Trong quý đầu năm nay, thị trường bất động sản Bắc Giang ghi nhận cơn sốt đất với mức giá chào bán tăng chóng mặt. Đất Bắc Giang tăng giá gấp đôi, gấp 3 chỉ trong thời gian ngắn, thậm chí có những lô đất tăng giá tới 4 lần. Đất nền Bắc Giang trở thành tâm điểm hút giới đầu tư, doanh nghiệp lớn khiến lượng quan tâm tăng đến 256% so với quý 4/2020.
Trước thực trạng giá đất tăng nóng, để ổn định thị trường, chính quyền địa phương đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại các khu vực quy hoạch dự án. Cùng với đó, dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ hồi tháng 4 - Bắc Giang trở thành ổ dịch lớn nhất nước thời điểm đó nên hoạt động giao dịch bất động sản lắng xuống.
Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi dịch bệnh được kiểm soát, bất động sản Bắc Giang đã có dấu hiệu phục hồi tích cực, bật tăng trở lại. Theo báo cáo của chuyên trang Batdongsan.com.vn, lượt quan tâm trong tháng 7/2021 tăng 22% so với tháng trước đó. Sang tháng 8, mức độ quan tâm tiếp tục tăng trưởng, mức tăng đạt 26%.
Như vậy, có thể thấy, thị trường nhà đất Bắc Giang luôn có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu cá nhân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tại sao vậy? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các nguyên nhân.
|
Bất động sản Bắc Giang phục hồi tích cực trong các tháng gần đây. Ảnh: BGP |
1. Vị trí địa lý, khí hậu thuận lợi
Về vị trí địa lý, Bắc Giang thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, nằm ở tọa độ địa lý từ 21°07’ đến 21°37’ vĩ độ Bắc; từ 105°53’ đến 107°02’ kinh độ Đông. Phía Đông giáp Quảng Ninh; phía Tây giáp TP. Hà Nội, Thái Nguyên; phía Nam giáp Hải Dương, Bắc Ninh; phía Bắc giáp Lạng Sơn.
Tỉnh Bắc Giang nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - TP.HCM - Mộc Bài (thuộc Hành lang xuyên Á Nam Ninh - Singapore), liền kề "tam giác kinh tế phát triển" Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là đầu mối giao lưu kinh tế, khoa học, công nghệ, thị trường tiêu thụ lớn...
Bắc Giang có diện tích tự nhiên 3.895 km², dân số hơn 1,8 triệu người (năm 2019). Tỉnh có 09 đơn vị hành chính cấp huyện và 01 thành phố. Trung tâm hành chính của tỉnh - TP. Bắc Giang cách Thủ đô 50km; cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110km; cách sân bay quốc tế Nội Bài 50km; cách cảng biển Hải Phòng, cảng biển nước sâu Cái Lân - Quảng Ninh 130km.
Về khí hậu, Bắc Giang thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa khu vực Đông Bắc Việt Nam, với 4 mùa rõ rệt trong năm. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23 -24 độ C; độ ẩm không khí từ 74 - 87%. Lượng nắng trung bình hàng năm từ 1.500 - 1.700 giờ, thuận lợi cho đời sống, sản xuất của người dân.
Vị trí địa lý đắc địa, khí hậu thuận lợi là yếu tố quan trọng, tiên quyết, góp phần đưa bất động sản Bắc Giang trở thành tâm điểm hấp dẫn giới đầu tư trong và ngoài nước.
2. Hạ tầng, giao thông phát triển
Tỉnh Bắc Giang có hệ thống giao thông đa dạng và thuận tiện, gồm đường bộ, đường sắt và đường sông được phân bố hợp lý. Trong đó, đường bộ có Quốc lộ 1A nằm trong hệ thống đường bộ xuyên Á, Quốc lộ 17 kết nối với Khu công nghiệp Quế Võ - Bắc Ninh, Quốc lộ 18 đi Quảng Ninh, Hải Phòng, Quốc lộ 37 kết nối Bắc Giang - Thái Nguyên; cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, đường vành đai 4 Hà Nội kết nối cao tốc Hà Nội - Bắc Giang với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Đường sắt có tuyến Hà Nội - Lạng Sơn thông thương sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan; tuyến Kép - Bãi Cháy, Quảng Ninh; tuyến Kép - Lưu Xá, Thái Nguyên. Đường sông có sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu... thuận lợi cho vận tải hàng hóa và dịch vụ logistics phát triển.
Trong năm 2021, Bắc Giang đồng loạt khởi công nhiều dự án giao thông với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 298 từ Tân Yên đi Việt Yên; đường nối Quốc lộ 37 - Quốc lộ 17 - Võ Nhai, nâng cấp đường tỉnh 291 tại huyện Sơn Động; đường nối từ Quốc lộ 37 - Quốc lộ 17 - đường tỉnh 292;... nhằm cải thiện hệ thống giao thông tỉnh.
Tỉnh Bắc Giang, nhất là TP. Bắc Giang cũng đang tập trung nguồn lực để nâng cấp kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển đô thị, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tăng cường kết nối giao thương.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, Internet tốc độ cao đáp ứng nhu cầu liên lạc của người dân cũng như nhà đầu tư. Dự án Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang tại xã Song Khê, TP. Bắc Giang chính thức được khởi công vào cuối tháng 9 vừa qua cũng sẽ góp phần tăng cơ hội liên kết và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
|
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh: BGP |
>>> Xem thêm:
3. Nguồn nhân lực trẻ dồi dào, chất lượng
Số liệu thống kê cho biết, tỉnh Bắc Giang có nguồn nhân lực trẻ, năng động với trình độ chuyên môn, tay nghề ngày càng được nâng cao. Dân số trong độ tuổi lao động trên 1,1 triệu người và lao động qua đào tạo chiếm trên 60% lực lượng lao động trong độ tuổi. Bắc Giang hiện có 01 trường đại học, 03 trường cao đẳng, 04 trường trung cấp cùng hàng loạt cơ sở đào tạo nghề.
Hàng năm, các cơ sở đào tạo của tỉnh Bắc Giang cung cấp cho thị trường lao động trung bình khoảng gần 45.000 người. Trong đó, trình độ đại học gần 700 người; cao đẳng hơn 1.700 người; trung cấp gần 2.900 người; sơ cấp hơn 25.000 người; đào tạo dưới 3 tháng hơn 13.000 người. Đây là nguồn nhân lực quan trọng bổ sung cho lực lượng lao động có trình độ của tỉnh Bắc Giang.
Nguồn lao động dồi dào, có trình độ chuyên môn cao là một trong những tiêu chí thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt nhà máy sản xuất tại Bắc Giang. Đất khu công nghiệp vì thế trở nên hấp dẫn giới đầu tư bất động sản.
4. Tiềm năng phát triển công nghiệp rất lớn
Công nghiệp được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bắc Giang với dư địa phát triển còn rất lớn. Tính đến nay, tỉnh có 06 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 1.400 ha, gồm: KCN Đình Trám 100 ha; KCN Song Khê - Nội Hoàng 180 ha; KCN Quang Châu 426 ha; KCN Vân Trung 442 ha; KCN Châu Minh - Mai Đình Bắc Giang 207 ha; KCN Việt Hàn.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép thành lập thêm 3 KCN ở Lục Nam, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang và mở rộng KCN Quang Châu, Việt Hàn, Hòa Phú với tổng diện tích hơn 1.100 ha. Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 có 27 KCN có tổng diện tích khoảng 9.000 ha và 69 cụm công nghiệp gần 3.000 ha.
Việc hàng loạt KCN, cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng và mở rộng, lượng cư dân nhập cư vào Bắc Giang ngày càng tăng cao, dẫn dến nhu cầu về nhà ở rất lớn. Nguồn cầu bất động sản nhà ở, đầu tư cũng tăng theo. Nhà đất Bắc Giang vì thế luôn có sức hút đối với nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Hàng loạt các cụm, khu công nghiệp được xây dựng và mở rộng đã khiến cho lượng nhập cư ở Bắc Giang ngày một gia tăng, tạo ra lượng cầu rất lớn về nhà ở tại đây.
|
Bất động sản công nghiệp Bắc Giang còn nhiều dư địa phát triển. Ảnh: Quyhoachvietnam |
5. Có nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Bắc Giang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Địa phương có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc với hơn 2.200 di tích, trong đó hơn 700 di tích được xếp hạng. Những công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu có thể kể đến như Chùa Vĩnh Nghiêm huyện Yên Dũng, chùa Bổ Đà huyện Việt Yên; di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, khởi nghĩa Yên Thế...
Tại Bắc Giang, các lễ hội cổ truyền vẫn được gìn giữ và phát huy. Tỉnh có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Dân ca Quan họ; Ca trù; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam; Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.
Nhiều làng nghề truyền thống ở Bắc Giang được lưu giữ, bảo tồn và phát triển như mây tre đan xã Tăng Tiến, rượu làng Vân, làng bánh đa, kẹo lạc Thổ Hà, gốm làng Ngòi, làng mỳ Chũ, làng bún Đa Mai, làng bánh đa Kế...
Cùng với đó, Bắc Giang còn được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan đẹp để phát triển nhiều loại hình du lịch như khu thắng cảnh Suối Mỡ, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, rừng nguyên sinh Khe Rỗ....
Bắc Giang đang là một trong những điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái hấp dẫn. Phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vì thế cũng được chú trọng, thu hút giới đầu tư trong và ngoài nước.
6. Tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ
Dân số đô thị của tỉnh Bắc Giang tính đến hết năm 2020 là 398.849 người, tỷ lệ dân số đô thị toàn tỉnh đạt 21,7%. Tỉnh có 16 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại II, 02 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V. Đến năm 2025, Bắc Giang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ dân số đô thị lên mức 32,4%, đến năm 2030 đạt 45 - 59%. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 32 đô thị, gồm 01 đô thị loại I (TP. Bắc Giang), 01 đô thị loại III, 04 đô thị loại IV và 26 thị trấn là đô thị loại V.
Địa phương xác định tập trung nguồn lực để quy hoạch mở rộng địa giới hành chính, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng để đưa TP. Bắc Giang lên đô thị loại I. Đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy thị trường địa ốc TP. Bắc Giang khởi sắc trong tương lai gần.
Mặt khác, TP. Bắc Giang cũng định hướng quy hoạch theo hướng đô thị nén với hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng cao, hạ tầng kỹ thuật, xã hội gắn kết đồng bộ nhằm thu hút dân cư nơi khác đến sinh sống, từ đó tăng mật độ cũng như quy mô dân số trên địa bàn TP. Đây cũng chính là tiền đề thu hút giới đầu tư bất động sản tới Bắc Giang kiến tạo, phát triển các khu đô thị, khu dân cư chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ở ngày một gia tăng.
|
Với lợi thế về cơ sở hạ tầng, giao thông phát triển, bất động sản Bắc Giang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Ảnh: Dân trí |
7. Bắc Giang đứng top đầu về thu hút vốn FDI
Với môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, Bắc Giang liên tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng vốn FDI vào Bắc Giang trong nửa đầu năm 2021 vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo mới đây của UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh thu hút được 746,87 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ. Các dự án FDI có quy mô lớn hơn, trung bình đạt 150 triệu USD mỗi dự án. Theo đó, Bắc Giang đứng thứ 8 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.
Đáng chú ý, TP. Bắc Giang hiện có trên 4.000 doanh nghiệp và 99 hợp tác xã; trên 11.500 cơ sở hoạt động thương mại, du lịch, du lịch, khách sạn nhà hàng; trên 1.670 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 7.540 tỷ đồng; 40 dự án FDI có tổng vốn đầu tư trên 236 triệu USD.
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang trong quý 2/2021 vẫn duy trì đà tăng trưởng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ tháng 5/2021, tốc độ tăng giá trị gia tăng của tỉnh ước đạt 10,2%, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ.
8. Hàng loạt dự án được phê duyệt, mời gọi đầu tư
Trong 9 tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh các hoạt động phê duyệt quy hoạch khu dân cư, quy hoạch khu đô thị, mời gọi đầu tư dự án bất động sản. Bắc Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như Vingroup, FLC, Capital Land, Samsung, Foxconn, Sumimoto,...
Từ đầu năm tới nay, hàng loạt dự án lớn tại Bắc Giang được phê duyệt, mời gọi đầu tư như: Khu đô thị, du lịch sinh thái thể thao Khuôn Thần hơn 870 ha tại huyện Lục Ngạn; Khu đô thị du lịch sinh thái 426 ha tại huyện Lạng Giang; Khu đô thị 77 ha tại thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên;
Khu đô thị mới hơn 73 ha phía Nam thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn; Khu đô thị số 6 quy mô gần 70 ha tại huyện Lục Nam; Khu đô thị số 11, 12 quy mô 66 ha tại TP. Bắc Giang và huyện Yên Dũng; Khu đô thị Tự Lạn 50 ha tại huyện Việt Yên; Khu đô thị mới thị trấn Kép, huyện Lạng Giang khoảng 158 ha;...
Được biết, TP. Bắc Giang đã và đang tập trung thu hút đầu tư phát triển hệ thống các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí chất lượng cao, khu shophouse có quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và du khách.
Như vậy, với sự cộng hưởng của nhiều yếu tố tiềm năng mà Dothi.net nêu trên, bất động sản Bắc Giang thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn giới đầu tư trong nước và quốc tế. Những dự án có hạ tầng hoàn thiện, quy hoạch đồng bộ, pháp lý rõ ràng sẽ "chiếm sóng" thị trường, hứa hẹn tiềm năng tăng giá lớn trong thời gian tới.
Lam Giang (TH)
>> Bắc Giang: Từ 1/9, diện tích tối thiểu được tách thửa là 32m2
>> Bắc Giang: Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất có hiệu lực từ 10/10