SearchNews

Lãng phí đất vàng

12/09/2006 17:09

Hơn 5 triệu m2 đất thủ đô bị bỏ hoang, sử dụng lãng phí. Nhìn những lô đất với giá cả trăm triệu đồng mỗi m2 để không, người dân Hà thành không khỏi xót xa.

Hơn 5 triệu m2 đất thủ đô bị bỏ hoang, sử dụng lãng phí. Nhìn những lô đất với giá cả trăm triệu đồng mỗi m2 để không, người dân Hà thành không khỏi xót xa.

Dự án “Thành phố giao lưu” diện tích 1 triệu m2 nằm trên đường Phạm Văn Đồng, thuộc địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm được khởi thảo từ năm 1996. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần VIGEBA (Công ty Liên doanh Xây dựng Quốc tế VIC, Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam, Công ty TNHH xuất nhập khẩu tổng hợp), sau 3 năm được giao đất, giờ dự án vẫn trống trơn. Cả khu đất rộng mênh mông lưa thưa vài cây cỏ, tấm bảng đề quy hoạch dự án hoen rỉ chẳng còn nhìn rõ chữ nào.

Khu đô thị mới Đông Nam tọa lạc trên khu đất đẹp nhất đường Trần Duy Hưng (gần siêu thị Big C), thuộc địa bàn quận Cầu Giấy và Thanh Xuân. Dự án do Công ty tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội và Công ty xây dựng công nghiệp làm chủ đầu tư với tổng diện tích 354.323 m2. Theo chủ trương ban đầu, Hà Nội dành khu đất này để phân lô cho các tỉnh thành bạn vào đầu tư xây dựng. Được thành phố phê duyệt quy hoạch từ năm 2003, giải phóng mặt bằng sau 5 tháng nhưng hiện nay khu đất vẫn chưa san nền xong. Sau 5 lần điều chỉnh quy hoạch, thay đổi chủ trương đầu tư, dự kiến đến năm 2007 mới có thể hoàn thiện đồng bộ hạ tầng cả dự án.

Dự án nhà cho thuê cao tầng Láng Hạ - Thanh Xuân nằm trên đường Láng Hạ kéo dài do Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Xây dựng khởi công từ giữa năm 2005, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2007. Năm 2006 sắp trôi qua, khu đất vẫn hoang hóa chưa tiến hành bất cứ hạng mục nào, một vài chỗ thành nơi đổ phế thải xây dựng.

Tình cảnh khu đất đối diện với đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính và tòa nhà văn phòng Hacinco trên đường Láng Hạ cũng tương tự. Cả khu đất rộng vẫn để hoang không một tấm biển báo cho người dân biết nó đã được quy hoạch.

Không chỉ có những dự án treo tọa lạc tại các con đường mới, đường vành đai, ngay trung tâm thành phố cũng tồn tại nhiều khu đất quây kín cho cỏ mọc. Trung tâm giao dịch và điều hành viễn thông quốc gia do nhà thầu Vinaconex đảm nhiệm có diện tích khoảng 2.000 m2, với ba mặt tiền đường Hùng Vương, Trần Phú, Ông, Ích Khiêm trông thật tiêu điều. Khu đất trở thành bãi đỗ của vài chiếc xe cáu bẩn, một dãy lán với đầy cây cỏ mọc hoang.

Ngay cạnh Làng quốc tế Thăng Long là khu đất rộng theo quy hoạch xây dựng nhà chung cư do Tổng công ty Xây dựng Tây Hồ làm chủ đầu tư. Dân chờ nhà mỏi cổ, nhưng hiện giờ cả khu đất rộng chỉ có độc gian nhà cấp 4 dựng ngay cổng cho bảo vệ. Mấy anh xe ôm, bà bán nước chép miệng: "Không hiểu sao tấc đất tấc vàng mà người ta cứ bình chân như vại để không". Những khu đất quây kín, án binh bất động như vậy xuất hiện cả trên đường Láng Hạ, Thái Hà.

Thu hồi: Phức tạp

Chủ trương thu hồi đất bỏ hoang được Hà Nội thực hiện từ năm 2004, trước khi Luật Đất đai có hiệu lực. Tuy vậy, kết quả rất khiêm tốn, năm 2005 thực hiện rất quyết liệt thành phố thu hồi được vỏn vẹn vài trăm nghìn m2.

Hồi tháng 6 năm nay, UBND TP có quyết định thông báo sẽ mạnh tay thu hồi đất không sử dụng trong thời gian 12 tháng, hoặc tiến độ sử dụng chậm hơn 24 tháng so với kế hoạch. Nhưng thực tế triển khai theo Phó chủ tịch UBND TP Lê Quý Đôn vô cùng phức tạp.

Thông thường, với những lô đất để hoang sử dụng lãng phí trong thời gian dài, thanh tra đất đai thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Nhà đất rà soát lại toàn bộ rồi lập hồ sơ đề nghị UBND có quyết định thu hồi. Sau đó, thành phố yêu cầu các tổ chức, cá nhân tự kiểm tra, điều chỉnh phương án sử dụng đất... Nếu không khắc phục được, thành phố sẽ tiến hành thu hồi rồi mời các nhà đầu tư khác vào tham gia đấu giá.

Quy trình rõ ràng như vậy, nhưng ông phó chủ tịch cho hay nhiều trường hợp doanh nghiệp và cơ quan chủ quản đều tha thiết đánh công văn xin hoãn để họ sửa đổi. Ông Đôn dẫn chứng trường hợp thu hồi khu đất hơn 1.000 m2 của Công ty Dược phẩm trung ương 1 tại quận Đống Đa, với gần chục cuộc họp giờ vẫn chưa tiến hành xong.

"Nhìn đất để hoang hóa đấy nhưng động vào lại rất phức tạp, xử lý không khéo lại sinh khiếu kiện lòng vòng", Phó chủ tịch Lê Quý Đôn nói.

(Theo VnExpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu