Sáng 4/8/2017, Sở Xây dựng Tp.HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM tổ chức Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền TP về lĩnh vực hoạt động xây dựng và kinh doanh địa ốc.
Về vấn đề nhà ở giá rẻ, Phó Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành, ông Nguyễn Văn Đực đề cập tới việc xây nhà có giá từ 200-300 triệu đồng/căn. Ông Đực cho rằng, điều này hoàn toàn có thể làm được tại các huyện Nhơn Trạch, Nhà Bè, Bình Chánh,...
Theo Giám đốc sở Xây dựng TP, ông Trần Trọng Tuấn, trong nhiều năm qua, xây nhà ở giá rẻ là chủ trương xuyên suốt của Tp.HCM. Hiện TP đã xây dựng được 40.000 căn hộ cho các công nhân và 36.000 căn hộ ven kênh rạch. Mới đây, Sở đã trình UBND TP về kế hoạch đầu tư 20.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2020.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, tuy việc xây nhà giá rẻ 200-300 triệu đồng/căn là điều hoàn toàn có thể làm được nhưng Sở không khuyến khích. Lý do là, nhà ở không chỉ là nơi ở mà còn liên quan đến chất lượng cuộc sống và gắn liền với hạ tầng kỹ thuật. Ông Tuấn thông tin: "Chúng tôi đang tính toán xây dựng căn hộ có giá từ 350 đến dưới 1 tỷ đồng với mục tiêu xây dựng hình ảnh xã hội đẹp về mỹ thuật và đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, xã hội”.
Tp.HCM đã xây dựng được 40.000 căn hộ cho các công nhân và 36.000 căn hộ
ven kênh rạch.
Bàn về dự án Bắc Rạch Chiếc, theo đại diện Công ty địa ốc Him Lam, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao đất cho Công ty địa ốc 10 làm hạ tầng trục chính công trình này. Sau khi Địa ốc 10 hoàn thành hạ tầng trục chính xong, bàn giao lại cho TP. Theo quy định hiện hành, khi đó TP mới thực hiện giao đất cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Tuy nhiên, hiện việc giao đất cho các nhà đất tư thứ cấp bị tắc nghẽn. Riêng Him Lam có 3 ha đất trong đó vẫn chưa được giao. Nguyên nhân là do Địa ốc 10 không hoàn thành dự án hạ tầng trục chính dự án Bắc Rạch Chiếc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Từ năm 2002, Him Lam đã liên kết với Địa ốc 10 để trở thành nhà đầu tư thứ cấp. Đồng thời, Him Lam cũng đã đền bù giải tỏa, xây dựng hạ tầng xong cách đây vài năm. Tuy nhiên, do chủ đầu tư trục chính không đủ năng lực tài chính để triển khai nên dự án vẫn chưa thực hiện được. Vậy nên, chủ đầu tư tốn nhiều thời gian, chi phí tài chính...
Trước thực trạng đó, lãnh đạo Sở Xây dựng yêu cầu làm rõ bản chất của vấn đề, nguyên nhân là do thủ tục hành chính hay do thực tại khó khăn của dự án hay từ một yếu tố khách quan nào khác. Chỉ khi từng vấn đề được làm rõ mới có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Những vấn đề liên quan đến dự án Bắc Rạch Chiếc là do năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư chính không đảm bảo nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thể đảm bảo tiến độ giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Tuấn nhận định: "Đây cũng là điểm mà pháp luật cần phải điều chỉnh theo hướng sau khi nhà đầu tư trục chính thực hiện xong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật xong thì nhà đầu tư thứ cấp muốn tham gia phải nhận chuyển nhượng một phần dự án hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được cấp cho một phần dự án đó".
Trong khi đó, theo Giám đốc công ty địa ốc Lê Thành, ông Lê Hữu Nghĩa, Sở xây dựng cần quản lý chặt chẽ hơn các hợp đồng mua bán tại các dự án để tránh việc tranh chấp sau này. Thực tế cho thấy, có những dự án có giấy tờ pháp lý chưa hoàn chỉnh nhưng vẫn được phép bán nhà "trên giấy". "Trong khi đó, người mua nhà lại không hề quan tâm đến vấn đề pháp lý dự án mà cứ cắm đầu vào mua bất chấp rủi ro có thể xảy ra trong tương lai", vị này nhấn mạnh.
Theo Pháp luật Tp.HCM Online