Ông Nam cho biết, UBND TP. Đà Nẵng trước đó đã có công văn số 3073 về hoạt động kinh doanh, giao dịch bất động sản.
Cụ thể, Sở Xây dựng Đà Nẵng được giao nhiệm vụ thường xuyên cập nhật thông tin về các dự án bất động sản được phê duyệt, được chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân xây dựng nhà ở theo Nghị định số 11/2013/NĐ-CP cũng như các dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
|
Trong cơn sốt đất Đà Nẵng, người dân phải cẩn trọng khi giao dịch. (Ảnh: Hoài An) |
Mặt khác, lãnh đạo TP. Đà Nẵng giao Công an Thành phố thực hiện kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong huy động vốn, giao dịch, kinh doanh bất động sản của các cá nhân, tổ chức liên quan theo đúng quy định hiện hành.
Ông Nam cho hay, trên thực tế vẫn còn tình trạng các cá nhân, tổ chức thực hiện huy động vốn, giao dịch, kinh doanh địa ốc trong khi chưa đảm bảo các điều kiện quy định. Thực trạng này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người dân, dẫn tới khiếu kiện, tranh chấp, ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Chính vì thế, Sở Xây dựng Đà Nẵng khuyến cáo người dân có nhu cầu mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và các dự án phát triển đô thị trên địa bàn cần tìm hiểu kỹ lưỡng các quy định pháp luật dân sự, pháp luật về nhà ở trước khi thực hiện giao dịch mua bán, đặt cọc giữ chỗ mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền trong các dự án phát triển đô thị để tránh rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra.
Thị trường địa ốc Đà Nẵng thời gian qua ghi nhận tình trạng cò đất ồ ạt đổ về các thôn làng thổi giá đất lên mức cao ngất ngưởng. Đất ruộng, đất vườn... được hét giá trên trời. Người dân đua nhau bán đất khiến chính quyền huyện Hòa Vang phải ra văn bản cảnh báo. Đặc biệt, tình trạng lừa đảo cũng xuất hiện trong cơn sốt đất khiến người mua gặp không ít rủi ro.
Theo Pháp Luật Tp.HCM Online