Mãn và Phú Cát.

  • Đường tỉnh huyện Quốc Oai

Có 5 tuyến đường tỉnh (ĐT) chạy qua địa phận huyện Quốc Oai là ĐT 419, ĐT 421, ĐT 421B, ĐT 422, ĐT 423.

Trong đó, ĐT 419 (tức đường 80 cũ) đoạn thuộc địa giới Quốc Oai dài 10,75km, chạy qua các xã Tân Phú, Cộng Hòa, Đồng Quang và thị trấn Quốc Oai. ĐT 421 (đường 46 cũ) đoạn thuộc địa phận Quốc Oai có chiều dài 7km, chạy qua các xã Yên Sơn, Phượng Cách, Sài Sơn và thị trấn Quốc Oai.

ĐT 421B (đường 81 cũ) đoạn thuộc địa phận huyện Quốc Oai có chiều dài 16km, chạy qua các xã Đông Yên, Cấn Hữu, Ngọc Mỹ, Thạch Thán, Yên Sơn, Phượng Cách, Sài Sơn và thị trấn Quốc Oai.

ĐT 422 (đường 79 cũ) đoạn thuộc địa phận Quốc Oai, chạy qua xxã Sài Sơn có tổng chiều dài 1,9km. ĐT 423 (đường 72 cũ) đoạn thuộc giới huyệ Quốc Oai, chạy qua xã Đồng Quang dài 0,73km.

  • Đường sắt

Theo quy hoạch, tuyến đường sắt số 5 thuộc đoạn Văn Cao - Hòa Lạc với lộ trình đi qua các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa và Ba Đình. Dự kiến, thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 - 2024. Từ năm 2025 trở đi sẽ bắt đầu khai thác thương mại. Tuyến đường sắt này tạo liên kết vùng thuận lợi cho huyện Quốc Oai.

  • Các tuyến xe buýt qua huyện Quốc Oai

Các tuyến buýt chạy qua địa bàn huyện Quốc Oai gồm:

- Xe 74: Bến xe Mỹ Đình - Xuân Khanh

- Xe 88: Bến xe Mỹ Đình - Hòa Lạc - Xuân Mai

- Xe 89: Bến xe Yên Nghĩa - Thạch Thất - Bến xe Sơn Tây

- Xe 107: Kim Mã - Làng văn hóa du lịch các dân tộc VN

Có thể nói, hạ tầng giao thông huyện Quốc Oai được chú trọng đầu tư sẽ là đòn bẩy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho toàn huyện. Các dự án đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường mới sẽ tăng tính liên kết vùng hiệu quả.

Bản đồ quy hoạch giao thông huyện Quốc Oai
Bản đồ quy hoạch giao thông huyện Quốc Oai

Kinh tế

Huyện Quốc Oai có nhiều làng nghề truyền thống, chủ yếu phát triển ở nhóm nghề chế biến lương thực, thực phẩm và mây tre đan. Các làng nghề nổi bật ở Quốc Oai gồm:

  • Nghề mộc thôn Ngọc Than, Ngọc Mỹ)

  • Chế biến tinh bột, làm miến Cộng Hòa

  • Nghề đan cót nan thôn Muôn, Tuyết Nghĩa

  • Nghề làm nón ở Ngọc Mỹ

  • Chể biến lương thực, thực phẩm miến Tân Hòa

  • Nghề mộc dân dụng thôn Yên Quán, Tân Phú

  • Mây tre giang đan xã Liệp Tuyết

  • Nghề dệt len mút ở Cộng Hòa

  • Đan lát, chẻ tăm hương Đồng Lư, Đồng Quang

  • Nghề mộc, sơ chế gỗ Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai

  • Làn cót nan thôn Trại Do, Tuyết Nghĩa

  • Nghề làm cót nan xã Nghĩa Hương

  • Nghề sơ chế gỗ, lâm sản Nghĩa Hương

Quốc Oai định hướng phát triển ngành nghề, làng nghề phù hợp xu hướng chung cũng như đặc thù của địa phương trên cơ sở kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và khoa học công nghệ hiện đại nhằm tạo ra dòng sản phẩm chất lượng, có thương hiệu trên thị trường. Được biết, trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Quốc Oai sẽ tạo bước chuyển mới trong hoạt động của 17 lang nghề, thu hút 60% lao động tại các địa phương.

Cùng với đó, huyện Quốc Oai cũng chú trọng phát triển các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ theo hướng hiện đại, văn minh. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ... Mục đích đến năm 2025, đưa lĩnh vực dịch vụ trở thành ngành kinh tế thế mạnh của huyện với tốc độ gia tăng giá trị sản xuất trung bình đạt trên 15%/năm.

Đối với nông nghiệp, huyện Quốc Oai phát triển theo hướng khai thác lợi thế của từng địa phương, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện. Trên địa bàn huyện hiện có vùng nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô 750 ha tại các xã Đông Yên, Tuyết Nghĩa, Liệp Tuyết, Cấn Hữu; vùng trồng bưởi, ổi, nhãn, phật thủ rộng 600 ha tại các xã Đồng Quang, Phượng Cách, Sài Sơn, Yên Sơn.

Vùng chuyên canh nhãn chín muộn quy mô 165 ha tại xã Đại Thành. Thống kê cho thấy, mô hình thủy sản cho doanh thu từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm. Doanh thu hàng năm của mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm từ 500 triệu đồng đến 3,5 tỷ đồng.

Năm 2021, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, huyện Quốc Oai vẫn hoàn thành và vượt kế hoạch 19/19 tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội. Tổng giá trị sản xuất một số ngành đạt trên 15.000 tỷ đồng, so với năm 2020 tăng 6,9%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với sự phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp, dịch vụ phục. Đặc biệt, ở lĩnh vực nông nghiệp, huyện Quốc Oai đạt trên 1.550 tỷ đòng, tăng 3,7% so với năm trước và đạt 102,4% kế hoạch năm.

Y tế

Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe tại huyện Quốc Oai được chú trọng. Toàn huyện Quốc Oai hiện có 16/21 trạm y tế xã được công nhận chuẩn quốc gia. Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai (thị trấn Quốc Oai) và Trung tâm y tế huyện Quốc Oai (thị Trấn Quốc Oai) phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn quận.

Ngày 26/4/2019, UBND TP. Hà Nội đã công bố phê duyệt quy hoạch chi tiết Bệnh viện Nhi trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Phụ sản trung ương cơ sở 2 với tỷ lệ 1/500 tại huyện Quốc Oai. Theo đó, dự án Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2 được xây dựng tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai với quy mô 60.000m2, 300 giường bệnh khám nội trú.

Dự án Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 cũng được quy hoạch xây dựng ngay cạnh Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2 với tổng diện tích xây dựng 60.080m2, quy mô 300 giường bệnh khám nội trú (giai đoạn 1).

Việc xây dựng Bệnh viện Phụ sản trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Nhi trung ương cơ sở 2 với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, tiên tiến nhằm cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe cho người dân trên địa bàn TP. Hà Nội và vùng lân cận. Đồng thời, góp phần giảm tải cho Bệnh viện Phụ sản trung ương cơ sở 1 và Bệnh viện Nhi trung ương cơ sở 1 trong nội thành. Đây cũng là trung tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong chuyên khoa phụ sản, nhi của cả nước.

Văn hóa 

Huyện Quốc Oai nằm trong cái nôi văn hóa xứ Đoài với 57 lễ hội truyền thống và hơn 200 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, 69 di tích đã được xếp hạng: 31 di tích cấp bộ, 38 di tích cấp TP. Cùng với đó là nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc nổi tiếng từ thời Lê, thời Lý như Đình So, Chùa Thầy, Đình Ngọc Than, Đình Cấn, Chùa Cấn Thượng, Chùa Lâm, Đình Phú Mỹ... ​Quần thể di tích, danh thắng chùa Thầy là một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan, vãn cảnh mỗi năm.

