Theo quy hoạch huyện Phúc Thọ thời kỳ 2021 - 2030, huyện được định hướng trở thành trung tâm mới của Thủ đô Hà Nội về các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... với nhiều tiềm năng phát triển.
1. Vị trí địa lý
Huyện Phúc Thọ thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 35km về phía Tây. Phúc Thọ tọa lạc bên bờ hữu ngạn của cả hai con sông Hồng và sông Đáy. Huyện Phúc Thọ có diện tích tự nhiên là 117,3 km2. Cửa Hát Môn là ngã ba sông phân lưu nước sông Đáy và sông Hồng.
Vị trí địa lý của huyện Phúc Thọ như sau:
-
Phía Đông huyện Phúc Thọ giáp các huyện Hoài Đức, Mê Linh và Đan Phượng, TP. Hà Nội với ranh giới tự nhiên là sông Đáy.
-
Phía Tây huyện Phúc Thọ giáp thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội.
-
Phía Nam huyện Phúc Thọ giáp các huyện Quốc Oai và Thạch Thất, TP. Hà Nội
-
Phía Bắc huyện Phúc Thọ giáp các huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc với ranh giới tự nhiên là sông Hồng.
|
Bản đồ hành chính huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội |
2. Hành chính huyện Phúc Thọ
Năm 2008, tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào TP. Hà Nội và huyện Phúc Thọ vì thế trực thuộc TP. Hà Nội cho đến nay. Vào ngày 01/03/2020, xã Phương Độ và Sen Chiểu được sáp nhập thành xã Sen Phương; xã Cẩm Đình và Xuân Phú được sáp nhập thành xã Xuân Đình.
Hiện tại, huyện Phúc Thọ có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Phúc Thọ và 20 xã: Xuân Đình, Võng Xuyên, Vân Phúc, Vân Nam, Vân Hà, Trạch Mỹ Lộc, Tích Giang, Thượng Cốc, Thọ Lộc, Thanh Đa, Tam Thuấn, Tam Hiệp, Sen Phương, Phụng Thượng, Phúc Hòa, Ngọc Tảo, Long Xuyên, Liên Hiệp, Hiệp Thuận, Hát Môn.
3. Kinh tế
Huyện Phúc Thọ có nhiều làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả, tiêu biểu như làng thợ mộc, thợ may Hiệp Thuận; làng nghề mộc nội thất Phú An (Thanh Đa); làng nghề dệt thảm thôn Đông (Phụng Thượng); nghề làm bún, đậu phụ Thanh Chiểu (Sen Phương); trồng hoa cây cảnh Tường Phiêu (Tích Giang); làng nghề làm bột sắn Hạ Hiệp (Liên Hiệp); nghề đồng nát thôn Bảo Lộc (Võng Xuyên); làng nghề bún, đậu phụ Linh Chiểu (Sen Phương); một số có nghề cơ khí ở Liên Hiệp...
Theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, huyện Phúc Thọ được quy hoạch là vùng sinh thái, chú trọng phát triển du lịch và nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Thời gian qua, huyện cũng đã đẩy mạnh các nghề truyền thống như chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc. Nhiều cụm công nghiệp đã được quy hoạch, xây dựng và đi vào hoạt động trên địa bàn huyện Phúc Thọ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch.
4. Giao thông
Hạ tầng giao thông huyện Phúc Thọ đã và đang được đầu tư xây dựng, mở rộng nâng cấp. Những tuyến đường huyết mạch trên địa bàn huyện gồm Quốc lộ 32, Tỉnh lộ 417, Tỉnh lộ 418 và Tỉnh lộ 421. Vai trò của các tuyến đường này là kết nối huyện Phúc Thọ Hà Nội với các huyện, quận khác trong TP. Hà Nội và các vùng kinh tế. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Phúc Thọ trong quá trình giao lưu, liên kết với trung tâm Thủ đô cũng như các huyện, thị lân cận.
-
Giao thông đối ngoại huyện Phúc Thọ
Quy hoạch giao thông đối ngoại huyện Phúc Thọ gồm các tuyến đường bộ, đường thủy và đường vành đai.
- Đường bộ: Quốc lộ 32, Tỉnh lộ 417, Tỉnh lộ 418, Tỉnh lộ 421 kết nối nội huyện và giữa huyện Phúc Thọ với các huyện, quận khác trong TP. Hà Nội cũng như vùng lân cận khác. Cùng với đó là tuyến đường trục Tây Thăng Long kết nối khu vực Tây Hồ Tây, phía Bắc cầu Thăng Long và Khu đô thị Sơn Tây.
