Tại tọa đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" diễn ra tại Vĩnh Phúc sáng 5/1 vừa qua, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chỉ ra 6 xung lực mới cho thị trường bất động sản năm 2021 và trong tương lai.
|
Thị trường bất động sản năm 2021 được dự báo có nhiều điểm sáng. Ảnh minh họa |
1. Thị trường bất động sản đã điều chỉnh rất nhanh nhạy theo tình hình đại dịch Covid-19, đưa công nghệ vào bán hàng. Dự báo tăng trưởng kinh tế vĩ mô năm 2021 khoảng từ 6,5-7%. Tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam trong một thập kỷ tới dự báo đạt 7%, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng 6,5%... Theo TS. Cấn Văn Lực, đây là một trong những xung lực rất lớn cho thị trường địa ốc.
2. Xung lực về pháp lý: Hiện tại, các văn bản pháp luật liên quan tới doanh nghiệp, đất đai, xây dựng... được bổ sung, sửa đổi với nhiều điểm tinh giản đáng kể. Đặc biệt, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán cho phép huy động vốn thông qua việc thành lập quỹ - động lực cho các doanh nghiệp bất động sản.
3. Xung lực về việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất đầu tư nước ngoài: Đối với giới đầu tư ngoại, Việt Nam là thị trường mới hấp dẫn và an toàn hơn trong bối cảnh hiện nay. Ông Lực cho biết, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản thông báo chuyển nhà máy ra khỏi nước Nhật, có tới 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam.
4. Xung lực về giải ngân vốn đầu tư công: Theo ông Lực, khi kinh tế suy thoái thì đầu tư công là kênh đầu tư rất tốt, tạo ra hệ số lan tỏa cực kỳ lớn. Việc giải ngân vốn đầu tư công nhanh trong năm 2020 đã đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, khoảng 6,5%, tương ứng 0,2 %.
5. Xung lực từ chuyển đổi số: Đối với các doanh nghiệp địa ốc, ngoài việc đầu tư chuyển đổi số để marketing, bán hàng, việc áp dụng công nghệ số cũng là một kênh đầu tư tốt, giúp huy động vốn nhanh.
6. Xung lực từ lãi suất: Lãi suất cho vay hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua, từ 8-10% tùy thời hạn. Đây là thời điểm thuận lợi để các hộ gia đình, cá nhân mua nhà hoặc đầu tư, tính cả trường hợp đi vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cho biết có 4 rủi ro, thách thức mà thị trường bất động sản năm 2021 phải đối mặt.
Thứ nhất, rủi ro về pháp lý, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc nhưng các doanh nghiệp địa ốc Việt có tính linh hoạt cao, dễ thích ứng hơn và cũng đã khá quen với rủi ro này.
Thứ hai, rủi ro khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên phạm vi toàn thế giới.
Thứ ba, rủi ro về đòn bẩy tài chính, tuy nhiên các doanh nghiệp kiểm soát đòn bẩy tài chính khá tốt.
Thứ 4, rủi ro vay nợ khi quy mô nợ gấp 3,5 lần quy mô GDP của nền kinh tế toàn cầu. Nếu lãi suất tăng thì rủi ro này càng lớn.
Ông Lực nhận định, cơ hội kinh doanh năm 2021 rất nhiều nhưng doanh nghiệp bất động sản phải thay đổi phương thức, mô hình kinh doanh, áp dụng chuyển đổi số, nắm bắt cơ hội nhưng vẫn cần thận trọng vì thị trường đang bước sang một trang mới.
Lam Giang
>> Chuyên gia hiến kế kéo giảm giá nhà ở
>> Năm 2021, giá chung cư tại TP.HCM tiếp tục tăng
>> 3 điểm nóng mới của thị trường bất động sản TP.HCM
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2021/01/06/6-xung-luc-moi-cho-thi-truong-bat-dong-san