Trên cơ sở xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng giao thông kỹ thuật, 5 huyện vùng ven TP.HCM nói trên có thể phát triển mô hình dân cư nông thôn theo hướng đô thị hóa.
Theo phân tích của HoREA, lợi thế đặc biệt của huyện Củ Chi là di tích địa đạo Củ Chi cùng nhiều khu công nghiệp. Trong khi đó, huyện Hóc Môn có mảng xanh lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển công trình xanh, các cụm dân cư. Với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Rừng Sác, dự án cầu Cần giờ, khu đô thị lấn biển Cần Giờ và di tích lịch sử Đoàn 10 Rừng Sác, huyện Cần Giờ có nhiều tiềm năng để phát triển các cụm dân cư mới.
Huyện nhà Bè (giáp quận 7) có nhiều lợi thế khi kết nối nhanh với Khu đô thị - cảng biển Hiệp Phước và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Lợi thế của huyện Bình Chánh là có chợ đầu mối, đầu mối nối kết giao thông, bệnh viện tuyến cuối, dân số lên tới 705.508 người, tốc độ đô thị hóa tại nhiều xã rất cao như xã Bình Chánh, Tân Túc, Phong Phú, Bình Hưng.
|
Hình ảnh một dự án bất động sản tại huyện ven Sài Gòn. (Ảnh: P.V) |
Đặc biệt, văn bản đề xuất của HoREA nhấn mạnh, việc hình thành nhiều cụm dân cư nông thôn đang đô thị hóa ở 5 huyện vùng ven là điều kiện để tái cơ cấu dân cư TP.HCM, đồng thời tránh áp lực dân cư với mật độ quá cao ở khu trung tâm hiện đang trong tình trạng quá tải. Hơn nữa, trong tương lai gần, việc phát triển cụm dân cư mới ở 5 huyện vùng ven còn góp phần hình thành thị trường ngôi nhà thứ 2 (second home - mô hình BĐS du lịch nghỉ dưỡng) để phát triển du lịch và đáp ứng nhu cầu của người dân TP.HCM.
Nhiều mô hình BĐS lưu trú đang phát triển mạnh mẽ về lượng trên cả nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng cũng được HoREA đề cập tới. Theo Hiệp hội, trong tương lai, những mô hình này có thể sẽ xuất hiện tại 5 huyện vùng ven Sài Gòn.
Cụ thể, các mô hình BĐS lưu trú gồm condotel (căn hộ du lịch), serviced apartment (căn hộ dịch vụ), officetel (văn phòng lưu trú), shophouse (cửa hàng thương mại lưu trú) kết hợp làm việc, lưu trú và kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thực trên thị trường.
Trừ căn hộ dịch vụ được sở hữu có thời hạn hoặc được hộ gia đình thuê, những mô hình lưu trú trên đã được tính những chỉ tiêu quy hoạch tương tự dự án căn hộ thông thường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, shophouse, condotel và officetel đang bị biến tướng thành dạng căn hộ gia đình thông thường. Vì chưa quy định các chỉ tiêu quy hoạch nên tình trạng này có thể dẫn tới quá tải hạ tầng đô thị, chưa cấp được sổ đỏ. Thế nên, HoREA cho rằng, cần phải bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật nhằm xác định các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng, dân số, thiết kế phù hợp, cấp sổ đỏ có thời hạn cho khách hàng, tạo lộ trình phát triển bền vững cho dòng sản phẩm lưu trú mới.
Cũng theo HoREA, để có thể thực hiện tốt mô hình cụm dân cư nông thôn đô thị hóa, các huyện cần quản lý chặt việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, không để biến tướng thành nhà có nhiều phòng cho thuê, thành chung cư mini, không đảm bảo an toàn. Trong công tác quản lý nhà nước về nhà ở, ứng dụng chia sẻ phòng thuê (mô hình Airbnb) là thách thức mới đặt ra cho chính quyền địa phương.