Có 19 thành phố tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nằm trong top 20 thành phố năng động nhất thế giới theo bảng xếp hạng Chỉ số tăng trưởng Thành phố (CMI). Như vậy, quá trình đô thị hóa đã nhanh chóng dịch chuyển từ Tây sang Đông.
Việt Nam giữ thứ hạng cao trong bảng xếp hạng nói trên. Minh chứng là, Tp.HCM và Hà Nội đều thuộc top 10 thành phố năng động nhất. Tp.HCM được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp, thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đô thị này có sự hiện diện dày đặc của các tập đoàn trong nước và quốc tế. Xét về mặt thương mại, tuy đi sau Tp.HCM nhưng Hà Nội đang trên đà phát triển nhanh chóng.
Hiện tại, Việt Nam đang được cân nhắc là lựa chọn thay thế Trung Quốc nhờ chi phí lao động thấp. Mặt khác, tranh chấp thương mại "leo thang" giữa Trung Quốc và Mỹ có thể mang tới lợi ích dài hạn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường nhà đất nói riêng. Cả Hà Nội và Tp.HCM đều đang hấp dẫn các khoản đầu tư cực lớn từ các công ty công nghệ đa quốc gia, tiêu biểu như Samsung, Intel, LG, Microsoft. Dòng vốn của doanh nghiệp ngoại góp phần thúc đẩy công nghiệp sản xuất và đóng góp vào sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam.
|
Lĩnh vực công nghệ là động lực tăng trưởng chủ chốt của thị trường bất động sản. |
Tổng Giám Đốc JLL Việt Nam, ông Stephen Wyatt đánh giá: “Việt Nam đang tiếp tục thể hiện mức tăng trưởng tốt nhằm thu hút lượng đầu tư từ nước ngoài ở tất cả các danh mục bất động sản. Sự gia tăng sức mua, tăng trưởng chi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng, dân số đô thị được mở rộng và nhân khẩu học trẻ là nền tảng lớn cho sự tăng trưởng của thị trường".
Vậy nhưng, thị trường bất động sản Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng vẫn còn khá non trẻ và đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lượng cổ phiếu cấp đầu tư khan hiếm, tính minh bạch thấp. Mặt khác, vì tăng trưởng nhanh chóng nên các thành phố này cũng đang đối mặt với những hệ quả như ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, bất bình đẳng xã hội.
Chuyên gia của JLL cho rằng, lời giải cho bài toán tăng trưởng lâu dài, bền vững của thị trường là việc phát triển bất động sản xanh, bất động sản thông minh, cải thiện tính minh mạch. Trên thực tế, chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều động thái nhằm tăng tính minh bạch cho thị trường như định giá tài sản tốt hơn, cải tiến quá trình đăng ký đất đai, ứng dụng các hệ thống chứng nhận công trình xanh như LEED, LOTUS.
Theo ông Stephen Wyatt, để nuôi dưỡng động lực phát triển bền vững và giúp thị trường "trưởng thành" hơn, các thành phố cần thu hút được những khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài dài hạn. Chìa khóa khóa thu hút nguồn lực đầu tư đối với thị trường bất động sản chính là cơ sở hạ tầng và tính minh bạch.