SearchNews

Xu hướng phát triển của bất động sản công nghiệp năm 2022

24/11/2021 08:02

Ngoài kho xưởng xây sẵn, nhu cầu đối với đất công nghiệp và hậu cần được dự báo sẽ tiếp tục là nhu cầu chính của thị trường bất động sản công nghiệp trong năm 2022. Đáng chú ý, nhu cầu về kho lạnh và trung tâm dữ liệu đang tăng cao, đạt được sức hút lớn trong vài năm trở lại đây. Dự báo, trong năm tới, Việt Nam nằm trong tầm ngắm của các "siêu" dự án.

Thị trường bất động sản nói chung và phân khúc bất động sản công nghiệp nói riêng năm 2021 chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19. So với 3 tháng đầu năm, phân khúc này có xu hướng chững lại trong quý 2 và quý 3.

Báo cáo của Savills Việt Nam cho biết, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn ghi nhận tín hiệu khả quan. Một số khu công nghiệp mới đã được thành lập, cùng với đó, các dự án công nghiệp trọng điểm cũng đã bắt đầu hoạt động.

Theo số liệu thống kê, trong nửa đầu năm nay, có 25 khu công nghiệp mới được thành lập, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 19 khu công nghiệp. Tại một số tỉnh, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp cơ bản vẫn ổn định và giá tăng nhẹ so với những năm 2018 - 2020. Tuy vậy, giá thuê tại một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo chỉ rõ, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng. Đây cũng chính là một trong những lý do chính khiến phân khúc này đạt được kết quả khả quan nêu trên.

hình ảnh phối cảnh tổng thể một khu công nghiệp nhìn từ trên cao
 Bất động sản công nghiệp Việt Nam được dự báo nằm trong tầm ngắm của các dự án có quy mô "siêu" lớn. Ảnh minh họa

Tính đến 9 tháng đầu năm 2021, có 2.242 dự án từ tất cả trừ một quốc gia thuộc EU đầu tư vào Việt Nam, tăng 164 dự án so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 22,24 tỷ USD, tăng 483 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, bất chấp đại dịch. So với cùng kỳ năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo tăng 16,45%; FDI mới đăng ký trong lĩnh vực sản xuất cũng tăng 16,15%.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp được củng cố bởi kế hoạch mở cửa trở lại của Chính phủ. Việc mở cửa các chuyến bay quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng mang lại kỳ vọng bất động sản công nghiệp trong quý 4/2021 sẽ khả quan hơn so với 3 quý trước.

Chuyên gia của Savills Việt Nam nhận định, kế hoạch mở cửa trở lại và sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của Chính phủ đối với các nhà đầu tư ngoại hứa hẹn các doanh nghiệp địa phương sẽ phục hồi và thích ứng tuyệt đối trong bối cảnh bình thường mới.

Việc phong tỏa, hạn chế đi lại đã làm chậm sự di dời hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc như dự kiến, nhưng các nhà phát triển tin rằng, trong năm tới, hoạt động cho thuê sẽ hiệu quả hơn. Khi các hạn chế được dỡ bỏ, khách thuê cũng như nhà đầu tư sẽ có lựa chọn về nguồn cung mới.

Trong năm 2022, ngoài kho xưởng xây sẵn, nhu cầu đối với đất công nghiệp và hậu cần  sẽ tiếp tục là nhu cầu chính của thị trường. Xét về mặt xu hướng, nhu cầu về kho lạnh và trung tâm dữ liệu đang tăng cao, đạt được sức hút lớn trong các năm 2020 - 2021. Việt Nam hiện  đang dẫn đầu thị trường trung tâm dữ liệu Đông Nam Á, dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 14,6%, đạt 1,6 tỷ USD vào năm 2025.

Bên cạnh đó, ông John Campbell cho hay, các ngành công nghiệp giá trị thấp cũng đang bắt đầu hình thành ở những nơi khác trong khu vực Đông Nam Á do Việt Nam không còn cung cấp các ưu đãi như cũ. Ngành dệt may, nội thất phải vật lộn để tìm nguồn lao động, đất đai có giá cả phải chăng tại Việt Nam. Tuy vậy, giới đầu tư các ngành công nghiệp có giá trị cao tại nước ngoài vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Savills nhận định, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển theo chuỗi giá trị nhờ vào tốc độ tăng trưởng ổn định, môi trường kinh doanh, các hiệp định thương mại tự do FTA, cùng với việc nhiều đơn vị sản xuất di dời ra khỏi Trung Quốc.

Thế nên, trong năm 2022 và các năm tiếp theo, một số xu hướng được kỳ vọng sẽ tiếp tục xuất hiện như ngành công nghiệp 4.0 và sản xuất chế tạo thông minh hơn; hình thức bán - thuê lại tài sản; hiện đại hóa chuỗi cung ứng; trung tâm dữ liệu và kho lạnh; các mô hình khu công nghiệp mới và quy hoạch tổng thể hiện đại;...

Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định: "Kế hoạch mở cửa trở lại của Chính phủ đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Việc mở cửa những chuyến bay quốc tế sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết cho một năm 2022 thành công, hứa hẹn tình hình phát triển công nghiệp của quý IV sẽ khả quan hơn so với 3 quý đầu năm. Cùng với kế hoạch mở cửa trở lại, chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình các nhà đầu tư nước ngoài, hứa hẹn khả năng phục hồi và thích ứng tuyệt đối của các doanh nghiệp địa phương. Vẽ nên một bức tranh trấn an rằng Việt Nam không chỉ phục hồi mà còn trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết."

 

Lam Giang (TH)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu