Tham dự một hội thảo về đất đai vừa được tổ chức, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung (Khoa Luật, Đại học QGHN) nhận định, Việt Nam sau khi gia nhập WTO đã và đang tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi. Theo đó, giới đầu tư trong nước và quốc tế có thêm nhiều cơ hội đầu tư mới vào Việt Nam.
Theo chuyên gia này, thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, chuyển dịch vị trí đất để thực hiện dự án sẽ khiến giá trị của đất gia tăng. Đồng thời, điều này cũng thể hiện sự thành công trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ thương mại.
Bà Nhung cho hay: "Đối với nhà đầu tư, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt nên có được những mảnh đất có "vị trí vàng" sẽ có lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu được nhiều lợi ích từ các chuyển dịch đất đai sau đầu tư".
|
Giá bất động sản trước và sau khi có dự án có thể chênh lệch từ 50-700 lần. |
PGS.TS. Doãn Hồng Nhung khẳng định, lợi ích thu được qua đầu tư cũng như địa tô chênh lệch thu được lợi nhuận thặng dư lũy tiến theo cấp số nhân là điểm mấu chốt để phát triển bất động sản, thu hút giới đầu tư tài chính vào lĩnh vực địa ốc.
Chuyên gia này nhấn mạnh: "Giá trước khi có dự án và giá bất động sản sau dự án chênh lệch từ 50-700 lần".
Theo bà Nhung, Nhà nước nên đưa ra giải pháp mang tính tổng thể để thúc đẩy chuyển dịch đất đai, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai. Nhiều cơ quan ban ngành phối hợp chặt chẽ mới có thể thực hiện chuyển dịch đất đai thành công.
TS. Doãn Hồng Nhung bày tỏ: "Các biện pháp thúc đẩy chuyển dịch đất đai hướng tới phát triển bền vững cần có sự nỗ lực và thành ý của mỗi cá nhân và tổ chức trong bộ máy quản lý, kinh doanh, đầu tư, thương mại, tài chính, ngân hàng, bộ máy hành chính, dịch vụ từ Trung ương đến địa phương".
Trong khi đó, theo GS. Đặng Hùng Võ, Việt Nam cần thực hiện chuyển dịch đất đai từ sử dụng đất hiệu quả chưa cao sang sử dụng đất hiệu quả cao hơn nhiều để đầu tư phát triển. Thế nhưng, thực tế cho thấy, mâu thuẫn về lợi ích liên quan tới đất thường xảy ra trong quá trình chuyển dịch đất đai.
Ông Võ cho rằng, pháp luật về đất đai cần đổi mới căn bản về cơ chế chuyển dịch đất đai với mục đích sinh lợi. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt những dự án cần đất phục vụ mục đích sinh lợi trên cơ sở phân tích chi phí - lợi ích kinh tế kèm cam kết chia sẻ lợi ích, đánh giá tác động môi trường và tác động xã hội.
Mặt khác, dựa trên sự đồng thuận của cộng đồng theo đa số đối với phương án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư cùng nguyên tắc chia sẻ lợi ích sẽ thực hiện, Nhà nước cần tạo lập khung pháp luật cho cơ chế chuyển dịch đất đai nói trên. Ngoài việc chuyển hoàn toàn quyền sử dụng đất (tức chuyển nhượng), chuyển dịch đất đai có thể áp dụng cả phương thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho thuê đất.
GS. Đặng Hùng Võ đánh giá: "Áp dụng 2 đề xuất đổi mới như trên sẽ phát huy được mọi ưu điểm và khắc phục được mọi nhược điểm của cả chuyển dịch đất đai bắt buộc và tự nguyện".