- Đường vành đai: Tuyến đường Vành đai 3 kết nối giao thông giữa TP. Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng Thủ đô, có chạy qua địa bàn huyện Phúc Thọ, tạo thuận lợi cho người dân giao thương, đi lại.
- Đường thủy: Huyện Phúc Thọ là nơi giao thoa giữa ba con sông gồm sông Đáy, sông Tích và sông Hồng. Huyện nằm trong tuyến sông Hồng bắt đầu từ Km 255 (giáp ranh giữa xã Xuân Phú - Phúc Thọ - Hà Nội với xã Trung Hà - Yên Lạc - Vĩnh Phúc) đến Km 235 + 800 (giáp ranh giữa xã Vĩnh Ninh - Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc với xã Đường Lâm - thị xã Sơn Tây - Hà Nội).
-
Các tuyến đường cấp đô thị
Đường tỉnh 419 thuộc huyện Phúc Thọ đã được cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III với quy mô từ 2 - 4 làn xe đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân trên địa bàn. Tuyến đường tỉnh 421 và 419 kết nối theo hướng Bắc Nam hình thành lộ trình Tây Thăng Long, kết nối giữa huyện Phúc Thọ với các huyện, thị lân cận như Sơn Tây, Đan Phượng.
Đường tỉnh 417 và 418 đi qua thôn Tây, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; thôn Phù Long, xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ và UBND xã Xuân Phú, điểm cuối tuyến gần với sông Hồng.
-
Các tuyến đường cấp khu vực
Tại huyện Phúc Thọ, các tuyến đường liên huyện được nâng cấp đạt tiêu chuẩn loại III, loại IV. Cùng với đó là các tuyến đường liên tỉnh kết nối thị trấn Phúc Thọ với vùng nông thôn.
-
Các tuyến đường cấp nội bộ huyện Phúc Thọ
Các đoạn, tuyến đường cấp nội bộ huyện Phúc Thọ được phát triển tùy theo điều kiện sống của mỗi khu vực và kết hợp cùng quá trình xây dựng hệ thống chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước. Giao thông nội bộ Phúc Thọ đảm bảo nhu cầu di chuyển, giao thương của người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện phúc Thọ.
- Các trạm bus và giao thông tĩnh
Các tuyến xe bus chạy qua, hoạt động trên địa bàn huyện Phúc Thọ gồm xe 20B, xe 89, xe 91; các trạm 1438, 1148, 1149, 1147, 1150, 2001.
|
Quy hoạch không gian huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội đến năm 2030 |
5. Văn hóa
Phúc Thọ là vùng đất có bề dày lịch sử, góp phần vào quá trình hình thành nền văn minh sông Hồng, Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Huyện Phúc Thọ lưu giữ và bảo tồn nhiều di sản văn hóa, nhiều lễ hội đặc sắc. Số liệu thống kê đến tháng 06/2015 cho thấy, toàn huyện có 194 di tích lịch sử - văn hóa gồm 59 đình, 78 chùa, 34 đền miếu, 21 nhà thờ thọ,...
Di tích tiêu biểu tại huyện Phúc Thọ có đền Hát Môn, đình Hạ Hiệp, miếu Thuần Mỹ, đình Tường Phiêu, chùa Tổng, chùa Triệu Xuyên, đình Thanh mạc, đình thuấn nội, đèn Trong, đền Ngoài,... Phúc Thọ cũng là vùng đất giàu truyền thống khoa bảng với nhiều người đỗ đạt, thành danh.
Trong những năm gần đây, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa được đẩy mạnh, phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Công tác giáo dục - đào tạo, an ninh trật tự, chăm sóc sức khỏe của người dân được đảm bảo, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân huyện Phúc Thọ.
6. Giáo dục
Hệ thống giáo dục trên địa bàn huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội luôn được chú trọng cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học lẫn chất lượng đội ngũ giáo viên, học sinh.
Báo cáo kết quả năm học 2020 - 2021, đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đạo huyện Phúc Thọ cho biết, tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng ngành giáo cụ đào tạo huyện đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 với hệ thống trường hợp ngày càng hoàn thiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, đội ngũ giáo viên tiếp tục được kiện toàn về cơ cấu và chất lượng.
Chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Phúc Thọ trong vài năm gần đâu được cải thiện rõ rệt. Kết thúc năm học 2020 - 2021, kết quả đánh giá bậc học mầm non, mẫu giáo đạt 99,2%; cấp tiểu học đại 96,5% học sinh đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành kiến thức, kỹ năng các môn học. Tỷ lệ tốt nghiệp cấp THCS đạt 99,06%...
Danh sách các trường học thuộc các cấp trên địa bàn huyện Phúc Thọ
STT |
Tiểu học |
THCS |
THPT |
1 |
Tiểu học Hát Môn |
THCS Cẩm Đình |
THPT Phúc Thọ |
2 |
Tiểu học Hiệp Thuận |
THCS Hát Môn |
THPT Ngọc Tảo |
3 |
Tiểu học Phúc Hoà |
THCS Hiệp Thuận |
THPT Vân Cốc |
4 |
Tiểu học Vân Nam |
THCS Liên Hiệp |
THPT Hữu Nghị T78 |
5 |
Tiểu học Tam Hiệp |
THCS Long Xuyên |
|
6 |
Tiểu học Tam Thuấn |
THCS Ngọc Tảo |
|
7 |
Tiểu học thị trấn Phúc Thọ |
THCS Phúc Hòa |
|
8 |
Tiểu học xã Thanh Đa |
THCS Phụng Thượng |
|
9 |
Tiểu Học Thọ Lộc |
THCS Phương Độ |
|
10 |
Tiểu Học Võng Xuyên A |
THCS Sen Chiểu |
|
11 |
Tiểu Học Vân Phúc |
THCS Tam Hiệp |
|
12 |
Tiểu Học Phúc Hòa |
THCS Tam Thuấn |
|
13 |
Tiểu học Cẩm Đình |
THCS Thanh Đa |
|
14 |
Tiểu học Tích Giang |
THCS Thị Trấn Phúc Thọ |
|
15 |
Tiểu Học Liên Hiệp |
THCS Thọ Lộc |
|
16 |
Tiểu học Thượng Cốc |
THCS Thượng Cốc |
|
17 |
Tiểu học Xuân Phú |
THCS Tích Giang |
|
18 |
Tiểu Học Võng Xuyên B |
THCS Trạch Mỹ Lộc |
|
19 |
Tiểu học Vân Hà |
THCS Vân Hà |
|
20 |
Tiểu học Trạch Mỹ Lộc |
THCS Vân Nam |
|
21 |
Tiểu học Sen Chiểu |
THCS Vân Phúc |
|
22 |
Tiểu học Phương Độ |
THCS Võng Xuyên |
|
23 |
Tiểu học Phụng Thượng |
THCS Xuân Phú |
|
24 |
Tiểu học Ngọc Tảo |
THCS THCS Võng Xuyên A |
|
25 |
Tiểu học Long Xuyên |
THCS Võng Xuyên B |
|
7. Y tế
Hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe tại huyện Phúc Thọ đã và đang được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Ngoài Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ còn có Trung tâm y tế huyện Phúc Thọ, Phòng khám đa khoa Ngọc Tảo và các trạm y tế tại các xã trực thuộc huyện.
- Trạm y tế xã Hát Môn
- Trạm y tế xã Hiệp Thuận
- Trạm y tế xã Liên Hiệp
- Trạm y tế xã Long Xuyên
- Trạm y tế xã Ngọc Tảo
- Trạm y tế xã Phúc Hòa
- Trạm y tế xã Phụng Thượng
- Trạm y tế xã Sen Phương
- Trạm y tế xã Tam Hiệp
- Trạm y tế xã Tam Thuấn
- Trạm y tế xã Thanh Đa
- Trạm y tế xã Thọ Lộc
- Trạm y tế xã Thượng Cốc
- Trạm y tế xã Tích Giang
- Trạm y tế xã Trạch Mỹ Lộc
- Trạm y tế xã Vân Hà
- Trạm y tế xã Vân Nam
- Trạm y tế xã Vân Phúc
- Trạm y tế xã Võng Xuyên
- Trạm y tế xã Xuân Đình
- Trạm y tế thị trấn Phúc Thọ
8. Phát triển đô thị
Huyện Phúc Thọ (Hà Nội) được quy hoạch theo hai định hướng lớn về phát triển không gian, gồm: Không gian đô thị (thị trấn sinh thái Phúc Thọ) và không gian khu vực nông thôn. Trong đó, không gian đô thị là trung tâm đầu não chính trị, hành chính, văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ, thương mại của huyện.
Không gian nông thôn tạo cảnh quan làng xóm truyền thống gắn với khai thác các hoạt động phục vụ du lịch tại nông thôn, các khu dân cư, làng nghề, điểm di tích văn hóa lịch sử... Trùng tu, cải tạo, nâng cấp công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, công trình công cộng dân gian truyền thống.
Đáng chú ý, thị trấn sinh thái Phúc Thọ theo quy hoạch sẽ trở thành trung tâm hỗ trợ phát triển vùng nông thôn với các cơ sở công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm gắn với tiểu thủ công nghiệp làng nghề, dịch vụ công cộng và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất khác. Phát triển thị trấn sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa địa phương, hài hòa với không gian cảnh quan tự nhiên hiện hữu.
Sau gần 15 năm sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, diện mạo đô thị tại huyện Phúc Thọ dần được định hình rõ rệt hơn. Một số dự án khu đô thị mới đã được quy hoạch, triển khai thực hiện tại Phúc Thọ, gồm:
- Khu đô thị mới Thạch Phúc quy mô 507,68 ha thuộc địa giới hành chính huyện Phúc Thọ và huyện Thạch Thất. Dự án cung ứng loại hình biệt thự, nhà ở thấp tầng, công trình trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí...
- Khu đô thị sinh thái Cẩm Đình được quy hoạch trên mặt đường Quốc lộ 32 và đường nối Hoàng Quốc Việt kéo dài. Dự án được xây dựng theo mô hình sinh thái, đảm bảo chất lượng cảnh quan đa dạng, giao thông kết nối thuận lợi với các tuyến đường phía Tây Thủ đô Hà Nội.
- Khu đô thị mới Tây Thăng Long tại xã Võng Xuyên và Long Xuyên, huyện Phúc Thọ với các sản phẩm biệt thự, không gian văn hóa, trung tâm thương mại, chùa, nhà thờ...
Nhìn chung, không gian đô thị huyện Phúc Thọ được quy hoạch theo hướng vừa lưu giữ các giá trị truyền thống, vừa đa dạng hóa đô thị theo hướng tích cực, trở thành một trong những khu đô thị sinh thái của Thủ đô Hà Nội.
|
Phối cảnh tổng thể dự án Sunshine Heritage Resort quy mô 250 ha tại thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội do Sunshine Group làm chủ đầu tư. |
9. Tình hình thị trường bất động sản huyện Phúc Thọ
Với hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện và quỹ đất dồi dào, giá mềm hơn khu vực nội thành, bất động sản huyện Phúc Thọ nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư địa ốc. Giá nhà đất Phúc Thọ vì thế cũng gia tăng theo thời gian.
Các thông tin về quy hoạch, hạ tầng, dự án kéo theo giá bất động sản tăng lên, đỉnh hình là thông tin quy hoạch các khu công nghiệp, đẩy nhannh tiến độ các dự án cụm công nghiệp trên địa bàn, triển khai nhánh đường Vành đai 3,5; Vành đai 4, trục Tây Thăng Long... Tuy vậy, biên độ giá lên xuống ở mức thấp, diễn ra chóng vánh và cục bộ.
Trong những tháng cuối năm 2021, giá đất tại nhiều huyện vùng ven Hà Nội, trong đó có Phúc Thọ được đẩy lên một cách bất thường bởi giới "cò" đất. Môi giới tìm về các xóm gom mua đất ruộng, đất nông nghiệp rồi thổi giá lên cao khiến người dân hoang mang, gây nhiễu loạn thông tin thị trường.
Thông thường, cách thức thổi giá nhà đất trên thị trường sẽ do một nhóm các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mua gom đất và tung thông tin về quy hoạch để hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư theo hiệu ứng tâm lý đám đông sẽ đổ xô vào mua đất chờ lên giá bán lại kiếm lời. Nhóm này tạo nên các cơn sốt đất ảo hòng trục lợi. Nhóm các nhà đầu cơ sau đó sẽ rút đi và hệ quả là nhiều nhà đầu tư bán tháo, bán cắt lỗ để thu hồi vốn, nhiều nhà đầu tư không thanh khoản kịp sẽ bị kẹt vốn.
Khảo sát trên trang Batdongsan.com.vn cho thấy, các lô đất thổ cư tại huyện Phúc Thọ hiện được rao bán với giá dao động từ 14 - 28 triệu đồng/m2 tùy vị trí trong ngõ hẻm hay mặt đường thuận tiện đầu tư, kinh doanh.
Như vậy, khoảng giá đất thổ cư huyện Phúc Thọ khá đa dạng, tùy nhu cầu và khả năng tài chính, nhà đầu tư lựa chọn suất đầu tư phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa rủi ro, người mua đất cần tìm hiểu kỹ thông tin pháp lý, quy hoạch trước khi xuống tiền.
Lam Giang (TH)