Các lễ hội nổi tiếng ở Quốc Oai có lễ hội Chùa Thầy, hội hát ví Hàm Rồng, hội hát Dô, hát ví người Mường... Chính quyền địa phương đã khôi phục, củng cố lại hoạt động của đội Tuồng Dương Cốc, xã Đồng Quang, Câu lạc bộ hát chèo Phú Mãn, đưa ca trù trở lại với đời sống của người dân...

Giáo dục

Lĩnh vực giáo dục huyện Quốc Oai đã và đang được đầu tư chú trọng. Hệ thống trường học các cấp từ mầm non, tiểu học đến THPT đều được đầu tư trang thiết bị hiện đại, chất lượng giáo viên, học sinh không ngừng cải thiện. Ngoài trường công lập, trên địa bàn huyện có nhiều trường tư thục, dân lập, trường quốc tế đủ các cấp đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.

Danh sách trường học các cấp trên địa bàn huyện Quốc Oai

- Trường tiểu học

STT Tên trường Địa chỉ
1 Tiểu học Đại Thành Xã Đại Thành, Quốc Oai, Hà Nội
2 Tiểu học Tân Phú Xã Tân Phú, Quốc Oai, Hà Nội
3 Tiểu học Cộng Hòa Xã Cộng Hòa, Quốc Oai, Hà Nội
4 Tiểu học Phượng Cách Khu 3, xã Phượng Cách, Quốc Oai, Hà Nội
5 Tiểu học thị trấn Quốc Oai A Thôn Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, Quốc Oai, Hà Nội
6 Tiểu học Tân Hòa Xã Tân Hòa, Quốc Oai, Hà Nội
7 Tiểu học Yên Sơn Thôn Quảng Yên, xã Yên Sơn, Quốc Oai, Hà Nội
8 Tiểu học Ngọc Mỹ Thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội
9 Tiểu học thị trấn Quốc Oai B Thôn Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai, Quốc Oai, Hà Nội
10 Tiều học Sài Sơn A Xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội
11 Tiểu học Phú Mãn Thôn Đồng Âm, xã Phú Mãn, Quốc Oai, Hà Nội
12 Tiểu học Ngọc Liệp Xã Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội
13 Tiểu học Sài Sơn B Thôn Sài Khê, xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội
14 Tiểu học Thạch Thán Thôn Đồng Rơi, xã Thạch Thán, Quốc Oai, Hà Nội

- Trường THCS

STT Tên trường Địa chỉ
1 THCS Quốc Oai Thị trấn Quốc Oai, Quốc Oai, Hà Nội
2 THCS Đại Thành Xã Đại Thành, Quốc Oai, Hà Nội
3 THCS Tân Phú Xã Tân Phú, Quốc Oai, Hà Nội
4 THCS Tân Hòa Xã Tân Hòa, Quốc Oai, Hà Nội
5 THCS Đồng Quang Xã Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội
6 THCS Cộng Hòa Xã Cộng Hòa, Quốc Oai, Hà Nội
7 THCS Yên Sơn  Xã Yên Sơn, Quốc Oai, Hà Nội
8 THCS Phượng Cách Xã Phượng Cách, Quốc Oai, Hà Nội
9 THCS Thạnh Thán Xã Thạnh Thán, Quốc Oai, Hà Nội
10 THCS Sài Sơn Xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội
11 THCS Ngọc Mỹ Thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội
12 THCS Hòa Thạch Thôn Bạch Thạch, xã Hoà Thạch, Quốc Oai, Hà Nội
13 THCS Cấn Hữu Thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội
14 THCS Đông Xuân Thôn Lập Thành, xã Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội
15 THCS Liệp Tuyết Xã Liệp Tuyết, Quốc Oai, Hà Nội

