Các doanh nghiệp xây dựng đánh giá, xin cấp phép xây dựng là một trong những thủ tục hành chính tốn thời gian nhất hiện nay.
Đại diện Công ty Thương mại - Xây dựng Lê Thành tại Tp.HCM cho biết, doanh nghiệp này triển khai 8 dự án nhà ở nhưng không dự án nào xin cấp phép dưới 30 tháng, có dự án mất đến 4 - 5 năm.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Invest chia sẻ, doanh nghiệp của ông xin chấp thuận đầu tư dự án, nhà đầu tư phải nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi xem xét thấy hồ sơ hợp lệ, Sở KHĐT sẽ có văn bản gửi các Sở ban ngành của TP xin ý kiến về các lĩnh vực quản lý của mình.
Chủ đầu tư dự án BĐS rất ngại thủ tục cấp phép xây dựng
(Ảnh: Minh Thư)
Theo đó, phòng đô thị quận phải đợi tất cả các văn bản tham gia ý kiến của các phòng khác mới tổng hợp, báo cáo lãnh đạo quận dù văn bản có ghi thời hạn trả lời và quá thời hạn không có văn bản coi như là đồng ý. Tuy nhiên, quá thời hạn mà không có văn bản thì vẫn không triển khai mà vẫn phải... đợi khi nào có văn bản. Cụ thể, khi Sở KHĐT xin ý kiến của UBND quận, quận giao cho phòng đô thị giải quyết. Tuy nhiên, phòng đô thị lại tiếp tục có văn bản hỏi các phòng trong quận (phòng tài nguyên, tài chính, ban QLDA, UBND phường, phòng giáo dục …). Như vậy, nhà đầu tư phải đi tất cả các phòng để giải trình, họp cư dân mới có được văn bản trả lời để phòng đô thị tổng hợp.
Theo ông Hiệp, sự cồng kềnh trong thủ tục hành chính gây phiền toái cho các nhà đầu tư, làm chậm tiến độ khi mà có những thủ tục kéo dài tới 6 - 7 tháng ở một đơn vị.
Ông Hiệp bức xúc, chủ trương của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Thực tế, thủ tục hành chính vẫn không cải thiện. Ông cho rằng, doanh nghiệp sợ nhất bị "hành là chính" ở UBND quận và ở Sở.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp còn dẫn chứng thêm, thủ tục cấp phép xây dựng tại UBND quận là rất đáng ngại. Nhà đầu tư nộp hồ sơ xong hết nhưng phải gần đến ngày hết hạn trả kết quả thì quận mới thông báo cho nhà đầu tư bổ sung tài liệu. Sau khi nộp bổ sung thì thời gian lại được tính từ đầu, doanh nghiệp lại "dài cổ" chờ.
Bà Hương Trần Kiều Dung, TGĐ Tập đoàn FLC cho rằng, so với năm 2015, thủ tục cấp GPXD năm 2016 tốn nhiều thời gian hơn. Nếu như năm 2015 chỉ mất 114 ngày thì năm 2016 phải mất 166 ngày. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian thủ tục này.
Mặt khác, theo bà Dung, có những dự án doanh nghiệp này triển khai ở các địa phương với quy mô không lớn nhưng các địa phương không dám cấp phép đầu tư mà phải gửi lên Bộ Xây dựng thẩm định. Với những dự án như vậy, qua vòng sở, UBND các tỉnh đã rất lâu, lại chờ lên Bộ Xây dựng thẩm định xong thì quá lâu. Đề nghị Bộ Xây dựng có phân cấp, phân quyền để rút ngắn thời gian hơn.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng cho biết, cách đây hơn 10 năm, khi các doanh nghiệp muốn xin GPXD hay đầu tư cho một dự án rất đơn giản. Từ năm 2010 trở lại đây, thủ tục không những được đơn giản hóa mà lại có chiều hướng "nở" thêm khiến doanh nghiệp chật vật. Hệ quả cuối cùng, người mua nhà sẽ phải gánh chịu.
Ông Đực tính toán, thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng dự án cứ kéo dài thêm một năm thì doanh nghiệp tăng thêm 5% chi phí.
Ông Đực phân tích cụ thể, ở giai đoạn 1: Trước Nghị định 90/2006, thủ tục đơn giản. Doanh nghiệp muốn khởi công dự án chỉ cần có quyết định giao đất, phê duyệt quy hoạch 1/500. Thiết kế hạ tầng, giấy phép môi trường, PCCC bổ sung sau khi xây dựng. Giá bán thời điểm đó là 5 - 6 triệu đồng/m2.
Giai đoạn 2: Nghị định 90/2006 và Nghị định 71/2010 quy định về dự án đầu tư và giấy phép xây dựng quy định bên cạnh quyết định giao đất và phê quyệt quy hoạch 1/500 cần phải thiết kế cơ sở hạ tầng gồm PCCC, môi trường, điện, nước mới được phê duyệt dự án đầu tư. Sau đó, doanh nghiệp mới được cấp giấy phép xây dựng, hoàn thành đầy đủ thủ tục sẽ được khởi công. Để làm đầy đủ thủ tục này, doanh nghiệp thường mất thời gian làm 2 - 3 năm.
Giai đoạn 3: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiết kế kỹ thuật và giấy phép xây dựng. Cùng với các thủ tục ở giai đoạn 2, chủ đầu tư phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiết kế kỹ thuật, giấy phép xây dựng mới được khởi công. Việc quản lý quá chặt qua nhiều khâu nói trên khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
Từ phân tích trên, ông Đực kiến nghị, Nhà nước xem xét lại, nên áp dụng quy định về quản lý đầu tư dự án phát triển nhà ở như ở giai đoạn 1. Hơn nữa, Nhà nước nên cho phép chủ đầu tư khởi công xây dựng phần móng, tầng hầm của công trình khi cơ quan thẩm quyền đã duyệt quy hoạch. Thời gian xây dựng phần móng tầng hầm kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm nên sẽ đủ thời gian để chủ đầu tư lập thủ tục cấp GPXD và các thủ tục bổ sung.