SearchNews

Doanh nghiệp địa ốc đua phát hành trái phiếu là dấu hiệu của cơn khát vốn

27/07/2019 08:05

Giới chuyên gia cho rằng, các đợt phát hành trái phiếu ồ ạt của các doanh nghiệp địa ốc thời gian qua tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đồng thời, tình trạng này còn là dấu hiệu của việc khát vốn.

Dữ liệu từ Ủy ban chứng khoán cho hay, trong 2 quý đầu năm 2019, khoảng 60.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành. Trong khi đó, theo Công ty chứng khoán MB (MBS), con số này khoảng 70.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhóm doanh nghiệp địa ốc chiếm trên 1/3 lượng phát hành.

Cuộc đua phát hành trái phiếu trong 2 năm trở lại đây gia tăng mạnh cả về quy mô lẫn mức lãi suất. Cụ thể, mức lãi suất mà các ngân hàng đưa ra khi phát hành trái phiếu tầm khoảng 7-8% còn các doanh nghiệp bất động sản chào lãi suất ở mức 11-13% hoặc cao hơn, gần 14,5%.

Một chuyên gia nhận định: "Các doanh nghiệp chấp nhận chi phí vốn tới 14,5%, chưa kể phí tư vấn phát hành và các khoản phí khác, thì họ phải tạo ra tỷ suất sinh lời cao hơn con số này, hoặc nếu không, vòng xoáy vay nợ phải diễn ra liên tục để có nguồn trả lãi cho trái chủ". Theo vị này, nếu tình trạng này không được kiểm soát, sụp đổ dây chuyền "theo kiểu domino" là điều khó tránh.

trái phiếu doanh nghiệp địa ốc
Hình ảnh toàn cảnh khu Đông TP.HCM nhìn từ trên cao. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Trưởng nhóm vĩ mô Công ty chứng khoán BIDV (BSI), ông Bùi Nguyên Khoa nhìn nhận, lý do khiến các doanh nghiệp địa ốc tăng cường kênh trái phiếu tín chấp là quy định phát hành được "nới lỏng" (phát hành riêng lẻ). So với các điều kiện phát hành trái phiếu theo Luật chứng khoán thì việc phát hành dưới hình thức riêng lẻ theo Nghị định 163 "dễ thở" hơn. Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải tìm nguồn thay thế trước việc siết vốn kênh tín dụng. Giới chuyên gia cho rằng, hình thức này như một cách để "lách" quy định chặt chẽ hơn khi phát hành ra công chúng.

Được biết, tại Nghị định 163 (hiệu lực từ ngày 1/2/2019) được sửa đổi từ Nghị định 90/2011, nhiều điều kiện khi phát hành trái phiếu đã được nới lỏng. Đáng chú ý, điều kiện doanh nghiệp phát hành phải có lãi trong năm gần nhất đã được hủy bỏ. Điều kiện để doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng là phải đảm bảo có lãi trong năm gần nhất, đồng thời không lỗ lũy kế cũng như không có nợ quá hạn trên 1 năm.

Đối với trường hợp phát hành trái phiếu ra công chúng, bên mua trái phiếu phải đợi 1 năm để giao dịch không hạn chế số lượng nhà đầu tư.

Sự nở rộ của "làn sóng" phát hành trái phiếu còn do những thay đổi trong chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, việc các doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu là dấu hiệu của "cơn khát vốn". Theo đơn vị này, trong bối cảnh ngân hàng hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực địa ốc, các doanh nghiệp gặp phải khó khăn khi tìm nguồn vốn thay thế.

Nội dung báo cáo của MBS nêu rõ, hiện thị trường đang phải chịu không ít tác động trước những thay đổi như giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn hay tăng hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ mức 200% lên 250% hoặc áp dụng hệ số rủi ro cao hơn với những khoản vay mua nhà trên 3 tỷ đồng. "Các chính sách này sẽ gây ảnh hưởng tới các chủ đầu tư có mức vay nợ cao cũng như nhắm vào thị trường bất động sản cao cấp", MBS nhận định.

Xét về mặt tích cực, các đợt phát hành trái phiếu giúp cả ba bên được lợi. Cụ thể là người mua trái phiếu được lãi suất cao hơn mặt bằng chung rất nhiều, đơn vị tư vấn hưởng phí hoa hồng cao, doanh nghiệp huy động được vốn.

Lãi suất trong các đợt phát hành gần đây thường dao động từ 11-14%. Dễ dàng nhận thấy, so với lãi suất huy động 12 tháng của ngân hàng thương mại, mức lãi suất này cao gần gấp 2 lần, "hời" so với các kênh đầu tư khác dù lãi suất khi phân phối lại đến tay nhà đầu tư cá nhân thấp hơn 1-2%.

Trên thực tế, đối tượng tham gia gia các đợt phát hành nói trên thường là những tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm. Với mức phí tư vấn cao, mức chênh lệch khi phân phối lại, các đơn vị này cũng được hưởng lợi. Sau khi hết thời hạn 1 năm, lượng trái phiếu có thể tiếp tục phân phối cho nhà đầu tư cá nhân, lãi suất thấp hơn 1-2%.

Mặt khác, kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán tham gia tích cực trên thị trường trái phiếu cũng cho thấy sự "màu mỡ" của kênh này. So với cùng kỳ năm ngoái, mức lãi mà TCBS thu về trong nửa đầu năm 2019 cao gấp 3 lần khi giữ hơn 80% thị phần môi giới trái phiếu trên HoSE. Theo đó, TCBS trở thành đơn vị có lãi cao nhất.

Trong 6 tháng qua, đóng góp một phần không nhỏ trong tổng doanh thu hơn 750 tỷ đồng của TCBS là nghiệp vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu. Song, theo các chuyên gia, lợi ích và rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tựa như hai mặt của một đồng xu, rủi ro càng lớn khi lợi nhuận càng cao.

Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) lý giải, nguyên nhân chính tạo nên mức lãi suất đột biến của các doanh nghiệp là "trái phiếu thuộc ngành này luôn được đánh giá với mức độ rủi ro cao hơn trái phiếu tổ chức tín dụng hay trái phiếu các doanh nghiệp sản xuất".

Vậy nhưng, vấn đề là mức độ minh bạch của đơn vị phát hành trong hồ sơ chào bán trái phiếu chưa được xác định rõ ràng. Nghị định 163 quy định, chỉ cần công bố hợp đồng dịch vụ với các bên liên quan hoặc xếp hạng tín nhiệm với tổ chức phát hành trái phiếu "nếu có". Các tài liệu này không bắt buộc phải có trong hồ sơ phát hành.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: "Sự tăng mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là giai đoạn cuối năm". Chuyên gia này nhấn mạnh, cuộc đua lãi suất phát hành lên tới 13-14% là một dấu hiệu cần theo dõi vì điều này phần nào cho thấy cấu trúc vốn của doanh nghiệp chưa ổn định. "Nếu để xảy ra vỡ nợ, tác động sẽ rất lớn", ông Phong cho biết thêm.

Trong khi đó, theo một chuyên gia khác: "Chi phí vốn đầu vào cao đòi hỏi doanh nghiệp phải tạo ra một tỷ suất sinh lời cao hơn" nhưng trong bối cảnh hiện nay thì điều này không dễ thực hiện.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu