Vừa qua, JLL đã công bố báo cáo dự báo sự chuyển biến của thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam trước tác động của mua sắm trực tuyến. Đơn vị nghiên cứu cho biết, hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt đang dần được định hình lại bởi sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực bán lẻ.
Mô hình mua sắm truyền thống đang bị tác động bởi sự tiện lợi và phổ biến của mua sắm trực tuyến. Đồng thời, sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến cũng góp phần chuyển đổi sang các gian hàng trực tuyến thay vì cửa hàng vật lý như trước. Trước thực trạng này, các trung tâm thương mại "nhạy bén" chào đón khách thuê cung cấp dịch vụ phi bán lẻ như phòng tập thể hình, hệ thống giáo dục, văn phòng chia sẻ (co-working).
Theo số liệu thống kê của JLL, tổng nguồn cung thị trường bán lẻ tại Hà Nội và Tp.HCM gộp lại tính tới quý IV/2018 đạt trên 2 triệu m2 sàn, với tỷ lệ lấp đầy lần lượt là 88,1% và 89,7%. Hiện tại, không ít nhà điều hành đã bắt đầu săn đón những khách thuê phi truyền thống nhằm gia tăng tỷ lệ lấp đầy cũng như tăng lưu lượng người tiêu dùng đến trung tâm thương mại.
Không chỉ mang lại cho người tiêu dùng một không gian năng động, việc thiết lập phòng gym, lớp học ngoại ngữ hoặc văn phòng chia sẻ trong trung tâm thương mại còn cung cấp đầy đủ những nhu cầu thiết yếu khác như ăn uống, giải trí, tiện ích mua sắm, bãi đỗ xe rộng cùng nhiều dịch vụ khác.
|
Tại Tp.HCM, để lấp đầy diện tích trống, các trung tâm thương mại săn tìm khách thuê ngoài ngành bán lẻ. (Ảnh: Vũ Lê) |
Trong khi đó, trung tâm thương mại sẽ thu hút được một lượng khách thuê ổn định khi có hàng ngàn thành viên thường xuyên ra vào những thương hiệu nổi tiếng về giáo dục, co-working, fitness trong trung tâm bán lẻ. Theo đó, các thương hiệu quần áo thể thao, bán lẻ - ăn uống, thiết bị công nghệ... sẽ có thêm nguồn khách hàng tiềm năng này. Nhà điều hành trung tâm thương mại sẽ có rất nhiều cơ hội giữ chân khách thuê nhờ các dịch vụ đó.
JLL cho biết, tại Tp.HCM, nhu cầu của các doanh nghiệp ngành giáo dục, gym, văn phòng chia sẻ vào trung tâm bán lẻ ngày càng gia tăng, chiếm từ 500m2 đến vài nghìn m2. Nhóm khách thuê này thường ký hợp đồng dài hạn từ 5-10 năm.
Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, khung giờ hành chính truyền thống của nhân viên văn phòng hiện nay, nhất là thế hệ "millenials" đang dần chuyển sang chế độ tích hợp giữa công việc và cuộc sống. Thế nên, trung tâm thương mại sẽ là địa điểm hoàn hảo để xây dựng không gian cung cấp dịch vụ không thuộc bán lẻ. Tại đây, chỉ trong vài bước chân, cư dân có thể dễ dàng tham gia vào các cộng đồng mua sắm, tập yoga, học ngoại ngữ hoặc kinh doanh.
Để giúp gia tăng giá trị dự án, giới điều hành trung tâm thương mại trước năm 2016 thường ưu tiên các thương hiệu bán lẻ lớn và xem đây là nguồn khách thuê cốt yếu. Hiện nay, để lấp đầy diện tích ở các vị trí khuất hơn và ở các tầng cao hơn trong trung tâm thương mại, chủ đầu tư đã nhắm tới đối tượng khách thuê phi bán lẻ như một chiến lược kinh doanh mới nhờ vào sự linh hoạt của mô hình dịch vụ.
Mặt khác, các loại hình thương mại giáo dục, văn phòng chia sẻ, trung tâm fitness cũng khó chuyển đổi sang trực tuyến, họ cần mặt bằng thực tế để triển khai dịch vụ của mình. Như vậy, đối với diện tích bán lẻ trống, việc đầu tư cho không gian phi truyền thống được xem là kênh đầu tư dài hạn.
Chuyên gia của JLL Việt Nam nhận định: "Đây sẽ là một trong những xu hướng chính trong 10 năm tới. Các khối đế thương mại trên toàn thành phố sẽ cần phải định vị lại bản thân để duy trì sự hấp dẫn trong lĩnh vực năng động này. Thất bại trong việc thích ứng chắc chắn sẽ dẫn đến tỷ lệ trống cao".