- Trường THPT

STT Tên trường Địa chỉ
1 THPT Quốc Oai Thị trấn Quốc Oai, Quốc Oai, Hà Nội
2 THPT Cao Bá Quát Thôn Thổ Ngõa, xã Tân Hòa, Quốc Oai, Hà Nội
3 THPT Minh Khai Xã Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội
4 THPT Phan Huy Chú  Xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội
5 THPT Nguyễn Trực Thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội

Phát triển đô thị

Huyện Quốc Oai theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 được định hướng phát triển là đô thị sinh thái, văn hóa lịch sử, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và một phần đô thị vệ tinh Hòa Lạc; định hướng phát triển đô thị khoa học, công nghệ và đào tạo có chức năng hỗ trợ đô thị trung tâm, công nghiệp, dịch vụ, đào tạo, y tế. Quốc Oai sẽ là trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và tâm linh, hỗ trợ phát triển khu vực nông thôn nằm trong hành lang xanh của TP.

Quy hoạch chung huyện Quốc Oai đến năm 2030 nhằm mục tiêu hướng tới xây dựng huyện thành một trong những khu vực phát triển năng động và bền vững của khu vực phía Tây Thủ đô, phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị, truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát triển trong tổng thể Thủ đô "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Theo đó, huyện Quốc Oai gồm 03 khu vực chính:

- Khu vực nông thôn: Định hướng phát triển theo mô hình nông thôn mới đặc thù của TP. Hà Nội, định hướng phát triển mô hình trang trại, nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp, hoạt động phục vụ du lịch, bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống.

- Khu vực đô thị: Thị trấn Quốc Oai phát triển theo mô hình đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, văn hóa lịch sử. Một phần đô thị vệ tinh Hòa Lạc phát triển là đô thị khoa học, công nghệ và đào tạo, hỗ trợ đô thị trung tâm về đào tạo, y tế, công nghiệp, dịch vụ. Đây cũng là trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và tâm linh; hỗ trợ phát triển khu vực nông thôn nằm trong hành lang xanh.

- Khu vực hành lang xanh: Định hướng phát triển mô hình trang trại, du lịch, nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp, bảo vệ và bảo tồn các làng nghề truyền thống, vùng đa dạng sinh học, vùng nông nghiệp năng suất cao. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hộ chung cho toàn đô thị, nhất là giao thông kết nối liên đô thị.

Về định hướng phát triển không gian, huyện Quốc Oai được chia làm 06 vùng như sau:

  • Vùng 1: Thị trấn sinh thái Quốc Oai phát triển theo mô hình đô thị sinh thái, văn hóa lịch sử, nông nghiệp công nghệ cao.

  • Vùng 2:  Gồm một phần đô thị vệ tinh Hòa Lạc, định hướng phát triển theo mô hình đô thị khoa học, công nghệ và đào tạo; hỗ trợ đô thị trung tâm về công nghiệp, đào tạo, y tế, dịch vụ. Đây là trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và tâm linh.

  • Vùng 3: Vùng gò đồi, du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái, chăn nuôi và trồng cây ăn quả.

  • Vùng 4: Vùng đồi thấp sẽ phát triển cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi.

  • Vùng 5: Vùng đồng bằng nội đồng sẽ phát triển lúa năng suất cao, làng nghề truyền thống và chăn nuôi.

  • Vùng 6: Vùng ven bãi sẽ phát triển cây ăn quả, rau an toàn, rau sạch.

Trong tổng diện tích đất tự nhiên huyện Quốc Oai là 14.700,62 ha, phần diện tích phát triển đô thị chiếm 7.382,00 ha. Dự kiến, đến năm 2030, quy mô dân số đô thị của huyện khoảng 180.000 người.

Quốc Oai được đánh giá là huyện có tốc độ đô thị hóa tương đối ổn định với sự hình thành và phát triển của nhiều khu đô thị quy mô như Khu đô thị Tây Quốc Oai, Khu đô thị cao cấp FLC Asia Park, Khu đô thị Sunny Garden City, Khu đô thị Phú Cát City, khu đô thị Ngôi Nhà Mới,… góp phần hoàn thiện diện mạo đô thị Quốc Oai.

Một góc huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội
Một góc huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội

Tình hình thị trường bất động sản huyện Quốc Oai

Cách đây hơn 10 năm, Quốc Oai từng là điểm nóng đầu tư bất động sản khi có thông tin sáp nhập tỉnh Hà Tây về TP. Hà Nội năm 2008. Sốt đất lên tới đỉnh điểm với giá tăng gấp 2 - 3 lần chỉ trong vài ngày. Giới đầu tư ồ ạt đổ về các huyện nằm trong địa giới mở rộng hành chính Thủ đô gom đất. Thị trường nhà đất Quốc Oai rơi vào cảnh thoái trào khi Hà Tây chính thức sáp nhập vào Hà Nội. Giá đất giảm mạnh, rao bán cắt lỗ hàng loạt, nhiều nhà đầu tư "sa lầy", bị chôn vốn.

Bất động sản Quốc Oai được cho là "ngủ đông" suốt cả thập kỷ sau đó. Tuy nhiên, từ giữa năm 2019, khi dự án xây dựng Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2, bệnh viện Nhi trung ương cơ sở 2 được phê duyệt, nhà đất nơi đây lại nổi sóng.

Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, thời điểm tháng 5 và tháng 6/2019, giá đất khu vực Ngọc Mỹ thiết lập mặt bằng mới. Các lô đất gần khu vực xây bệnh viện tăng vọt từ 4 - 5 triệu đồng/m2 (giữa năm 2018) lên mức 8 - 10 triệu đồng/m2. Đất vị trí đẹp được chào bán với giá 12 - 15 triệu đồng/m2. Tương tự, đất ở thị trấn Quốc Oai cũng tăng giá 15 - 20% so với thời điểm cuối năm 2018, tăng từ 20 - 22 triệu đồng/m2 lên 23 - 25 triệu đồng/m2.

Cùng thời điểm, đất ở khu vực các xã gần khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng tăng giá 10-20% so với cuối năm 2018. Đất tại thôn Phú Cát tăng từ mức 6 - 8 triệu đồng/m2 lên mức 9 - 11 triệu đồng/m2. Tại Phú Mãn, đất thổ cư tăng giá từ 6 - 7 triệu đồng/m2 lên 8 - 9 triệu đồng/m2.

Trong bối cảnh quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm, giá cao ngất ngưởng, nhiều nhà đầu tư đã quyết định rót vốn ở những nơi xa hơn với mức giá rẻ hơn và khả năng sinh lời lớn. Đất Quốc Oai là một trong những lựa chọn ưu tiên của giới đầu tư.

Hồi đầu năm 2020, giá đất nền khu công nghệ cao Hòa Lạc khoảng từ 15 - 20 triệu đồng/m2 thì nay đã lên mức 30 - 40 triệu đồng/m2. Theo báo cáo quý 2/2021 của Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản khu vực phía bắc ghi nhận điểm sáng đến từ phân khúc trang trại, nhà vườn, nghỉ dưỡng ven đô. Ở khu vực vùng ven Hà Nội, những khu đất có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Đất nền khu vực Quốc Oai, Xuân Mai, Sơn Tây, Sóc Sơn, Hòa Lạc, Ba Vì, Hoài Đức, Vân Canh... giao dịch đều với giá tăng nhẹ từ 2 - 7% so với một vài tháng trước đó. 

Như vậy, với những nét đặc trưng về vị trí địa lý, địa hình và cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, huyện Quốc Oai có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng. Nhà đất Quốc Oai vì thế vẫn có sức hút nhất định đối với các nhà đầu tư địa ốc.

 

Lam Giang (TH)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu