Thông tin trên là điểm đáng chú ý trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 11 tháng do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cuối tuần qua.
Tuy vốn vốn đăng ký mới của lĩnh vực này trong 11 tháng qua đã đạt hơn 1,3 tỷ USD nhưng tính chung lại, cả vốn cấp mới và tăng thêm chỉ đạt 740,93 triệu USD.
Theo báo cáo 10 tháng đầu năm của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI vào BĐS là trên 982 triệu USD. Cụ thể, vốn cấp mới là 999 triệu USD, trong khi đó vốn tăng thêm cũng đã âm 16,73 triệu USD.
Hơn 560 triệu USD là một con số khá lớn và điều đó chứng tỏ rằng phải có một dự án quy mô lớn đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc giảm vốn đăng ký trong tháng 11/2016. Nhiều khả năng một dự án quy mô lớn đã bị thu hồi.
Mặc dù thông tin của Cục Đầu tư nước ngoài không cho biết cụ thể về dự án này nhưng sự “bốc hơi” của khoản vốn 560 triệu USD đã ảnh hưởng khá lớn tới kết quả chung cuộc về tình hình thu hút FDI của cả nước trong 11 tháng qua. Ảnh hưởng khá nặng nề trong bối cảnh những tháng gần đây do không có dự án quy mô tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư, vốn FDI vào Việt Nam đang có xu hướng sụt giảm so với cùng kỳ năm 2015.
Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 11 tháng năm 2016 là 18,103 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 89,5%, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài.
Trong đó, có 2.240 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 13,028 tỷ USD, con số này so với cùng kỳ năm ngoái bằng 96,1%. Bên cạnh đó, có 1.075 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,075 tỷ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu thực tế cho thấy, vốn đầu tư FDI vào BĐS không lớn như vẫn
hình dung.
So với con số của 10 tháng đầu năm (cả vốn cấp mới và tăng thêm đạt 17,6 tỷ USD) thì trong tháng 11/2016, cả nước chỉ thu hút được 490 triệu USD vốn FDI, bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm.
Tính bình quân theo tháng thì đây là mức thu hút vốn FDI khá thấp. Tồn tại thực trạng này là do sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn. Tuy nhiên, sự thiếu vắng 560 triệu USD của lĩnh vực BĐS mới chính là nguyên nhân cơ bản nhất khiến tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm của tháng 11 chỉ còn chưa đầy 500 triệu USD.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong tháng 11, vốn FDI đăng ký mới đạt 1,1 tỷ USD, đây không phải là con số quá thấp.
Vốn FDI vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm chỉ trên 18 tỷ USD, do đó, gần như chắc chắn kết quả thu hút FDI năm 2016 không thể với tới được con số 23 tỷ USD của năm 2015. Trừ trường hợp vào tháng cuối cùng của năm, các dự án BOT ngành điện có vốn đầu tư bình quân khoảng 2 tỷ USD/dự án được cấp chứng nhận đầu tư. Thế nhưng, trường hợp này khó có thể xảy ra đồng thời.
Có thể số liệu về vốn FDI tăng thêm sẽ tiếp tục “hao hụt”. Bởi lẽ, Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ đã chính thức có quyết định về việc chấm dứt thực hiện Dự án Nhà máy Lọc dầu Cần Thơ do chủ đầu tư không thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư 2014.
Dự án Lọc dầu Cần Thơ công suất 2 triệu tấn/năm được Cần Thơ cấp giấy chứng đầu tư vào ngày 19/05/2008, có tổng vốn đầu tư đăng ký là 8.608 tỷ đồng (538 triệu USD). Dự án này do liên doanh giữa Công ty CP Đầu tư Thương mại Viễn Đông (chiếm 30% vốn điều lệ) và Công ty Semtech Limited B.V.I (chiếm 70% vốn điều lệ) làm chủ đầu tư.
Được biết, dự án này đã nhiều lần bị các cơ quan chức năng của Cần Thơ cảnh báo rút phép do chậm triển khai.
Hồi tháng 08/2015, Viễn Đông đã đề xuất việc để Công ty Razeedland Plaza (M) SDN. BHD Malaysia (RPSB) thay thế Công ty Semtech Limited B.V.I thực hiện Dự án Lọc dầu Cần Thơ nhưng vẫn không có kết quả. Công trình gần 10 năm không triển khai này đã được đặt dấu chấm hết. Như vậy, việc dự án này bị thu hồi cũng sẽ ảnh hưởng tới số liệu thống kê cả năm về tình hình thu hút FDI của Việt Nam.