SearchNews

"Đau đầu nhức óc" vì tin nhắn, cuộc gọi chào mua bất động sản

02/08/2019 11:04

Môi giới địa ốc là cầu nối quan trọng giữa khách hàng và doanh nghiệp. Thế nhưng, việc nhiều công ty núp bóng nghề môi giới hoạt động "vô tội vạ" như hiện nay gây ảnh hưởng không nhỏ tới những người làm việc chân chính.

Công ty môi giới mọc lên nhan nhản

Tại các khu vực vùng ven TP.HCM (Thủ Đức, quận 9, quận 12), dọc các trục đường chính có vô số công ty môi giới trưng biển quảng cáo hoành tráng. Tuy nhiên, những công ty này thực tế chỉ có 1-2 nhân viên, không giấy phép, hoạt động riêng lẻ, thậm chí có dấu hiệu thổi giá hòng trục lợi bất chính.

Qua tìm hiểu được biết, một số công ty môi giới thuê nhân viên online, làm việc qua Internet. Chủ các công ty dạng này thường là môi giới có thâm niên trong nghề, nắm rõ dự án nào đang được mở bán trên thị trường.

Chủ các công ty môi giới sau khi nhận sản phẩm dự án sẽ tuyển nhân viên qua hình thức online. Nhân viên sẽ ký hợp đồng làm sales với công ty rồi bắt đầu đi chào bán sản phẩm kiếm hoa hồng cao như công ty hứa hẹn.

môi giới địa ốc
Nhiều người bức xúc khi bị nhân viên môi giới địa ốc làm phiền.

Công ty môi giới kiểu này liên tục được thành lập với lượng nhân viên sales đi chào mời bất động sản khắp nơi khiến người dân không khỏi bức xúc. Ngụ phường 14, quận Gò Vấp (TP.HCM), chị Nguyễn Thị Liên liên tục bị nhân viên môi giới gọi điện giới thiệu dự án chung cư ở Bình Tân, quận 2, đất nền Bình Dương, Củ Chi... suốt vài tuần nay. Chị Liên cho hay: "Cả ngày liên tục nhận điện thoại chào mời mua bất động sản, kể cả đang lúc làm việc, họp hành khiến tôi rất khó chịu. Khi tôi trao đổi không có nhu cầu và đề nghị lần sau đừng gọi nữa, thì lại nhận được cuộc gọi của người khác gọi tới làm phiền. Có khi cùng một dự án mà có tới mấy người gọi điện".

Nhận những cuộc điện thoại bất đắc dĩ, nhiều người cảm thấy vô cùng phiền phức. Ngoài việc cho nhân viên gọi điện mời chào, nhiều công ty còn quảng cáo qua tổng đài tự động. Rất đơn giản, khi chủ thuê bao nhấc máy, lập tức thông tin về dự án sẽ tự động bật, bất chấp người nghe có quan tâm hay không. Một số đơn vị môi giới còn gửi tin nhắn SMS để chào mua nhà đất. Thậm chí, để tạo sốt ảo, nhiều công ty môi giới còn cố tình đẩy giá đất vượt xa giá trị thực khiến thị trường phát triển không lành mạnh.

Theo báo cáo trong 2 quý đầu năm của một số công ty nghiên cứu thị trường, phân khúc đất nền TP.HCM đang tập trung tại khu vực phía Đông gồm Thủ Đức, quận 2 và quận 9. So với quý trước, giá đất nơi đây tăng liên tục, từ 5-10%. Cá biệt, quận 2 tăng tới 15-20%. Tại một số vùng lân cận, giá đất cũng đang trong tình trạng nóng sốt như thị xã Thuận An và Dĩ An, tỉnh Bình Dương; huyện Long Thành, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Ai cũng có thể trở thành môi giới địa ốc

Dữ liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, toàn quốc hiện có khoảng 300.000 người hành nghề môi giới. Trong đó, TP.HCM có khoảng 90.000 người, Hà Nội khoảng 70.000 người, còn lại là các tỉnh, thành khác. Do chưa đủ độ chuyên nghiệp và đặc thù nghề nghiệp nên chỉ có 70% môi giới hoạt động thường xuyên, 20% hoạt động kết hợp cùng nghề khác. Đáng chú ý, chỉ có khoảng 35.000 trên tổng số 300.000 người có chứng chỉ hành nghề môi giới.

Hiện tại, các công ty môi giới được thành lập quá dễ dàng. Theo đó, nhiều người có chứng chỉ hành nghề mở công ty và tuyển những người không có chứng chỉ vào làm nhân viên. Ai ai cũng có thể trở thành môi giới khiến nghề này càng thêm nhiễu loạn. Không ít người quan niệm, môi giới địa ốc là nghề hái ra tiền. Lĩnh vực này vì thế ngày càng xuất hiện nhiều môi giới tay ngang.

môi giới bất động sản
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện có khoảng 80% môi giới không có chứng chỉ hành nghề.

Bàn về những lý do dẫn tới những lộn xộn trong nghề môi giới, theo ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, một môi giới địa ốc chuyên nghiệp cần được đào tạo bài bản, có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, kiến thức chuyên sâu. Đây là nghề cần hội tụ nhiều kỹ năng và không ngừng học hỏi.

Vậy nhưng, do cơ chế quản lý chưa chặt chẽ nên những môi giới chuyên nghiệp thêm chông chênh trong nghề còn môi giới tự phát ngày càng gia tăng. Khi thấy thị trường bất động sản sốt nóng, nhiều người chuyển sang làm môi giới, khi thị trường chững lại thì nghỉ.

Giới chuyên gia bất động sản nhận định, hành lang pháp lý về môi giới vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ như quy định cá nhân để được dự thi chứng chỉ hành nghề không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học. Bên cạnh đó, chế tài xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm còn chưa đủ sức răn đe...

Theo Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Trần Minh Hoàng, nhiều công ty môi giới hiện đã tạo dựng được thương hiệu và chuyên nghiệp trong hoạt động. Đối với các nhà phát triển bất động sản, môi giới trở thành kênh phân phối, là đối tác quan trọng. Tuy vậy, do những hạn chế trong công tác quản lý, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của nghề nên nghề môi giới vẫn còn nhiều hạn chế.

Hơn nữa, có một lượng lớn trong số các sản phẩm được môi giới chào bán chưa đủ tiêu chuẩn để đưa vào kinh doanh. Lượng tin rao bán nhà ở riêng lẻ sai lệch về vị trí, quy hoạch, pháp lý, giá cả... chiếm trên 90%. Chưa kể, tình trạng thổi giá, tung thông tin ảo, đưa tin thất thiệt về dự án vẫn rất phổ biến. Bài toán khó này cần có thời gian để đưa ra lời giải hợp lý. 

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu