Hàng tháng chỉ trả góp 1 triệu khi mua NƠXH
Tại diễn đàn Hội nghị bất động sản Quốc tế - IREC 2018 được tổ chức tại Hà Nội, khi thảo luận về chương trình phát triển loại hình NƠXH, các chuyên gia đến từ Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm cũng như các giải pháp khắc phục khó khăn, cách thức triển khai loại hình nhà ở này tại Việt Nam.
Ông Noh Keuk, chuyên gia về NƠXH cho biết, tại Hàn Quốc, việc xây dựng NƠXH được Chính phủ hỗ trợ thông qua nhiều hình thức bằng việc phân chia thành các nhóm thu nhập. Mỗi nhóm được điều chỉnh bằng những chính sách khác nhau cho phù hợp với túi tiền.
Chính phủ sẽ xây những khu nhà cho thuê và hỗ trợ về tài chính cho những người nghèo không có đủ tiền để thuê nhà. Giá thuê thậm chí còn thấp hơn thị trường khoảng 30%. Sau 10 năm, những ngôi nhà này có thể được bán dưới dạng NƠXH. Nhóm 3, 4 được hỗ trợ thấp hơn giá thị trường 15%. Những nhóm thu nhập trung bình (không phải là thu nhập thấp) sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn khi mua nhà.
Các chuyên gia quốc tế chia sẻ về kinh nghiệm triển khai NƠXH và nhà giá rẻ tại IREC 2018.
Ông Noh Jae Keuk cũng cho biết rằng, tại Hàn Quốc, Chính phủ còn dành ngân sách để lập quỹ nhà ở và có sự tham gia đóng góp của người dân. Hàng tháng, người dân có thể đóng góp 100 USD hoặc 500 USD vào đó. Tất nhiên, có một số người thu nhập rất thấp không thể đóng góp. Tuy nhiên, những ai muốn mua NƠXH thì đều phải đóng cho quỹ nhà ở.
Còn theo ông Vichai Viratkapan PhD, Trung tâm thông tin Bất động sản, Ngân hàng Nhà ở, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra hình thức mua nhà trả góp với lãi suất rất thấp, khoảng 3-4%/năm trong suốt 3 năm đầu tiên nhằm hỗ trợ những người mua NƠXH. Như vậy, mỗi tháng người dân chỉ phải trả 1.500-2.000 bath (tương đương khoảng 1-1,5 triệu đồng/tháng). Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi cho các công ty xây dựng tư nhân khi tham gia phát triển NƠXH.
NƠXH tại Việt Nam gặp khó
Theo ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch M.I.K Group, tại Việt Nam, Nhà nước cần cắt giảm các thủ tục, giấy tờ đối với các nhà thầu tư nhân khi tham gia vào lĩnh vực phát triển NƠXH thì mới có thể thu hút khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, NƠXH cần được xây dựng ở xa khu vực trung tâm để người dân có thể mua nhà với giá rẻ nhất. Ông Trân cũng khẳng định, đi kèm với đó là phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng như cơ sở y tế, trường học... để tránh tình trạng các khu NƠXH xây xong rồi bị bỏ hoang.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (thuộc Bộ Xây dựng) cho rằng, mật độ dân số tại Việt Nam ở mức cao nên Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp. Ông Ninh cũng cho biết, từ năm 2009, Chính phủ đã có một chương trình riêng về NƠXH dành cho người thu nhập thấp. Tại các đô thị, tập trung 2 đối tượng chính là người thu nhập thấp và công nhân lao động.
Hiện tại, về nhà ở xã hội tại đô thị, đã có 86 dự án đã được xây dựng, 134 dự án đang được triển khai. Quỹ nhà được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước giải quyết được 200.000 chỗ ở cho sinh viên. Tại các khu công nghiệp, có 100 dự án đã được xây dựng và 72 dự án đang triển khai.
|
Do thiếu hụt nguồn vốn và hạn chế về quỹ đất nên việc phát triển NƠXH tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh dự án NƠXH 987 Tam Trinh, Hà Nội). |
Tuy nhiên, ông Ninh nhận định, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong phát triển NƠXH. Cụ thể, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng nên việc lựa chọn nguồn cung về quỹ đất là rất khó khăn, tại khu vực trung tâm hầu như không còn quỹ đất, khu vực ở xã trung tâm thì lại chưa được hoàn thiện về hạ tầng kết nối.
Theo ông Ninh, khó khăn nữa là nguồn vốn bởi nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư công chưa đáp ứng đủ. Nhu cầu hiện tại là 1 triệu căn hộ nhưng nguồn vốn mới chỉ đáp ứng được 30%, trong khi NƠXH chưa đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư cùng tham gia.
Về giải pháp triển khai NƠXH, ông Ninh cho biết, Việt Nam đang cùng Hàn Quốc nghiên cứu chính sách NƠXH, nhà giá rẻ trong giai đoạn tới. Vấn đề cần giải quyết là làm sao để khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, giảm sự phụ thuộc vào Chính phủ.